"Dệt nên triều đại" là dự án khai thác trang phục của người Việt qua các giai đoạn, thời kỳ, giới thiệu tới công chúng, nhằm quảng bá văn hóa Việt. Hôm 30/12, chương trình ra mắt dự án được thực hiện tại Hà Nội, bao gồm phần trình diễn trang phục triều đình thời Lê Sơ, phần trò chuyện với các diễn giả xoay quanh chủ đề thương hiệu quốc gia của Việt Nam, và phần tái dựng nghi lễ sắc phong hoàng thái hậu thời Hậu Lê. Dự kiến vào tháng 2 tới, một chương trình được tổ chức tại Sydney, Australia.
Tô Lê Ngọc Linh - thành viên sáng lập nhóm Vietnam Center - trò chuyện về dự án văn hóa này.
- Điều gì khiến Ngọc Linh và các bạn thành lập nhóm Vietnam Center?
- Nhóm được thành lập bởi ba người bạn. Chúng tôi đều sinh sống ở Sydney, đó là Nguyễn Anh Vũ, Nguyễn Ngọc Phương Đông và tôi.
Vietnam Center là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động về văn hóa. Mục đích của chúng tôi là quảng bá văn hóa Việt Nam ra với bạn bè thế giới. Với mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp nối nhiều bạn trẻ, nhà nghiên cứu, những người có chung mơ ước muốn làm đẹp cho văn hóa Việt Nam, muốn đem văn hóa Việt Nam giới thiệu rộng rãi ra trên thế giới.
- Điều gì khiến Việt Nam Center chọn “Dệt nên triều đại” làm dự án mở màn cho mình?
- Khi nhìn vào một bộ trang phục, ta thấy đấy là một bộ trang phục. Nhưng đối với người có đam mê nghiên cứu, hay yêu thích lịch sử văn hóa dân tộc, họ thấy nhiều hơn: họ nhìn thấy giai đoạn lịch sử, nhìn thấy thói quen sinh hoạt của ông cha, thấy khí hậu thời tiết của giai đoạn đó như thế nào, thấy phong tục tập quán...
Chúng tôi cho rằng trong một bộ trang phục chứa nhiều yếu tố văn hóa và thời đại. Chính vì thế, chúng tôi đã chọn trang phục để thông qua đó quảng bá về văn hóa Việt Nam, quảng bá nếp ăn nếp ở của người Việt.
Chúng tôi bắt đầu bằng triều đại Lê Sơ của Việt Nam từ thế kỷ 15. Nhưng chúng tôi không dừng lại ở đó, mà có thể dựng lại tất cả trang phục triều đại Việt Nam, Lý, Trần, Lê, Nguyễn; hơn nữa, chúng tôi muốn đem công trình của mình phục vụ cho nhiều ngành, như công nghiệp giải trí. Chúng ta sẽ có những bộ phim cổ trang đúng chất, chúng ta sẽ có bộ truyện tranh phản ánh đúng phong tục, lễ nghi đương thời.
- Tại sao các bạn bắt đầu từ trang phục Lê Sơ, mà không phải từ các triều đại trước đó, như thời Đinh chẳng hạn?
- Chúng tôi suy nghĩ khá nhiều việc nên chọn giai đoạn nào để nghiên cứu cho ra sản phẩm của mình. Chọn Lê Sơ, bởi càng về thời đại trước nguồn tư liệu càng hiếm hoi. Trong khi tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hai triều Lê và Nguyễn là hai triều còn tồn tại khá nhiều tư liệu sống, như tượng đá, hiện vật trong bảo tàng, tư liệu văn bản…
Chúng tôi cảm thấy nên bắt đầu từ nơi mà mình tự tin, có sự chắc chắn, vì thế chúng tôi chọn Lê Sơ.
- Để làm nên những bộ trang phục này, có nhà thiết kế nào đã giúp các bạn hoàn thiện?
- Chúng tôi phải nói lời cảm ơn rất lớn tới nhà nghiên cứu Trần Quang Đức. Anh và cuốn sách Ngàn năm áo mũ của anh đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong nguồn tư liệu. Bên cạnh đó, người đã may nên những bộ trang phục này là nghệ nhân trẻ Trần Lê Trung Hiếu. Bạn ấy rất trẻ, thuộc thế hệ 9X với tay nghề cao, từng đường kim mũi chỉ được bạn chăm chút.
Chúng tôi rất mừng vì trong quá trình làm việc đã gặp được những người trẻ tâm huyết, có chung định hướng, ước mơ.
- Vậy ai là người cố vấn lịch sử để làm nên những bộ trang phục này?
- Anh Trần Quang Đức cố vấn về cấu trúc trang phục, họa tiết hoa văn. Phần lễ nghi dựa vào sách Lịch triều hiến chương loại chí. Nhưng đó là tác phẩm với lối hành văn của thời đại trước, nên nhiều khi chúng tôi cần có nhà nghiên cứu giải đáp, giải mã tác phẩm. Anh Trần Quang Đức cũng là người giúp chúng tôi trong việc giải nghĩa đó.
Bên cạnh đó, Nguyễn Ngọc Phương Đông - một trong ba thành viên sáng lập Vietnam Center - đồng thời là thành viên sáng lập ra nhóm Đại Việt Cổ phong, một nhóm tập hợp các bạn trẻ có những ngành nghề hoạt động khác nhau, nhưng có tình yêu chung với lịch sử văn hóa. Chúng tôi tìm được từ Đại Việt Cổ phong rất nhiều kiến giải hay, chứng cứ củng cố cho chúng tôi xây dựng nên chương trình này.
- Các bạn trình diễn trong chương trình "Dệt nên triều đại" và cả những người làm hậu cần đều là thành viên Vietnam Center?
- Vietnam Center về Việt Nam lần này chỉ có ba anh em thôi. Nhưng trong quá trình xây dựng, chúng tôi đăng tải công khai trên mạng vấn đề tìm kiếm những tình nguyện viên giúp sức cho chương trình. Các diễn viên, cộng tác viên làm hậu cần hôm nay đều là những người anh em mà lần đầu chúng tôi gặp trong dự án này.
Trang phục thời Lê Sơ được phục dựng. |
- Tại sao các bạn lại muốn đưa dự án này tới Australia?
- Show diễn ở Sydney đó là show mở màn và lễ ra mắt của dự án Dệt nên triều đại. Nhưng có một cơ duyên khi những người đồng sáng lập Vietnam Center có một kỳ nghỉ ngắn ở Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy dường như đó là một cái duyên, và dường như những gì về Việt Nam thì nên bắt đầu từ Việt Nam, vì thế chúng tôi tiến hành lễ ra mắt này, dù có phần vội vã.
Để nói về dự định xa hơn thì phải quay về dự định ban đầu, đó là show diễn bên Australia. Chúng tôi xây dựng dựa vào những gì đã diễn ra ở Việt Nam, cố gắng hoàn thiện hơn. Đối tượng khán giả bên đó đa phần là người nước ngoài, bạn bè quốc tế.
Thông qua những bộ trang phục của chúng tôi, hy vọng họ có thêm động lực để tìm hiểu về Việt Nam.
Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam chúng ta không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp, con người mến khách, mà còn có cả bề dày văn hóa, lịch sử. Đó là mỏ khai thác lớn để khơi gợi khách nước ngoài đến đất nước.
- Cụ thể show diễn đó sẽ gồm những nội dung gì?
- Chúng tôi muốn giới thiệu trang phục, lễ nghi và có một tọa đàm nho nhỏ. Ở đó, chúng ta có thể nói nhiều điều với bạn bè quốc tế. Ví dụ họ biết gì về con người đất nước Việt Nam, họ nghĩ gì về văn hóa Việt Nam. Ngoài áo dài ra, họ có muốn tìm hiểu thêm về những bộ trang phục từng có trong quá khứ không?
Những show diễn của Vietnam Center, chúng tôi không chỉ dừng lại ở Sydney, mà muốn mang tới những thành phố xa xôi, ở nơi nào chúng tôi cảm thấy có thể với tới thì đều muốn mang văn hóa Việt tới đó.
- Đó là những show diễn bán vé?
- Chúng tôi là tổ chức phi lợi nhuận, nên mong muốn của chúng tôi là tổ chức những show diễn hoàn toàn miễn phí để rào cản đối với quan khách quốc tế sẽ giảm bớt.
- Vậy nguồn tài chính để các bạn làm chương trình đến từ đâu?
- Chúng tôi là những người trẻ, cái khó khăn của chúng tôi không chỉ từ nhân lực vật lực mà còn là kinh tế.
Tôi xin trả lời thẳng thắn, nguồn kinh phí của chúng tôi là tiền túi của anh em đang hoạt động trong Vietnam Center, không chỉ ba người, mà có những bạn bè sau khi tham gia, họ hiểu về nhóm nên muốn đóng góp; họ tài trợ miễn phí công sức, tài trợ thiết bị… Chúng tôi cảm thấy hoạt động đó không bền nếu cứ mãi tài trợ miễn phí như thế.
Bởi vậy chúng tôi hy vọng sau những buổi diễn, chương trình như thế này thành công, mọi người biết đến uy tín và ủng hộ cho dự án, không chỉ doanh nghiệp, cơ quan đoàn thể mà từ cá nhân. Mỗi người góp một tay thì công việc mới thành được.