Thời gian này, Bảo Nguyễn (26 tuổi, quận 4, TP.HCM) ở yên trong nhà. Đôi lúc, anh không tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Bởi cũng đã 4 tháng rồi Bảo “mắc kẹt” ở TP.HCM và chưa được gặp người thân.
Trên hết, công việc kinh doanh của anh chàng này cũng đã tạm ngừng tầm ấy thời gian.
Học nấu ăn khi cửa hàng đóng cửa
Bắt đầu kinh doanh thời trang từ tháng 8/2018, Bảo sớm đạt được thành công nhất định.
Trong thời gian ngắn, anh mở cho mình 2 cửa hàng nằm ở mặt tiền đường Lê Văn Sỹ (quận 3) và Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận). Doanh thu trung bình tầm 250-350 triệu đồng/ tháng giúp chàng trai 26 tuổi có được cuộc sống thoải mái, không lo nghĩ nhiều.
Thế nhưng, dịch bệnh đã khiến công việc kinh doanh của chàng trai này ngưng trệ hoàn toàn.
“Dịch xuất hiện gây tổn thất cho ngành thời trang. Không chỉ mình mà rất nhiều bạn trẻ kinh doanh ngành nghề này cũng chịu cảnh đóng cửa tiệm vô thời hạn”, Bảo bộc bạch.
Bảo tập nấu ăn để giảm căng thẳng trong mùa dịch. Ảnh: NVCC. |
Hầu hết hoạt động liên quan đến shop đều bị dừng lại. Đặc biệt sau khi TP ban hành Chỉ thị 16, doanh thu giảm dần đều từ 50-70%.
Số tiền còn lại không đủ trả phí duy trì cửa hàng. Bảo quyết định trả lại mặt bằng và cho nhân viên tạm thời nghỉ việc, sau dịch sẽ tính tiếp.
"Dòng tiền dành đi đầu tư, kinh doanh đang dần bị hao hụt bởi những chi phí duy trì cuộc sống hàng ngày", Bảo lo lắng.
Nhưng không để phí thời gian vào việc than vãn hay chán nản, Bảo Nguyễn bắt tay vào học nấu ăn, điều mà trước giờ anh chưa từng thử. Nhờ sự trợ giúp từ những “cô giáo” trên mạng là các clip dạy làm món gà chiên nước mắm, kho thịt, xào rau,... mà tay nghề của Bảo đã được cải thiện rõ.
Bạn bè và người thân còn thường xuyên gọi điện, động viên anh chàng. Đây là liều “vaccine tinh thần” giúp Bảo lạc quan hơn trong thời gian này. Anh hy vọng dịch sớm qua để có thể thực hiện những kế hoạch còn dang dở.
Cơ hội để nghỉ ngơi
Đã 3 tháng trôi qua, Thanh Di (29 tuổi, TP Thủ Đức) không còn bị áp lực bởi những KPI, deadline, họp hành,...
“Tôi muốn nghỉ việc để nghỉ ngơi thoải mái, phục hồi sức khỏe và năng lượng. Ngoài ra tôi cũng muốn thử bước khỏi vùng an toàn để trải nghiệm những điều mới mẻ hơn”, Di chia sẻ lại nguyện vọng khi nộp đơn nghỉ việc.
Thanh Di dự tính nghỉ việc để nghỉ ngơi, dành thời gian đi du lịch. Ảnh: NVCC. |
Bởi cuộc sống văn phòng trước đó của chị khá áp lực. Là người sáng tạo nội dung cho một kênh thông tin điện tử, chị thường xuyên thức đêm dậy sớm. Giấc ngủ cũng không ổn định dẫn đến sa sút năng lượng.
Suốt 4 năm, Thanh Di gần như không có một ngày nghỉ dù là lễ, Tết. Cứ nghĩ là nghỉ việc rồi có thể đi du lịch, thăm bạn bè nhưng dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, Di chỉ có thể ở nhà.
Bỏ qua cảm giác hụt hẫng và tiếc nuối, Thanh Di liền tìm cho mình niềm vui mới bằng việc tập thể dục. Ngày trước, chị gặp vấn đề với cân nặng. Thể trạng ốm yếu, gầy gò khiến chị không tự tin. Nay nhờ điều chỉnh chế độ ăn, kết hợp tham gia lớp tập online mà Thanh Di tăng gần 5 kg. Vóc dáng đầy đặn, gương mặt tròn trịa hơn khiến chị cảm thấy rất hài lòng.
Nói về dự định tương lai, Thanh Di tâm sự: "Hiện tại, ngành của tôi không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch Covid-19. Vậy nên tôi tự tin bản thân có thể tìm việc mới bất kỳ lúc nào".
Làm tình nguyện viên
Cũng như Thanh Di, Minh Thư (24 tuổi, quận Tân Bình) cũng trùng hợp xin nghỉ việc vào thời điểm giãn cách xã hội. Một năm rưỡi làm chuyên viên pháp lý ở công ty luật mang lại cho cô nhiều kinh nghiệm.
Những ngày còn đi làm, Thư bận rộn chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, trao đổi với khách hàng, cơ quan nhà nước,... Cô gái 24 tuổi thừa nhận cảm thấy áp lực và muốn tìm một môi trường mới để phát triển bản thân.
“Mình không lên kế hoạch nhiều lắm. Chỉ nghĩ là mình sẽ nhân lúc đang dịch, giãn cách xã hội để tranh thủ nghỉ ngơi, vài tháng sau sẽ tìm việc”, Thư bày tỏ.
Vô tình biết được nhóm Go Volunteer đang tuyển tình nguyện viên, cô gái trẻ xúc động trước những hình ảnh, tâm sự của các bạn trẻ đang làm công việc cống hiến này. Thư thầm nghĩ mình cũng nên góp một chút sức lực nhỏ bé cho chiến dịch.
Minh Thư trong bộ đồ bảo hộ khi làm tình nguyện viên. Ảnh: NVCC. |
Sau một hồi tham khảo, Thư đăng ký hỗ trợ cộng đồng tại quận nơi cô sinh sống.
Có lần đi lấy mẫu xét nghiệm, Thư chứng kiến cả gia đình 4 người xét nghiệm ra dương tính với SARS-CoV-2. Trong đó đã có 2 em nhỏ rất can đảm và ngoan ngoãn khi cô lấy mẫu xét nghiệm lại. Kết quả xét nghiệm lần sau cho thấy cả nhà đều âm tính. Lúc đóng cửa, Thư nghe rõ tiếng cô chủ nhà hét lớn lên vì mừng. Thư nghe mà vui lây.
“Cứu tinh” đến từ kinh doanh online
Khánh Linh (20 tuổi, ở quận Bình Thạnh) là nhân viên giám sát của một trung tâm bán hàng điện tử được 1 năm. Đại dịch bùng phát, nơi Linh làm việc đóng cửa không biết ngày mở lại.
"Mất việc, tôi tập kinh doanh theo lộ trình dự tính trước đó", Khánh Linh chia sẻ.
Vì có nhiều thời gian rảnh hơn, Linh cùng bạn thân đẩy mạnh trang bán đồ second-hand trên nền tảng Instagram. Nhờ mắt thẩm mỹ, có nhiều quần áo độc lạ mà shop online này được giới trẻ đón nhận.
Dù không lo về nguồn khách, Khánh Linh đối mặt với những khó khăn đến từ khâu vận chuyển hàng hóa, tình trạng thiếu hụt shipper, giao hàng chậm trễ,...
Khánh Linh hy vọng những sản phẩm của mình sẽ giúp ai đó trở nên vui hơn trong mùa dịch này. Ảnh: NVCC. |
“Những ngày này, thú thật mình có những lúc hụt hẫng, không ổn. Mình không chối bỏ. Nhưng thay vì để nó ảnh hưởng đến tâm trạng thì mình luôn tạo ra những việc tích cực để làm”, Khánh Linh bộc bạch.
Mỗi sáng, cô bạn tập thể dục, trả lời tin nhắn khách hàng rồi pha cà phê, nghe nhạc, đọc sách. Ngoài ra, Linh còn tìm tòi, học hỏi thêm nhiều kiến thức mới. Một điều nữa khiến cô nàng 20 tuổi này bất ngờ là khả năng nấu ăn “lên tay” chỉ sau vài tháng của mình.
Trên hết, Linh nhận ra nhờ thời gian giãn cách thế này mà gia đình cô trở nên thân thiết với nhau hơn.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.