Không ai nghĩ sau này lớn lên những con người ấy sẽ là thiên tài. Thời tuổi thơ của họ đầy những trò chơi và cả… tai nạn. Gặp nhiều tai nạn hơn cả có lẽ là Jackson Pollock. Thời bé đi chơi trên xe ngựa đã bị bò tấn công, văng ra khỏi xe. Khi khác thì bị chuột cắn. Rồi mới bốn tuổi đã cùng bạn dùng rìu chặt củi, bị bạn chặt đứt đầu ngón trỏ của bàn tay phải. Mất đốt ngón tay, lại là cái tay cầm cọ vẽ, ấy thế, ông vẫn là thiên tài mỹ thuật. Chỉ là sau này mỗi khi chụp ảnh “ông luôn giấu tay phải trong túi hoặc sau lưng”.
Bìa sách Thời thơ ấu của các thiên tài nghệ thuật. |
Nữ họa sĩ Frida Kahlo người Mexico thì mắc bệnh bại liệt từ khi mới sáu tuổi, chân phải bị teo, khiến cô bé phải mặc quần như con trai. Bị bạn bè trêu chọc vì cái chân teo, cô bé Frida đáp lại: “Chân ư? Sao tôi lại cần chân khi tôi có cánh để bay chứ?”.
Người cha động viên cô bé chơi thể thao: đá bóng, đấm bốc, trượt ván, đấu vật, đạp xe, trèo cây, chèo thuyền, rồi vô địch bơi lội thiếu nhi. Tai nạn không buông tha Frida: năm mười tám tuổi, cô bị tai nạn xe buýt kinh hoàng. Kể từ đó, Frida Kahlo suốt đời phải nằm trên giường để vẽ. Những bức chân dung tự họa mạnh mẽ và lạ kỳ khiến bà nổi danh khắp thế giới.
Những họa sĩ này khi còn bé cũng có tính cách lạ lùng. Jackson Pollock mê thích những vũ điệu tế lễ thần bí của người da đỏ, để rồi sau này “mối liên hệ với thế giới vô hình của các linh hồn trở thành trọng điểm trong sáng tác của ông”. Cậu bé Van Gogh không chỉ có thú sưu tầm côn trùng, mà hay gây gổ và dễ nổi nóng. Cậu bé vẽ một con mèo, đưa cho mẹ xem, không thấy mẹ khen, thế là cậu xé nát bức vẽ. Lên tám tuổi, dùng đất sét nặn một con voi, nặn khá đẹp. Nhưng bản thân Van Gogh xem lại thì không ưng ý, bèn tức giận đập cho tan tành.
Tất nhiên ngay từ khi còn nhỏ, họ đã có những tín hiệu dự báo thiên tài. Leonardo da Vinci được đặt vẽ “một cái gì đó thật đáng sợ” lên tấm khiên của chiến binh. Chú bé đã vẽ lên đấy cái đầu của Medusa “ả quái vật có mái tóc là bầy rắn độc. Người ta nói rằng bất cứ ai nhìn vào khuôn mặt của ả sẽ hóa đá ngay lập tức. Còn cách chinh phục kẻ địch nào tốt hơn là dọa hắn bằng cái đầu dữ tợn của Medusa trên tấm khiên?” Chú bé thành công đến mức khi bất ngờ đưa cho cha xem, người cha đã giật bắn mình vì kinh hãi.
Chú bé Claude Monet thì “thích vẽ vời lên lề vở. Cậu lấp đầy hết trang này đến trang khác bằng những hình vẽ tàu thuyền và những bức chân dung hài hước của giáo viên. ‘Tôi vẽ mặt các thầy cô từ góc thẳng và nghiêng sao cho thật xấu xí, bóp méo họ tới mức không nhận ra nổi’”. Còn Pablo Picasso có cha là một họa sĩ nổi tiếng và là thầy dạy vẽ. Nhưng “khi đến tuổi mười ba, trình độ vẽ của Pablo đã vượt qua cha mình. Ông Don Jóse hài lòng đến mức tặng hết cọ vẽ của mình cho con trai và thề không bao giờ vẽ nữa”.
Cuốn sách tập hợp được nhiều câu chuyện hồn nhiên và thú vị về các thiên tài mỹ thuật thời tuổi thơ. Người đọc có dịp nhìn vào những năm tháng đầu đời của các họa sĩ như tín hiệu dự báo tương lai đầy danh tiếng của họ. Những bức minh họa của Doogie Horner ở trong sách vừa làm sáng rõ hơn câu chuyện vừa là những bức tranh độc lập, có khi tranh tự kể một câu chuyện riêng theo phong cách ngây thơ và hồn nhiên.
Xin bàn thêm về một khái niệm chuyên môn của mỹ thuật. Tên sách Thời thơ ấu của các thiên tài nghệ thuật dễ được hiểu là những người nổi danh trong các lĩnh vực nghệ thuật nói chung như sân khấu, điện ảnh, ca nhạc… Nhưng thực ra sách này chỉ nói về các thiên tài mỹ thuật. Chữ mỹ thuật (fine art) thường bị người Mỹ bỏ chữ “fine” đi, gọi tắt là nghệ thuật (art). Mà xem ra giới mỹ thuật Việt Nam lại thích thú hơn khi tự gọi nghề của mình là nghệ thuật (nghe có vẻ “oai” hơn?). Họ lấy lý do mỹ thuật thời nay mở rộng khái niệm, không chỉ có hội họa mà cả sắp đặt, biểu diễn, video art… Tuy nhiên gọi họa sĩ là nghệ sĩ, gọi mỹ thuật là nghệ thuật, đấy chỉ là do ý thích, mà không chính xác. Vì dù có làm gì đi nữa thì đó vẫn là mỹ thuật sắp đặt, mỹ thuật biểu biễn performance art (không phải là nghệ thuật biểu diễn performing art như các ngành sân khấu, điện ảnh…).
Cũng vậy, chữ “họa sĩ” được dịch thành “nghệ sĩ” trong câu nói của Picasso là chưa chính xác: “Mỗi đứa trẻ đều là một nghệ sĩ. Vấn đề là làm sao để tiếp tục là nghệ sĩ khi ta đã trưởng thành” (trang 141). Từ góc độ một họa sĩ, thực ra ở câu này, Picasso muốn nhấn mạnh rằng “mỗi đứa trẻ đều là một HỌA SĨ”, chỉ cần thấy hầu như đứa bé nào cũng ham mê vẽ là hiểu Picasso đã nhận xét rất đúng.
Thêm một điều nữa: chữ “nghệ nhân”, trong đó chữ “nhân” đã hàm nghĩa là “người”. Vậy viết “người nghệ nhân” (trang 97) là thừa chữ.