Tác giả Trần Minh Nhựt tại buổi giới thiệu sách ngày 2/3. Ảnh: Thanh Trần. |
Trong tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, tác giả Trần Minh Nhựt đã giải mã bộ tranh Grande Tenue de la Cour d’Annam (tạm dịch Đại Lễ phục triều đình An Nam) của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân. Công trình nghiên cứu được thực hiện trong nhiều năm, là những đánh giá khách quan trên tinh thần khoa học về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật. Những bức vẽ trong bộ tranh này được xem là nguồn tư liệu mới cho lịch sử trang phục Việt Nam, phục dựng trang phục cung đình Nguyễn.
Hành trình đi tìm bộ tranh gốc
- Từ khi nào và điều gì đã khiến anh muốn nghiên cứu về trang phục nhà Nguyễn mà cụ thể là bộ tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân?
- Là một người làm trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, lần đầu tiên nhìn thấy trang phục triều Nguyễn ở Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế ở Huế, tôi đã cảm thấy rất yêu thích. Tôi nhớ cuối năm 2016 cũng có một chuyên đề “vàng son nhung gấm” được trưng bày ở bảo tàng lịch sử TP.HCM, tôi lại có dịp được xem các hiện vật gốc của các nhà sưu tập cũng như hiện vật phục chế trang phục triều Nguyễn.
Tuy nhiên, khi lục tìm các tài liệu thì có rất nhiều học giả, nhiều nhà nghiên cứu đã nghiên cứu kỹ lưỡng về trang phục triều Nguyễn rồi, trong khi tôi muốn phát triển theo một hướng mới. Vì thế khi vô tình nhìn thấy được bộ tranh của ông Nguyễn Văn Nhân in trong một quyển sách thì lúc đó tôi đã quyết tâm là phải nghiên cứu bộ tranh này. Lúc đó là vào khoảng đầu năm 2017 khi tôi đang học thạc sĩ.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (bên trái) và tác giả Trần Minh Nhựt (bên phải) trong buổi giới thiệu sách ngày 2/3 tại TP.HCM. Ảnh: BTC. |
- Thông tin lúc đó về bộ tranh này như thế nào và điều gì khiến anh đánh giá cao công trình của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân?
- Khi bắt đầu nghiên cứu tôi tìm thấy thông tin rằng bộ tranh đang trong tình trạng lưu lạc ở nước ngoài và cũng có rất nhiều tranh cãi về tính chân xác của bộ tranh này. Điều mà tôi đặc biệt quan tâm trên bộ tranh này đó chính là nghệ thuật vẽ tranh truyền thần cũng như là nghệ thuật vẽ trang phục triều Nguyễn. Nhưng quả thật, lúc đó tôi cũng chưa định hình được rằng mình sẽ nghiên cứu về khía cạnh nào của bộ tranh bởi vì các tài liệu nghiên cứu về Nguyễn Văn Nhân cũng như bộ tranh này quá ít, nhiều nhất là từ nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn mà thôi.
Học giả L. Cadière - người phụ trách phần đồ họa cho chuyên đề L’Art à Hué thuộc Tập san B.A.V.H đã khẳng định những người An Nam làm công việc nghệ thuật chỉ được gọi với danh xưng là “nghệ nhân" vì họ không có khả năng sáng tạo. Theo đó, tất cả đều là nghệ nhân, là thợ vẽ tranh và minh họa lại các vật phẩm.
Nhưng dưới góc nhìn của tôi thì tôi muốn xác định lại vị trí của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân và vì vậy tôi luôn gọi ông là họa sĩ ở trong tác phẩm của tôi. Đôi khi có những chỗ tôi sẽ gọi ông là nghệ sĩ hay tác giả. Nhưng hầu hết đều gọi là họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, chứ tôi không gọi là nghệ nhân Nguyễn Văn Nhân.
- Với những thông tin ít ỏi ban đầu về người họa sĩ, thậm chí không biết bộ tranh gốc ở đâu, anh đã bắt đầu công trình nghiên cứu của mình như thế nào vào tiến hành ra sao?
- Lần đầu tôi tiếp cận bộ tranh đó, tôi rất thích. Tuy nhiên vì tôi không biết bộ tranh gốc như thế nào, có hình thù ra sao, chất liệu giấy với bề mặt thế nào mà màu nước thể hiện được, và màu sắc nó hiển thị như thế nào khi mà tôi nhìn vào.
Ban đầu tôi đi tìm tài liệu, đi hỏi người này người kia và tham khảo nhiều nhất từ các bài nghiên cứu của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bởi vì ông là người đưa bộ tranh này về Việt Nam đầu tiên. Sau đó, tôi tìm thấy ở trong một cuốn sách của tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, có nhan đề Kiểu Huế, trong đó cũng có đề cập đến bộ tranh này. Ngoài ra, giai đoạn đầu phải nói mọi thứ còn rất mờ mịt.
Nói vui một chút, tôi có cảm giác là ông Nguyễn Văn Nhân đang dõi theo mình. Bởi vì trong cuộc hành trình nghiên cứu của tôi, tôi gặp rất là nhiều điều may mắn và có chút kỳ lạ. Kỳ lạ ở chỗ tôi tìm được người nhà của một họa sĩ có tên và sự nghiệp hội họa gần giống với ông Nguyễn Văn Nhân, tên là Nguyễn Khắc Nhân. Hay khi tôi xin phép sử dụng toàn bộ các file ảnh chụp bộ tranh đó từ National Gallery Singapore, và họ đã đồng ý.
Tác phẩm Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX của tác giả Trần Minh Nhựt. Ảnh: Thanh Trần. |
Cũng có lúc tôi cảm thấy như mình không thể tiếp tục được nữa. Đó là khoảng năm 2020, sau khi không tìm được tung tích của bộ tranh gốc, tôi tạm dừng khoảng 6 tháng. Đến đầu năm 2021 thì biết bộ tranh đang được lưu giữ ở đâu, tôi bắt đầu đàm phán và sau đó tôi phải viết lại rất nhiều từ các nghiên cứu trước đó của tôi.
Chuyên môn chính của tôi là mỹ thuật học nên thời gian phân tích không gặp nhiều khó khăn. Công đoạn lâu nhất để tôi thực hiện công trình này là tìm kiếm bộ tranh, thương lượng, đàm phán với bên Singapore để họ cung cấp tài liệu cho tôi. Thời gian thương lượng mất gần một năm trời.
- Việc có được tư liệu gốc của bộ tranh có ý nghĩa như thế nào với công trình nghiên cứu?
- Trong nghiên cứu mỹ thuật học thì chất liệu giấy, chất liệu bạn vẽ màu và cách thể hiện màu rất quan trọng. Đó là lý do tôi mong ước tìm ra được bộ tranh gốc ở đâu để có những phân tích xác thực hơn. Còn trước đó tôi chỉ tiếp cận với tài liệu thứ cấp, không có nhiều nhận định đúng đắn lắm, do đó mà tôi có quyết định tạm dừng.
Sau khi có được ảnh chụp tư liệu gốc, phần màu sắc trong nghiên cứu ban đầu của tôi gần như là bỏ hết và viết lại. Nhờ có hình ảnh từ National Gallery Singapore, tất cả đều là hình ảnh gốc và không qua chỉnh sửa, tôi nhận ra màu của bộ tranh gốc cổ hơn, chân thực hơn rất nhiều. Nó giúp cho tôi nhìn thấy được kỹ thuật thể hiện, chất liệu, màu sắc của giai đoạn đó ra làm sao cũng như là tâm tư, tình cảm của ông Nguyễn Văn Nhân. Bởi người họa sĩ luôn có những cảm xúc bay bổng, mỗi nét thẳng, nét cong đều có những ý niệm ở trong đó.
Ở Việt Nam, tôi không rõ là đã có người biết bộ tranh này ở đâu hay chưa, đã đến Singapore để chiêm ngưỡng tác phẩm hay chưa. Nhưng đến thời điểm này thì tôi nghĩ là tôi đã có đóng góp nhỏ bé cho lĩnh vực nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam rồi.
Người trẻ phục dựng những giá trị văn hóa
- Những mục tiêu anh đặt ra cho nghiên cứu này cũng như con đường nghiên cứu sau này của mình là gì?
- Mục tiêu chính, giống như nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi đã chia sẻ, đó là: “những gì của lịch sử thì trả lại cho lịch sử". Những gì mà người khác chưa biết thì mình sẽ khai quật nó lên để đem những thông tin mới đến cho người khác. Những nhân vật lịch sử, những tác phẩm nghệ thuật bị lãng quên, chúng ta cần trả họ về lại đúng vị trí của lịch sử.
Trong tương lai, tôi dự định vẫn nghiên cứu về Huế và triều Nguyễn, nhưng sẽ không dừng lại ở văn hóa trang phục nữa mà sẽ mở rộng ra. Ví dụ bình phong xứ Huế, pháp lam Huế,... Tôi cũng muốn khai thác các họa tiết mà các nghệ nhân xưa đã tạo tác và chuyển thể nó thành những mẫu thiết kế có thể ứng dụng trong cuộc sống tương lai.
- Sau khi ra mắt sách, được biết anh đã có dịp kết nối với nhiều nhà nghiên cứu, những nghệ nhân phục chế cổ phục và đặc biệt là có cả hậu duệ của hoàng tộc triều Nguyễn, anh cảm thấy như thế nào về kết quả nhận được?
- Tôi nghĩ ở đây cũng là một điều mà ông Nguyễn Văn Nhân đang âm thầm giúp tôi từ một vùng đất xa xôi nào đó. Đầu tiên là sau khi công bố cuốn sách này xong thì có một giám tuyển nghệ thuật ở Đông Nam Á đã liên hệ với tôi và chúc mừng. Anh cũng là người có mối quan hệ thân thiết với National Gallery Singapore và có thể giúp tôi kết nối gần gũi hơn với họ. Tôi hy vọng trong tương lai, tôi có thể xin phép được sử dụng hình ảnh bộ tranh này trong lần tái bản tiếp nếu có, hoặc là trong các nghiên cứu tiếp theo nữa.
Ngày giới thiệu sách thì tôi gặp rất nhiều khách quý như là chú Vũ Kim Lộc, chú Nguyễn Phước Liên Quốc là hậu duệ của nhà Nguyễn và nhận được những góp ý rất hữu ích. Và cả những đóng góp của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cũng rất hay mà tôi có hứa sẽ bổ sung nếu tái bản.
- Hiện hay phong trào chụp ảnh Việt phục, cổ phục nổi lên khá nhiều. Anh cảm thấy thế nào khi các bạn trẻ quan tâm nhiều đến cổ phục của Việt Nam hơn?
- Trong những năm gần đây thì phải công nhận một điều rằng các bạn trẻ đã có những đam mê nhất định về cổ phục, nhiều tổ chức được lập ra để phục hồi lại cổ phục, không chỉ là thời Nguyễn mà còn thời Lê, Trần, Lý nữa. Tôi nghĩ đây cũng là một tín hiệu rất tốt bởi vì người trẻ đang dần dần quan tâm đến những di sản mà ông cha ta để lại. Trong số đó tôi cũng có dịp quen biết với những bạn rất tâm huyết. Có người tâm huyết với việc phục dựng vũ khí, có người quan tâm đến trang phục, làm các dự án thiết kế trang phục cho phim,...
Tôi cũng là một người trẻ và tôi hiểu được những người trẻ như tôi cũng có mối quan tâm nhất định đối với những gì mà cha ông ta để lại. Chúng tôi cố gắng truyền lại điều này cho những thế hệ sau để lịch sử không biến mất, nhất là hiểu biết về văn hóa.
TS Nguyễn Đức Sơn đánh giá: "Trong giai đoạn giao thoa văn hóa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã cho ra đời không ít các tác phẩm nghệ thuật mang âm hưởng phương Tây. Trong đó, dòng nghệ thuật minh họa để lại một số tác phẩm có giá trị được thực hiện bởi các học giả và nghệ nhân Pháp-Việt. Bộ tranh vẽ minh họa trang phục cung đình thời Nguyễn của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đem lại nhiều ấn tượng cho những người yêu nghệ thuật trong thời đại mới. Thông qua tác phẩm, người xem có cái nhìn mới mẻ về kiểu thức áo mũ thời phong kiến Việt Nam, phản ánh một giai đoạn lịch sử trang phục dưới triều Nguyễn".