7h sáng nay, quán bún bò của bà Yến trên đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh, TP.HCM) đã tất bật chuẩn bị để đón những vị khách đầu tiên trở lại quán sau hơn 5 tháng ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
7h30, thấy vị khách quen bước vào quán, nữ chủ quán cười tươi: "Lâu lắm rồi mới gặp chú".
Ly cà phê ngọt ngào nhất trong 5 tháng qua
Sắp lại mấy chiếc tô trên bàn, bà Yến vừa chuẩn bị bún cho khách, vừa nói: "Hơn 4 tháng rồi mới đụng lại tô chén".
Sau một thời gian dài nghỉ bán vì dịch Covid-19, đầu tháng 10 quán bún bò của gia đình bà Yến mở lại với hình thức bán mang về. Tối 27/10, nhận được thông tin TP.HCM cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ, gia đình bà khẩn trương chuẩn bị bàn ghế, tô, muỗng, đũa... để chuẩn bị đón khách trở lại.
Quán bún bò của gia đình bà Yến đón khách trở lại vào sáng 28/10. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Sáng 28/10, nhiều vị khách bày tỏ sự phấn khởi khi được thưởng thức tô bún bò nóng hổi sau một thời gian dài mua mang về. "Sáng nay tôi ghé qua ăn tô bún rồi đi làm, cảm thấy rất thoải mái. Những tháng qua mua mang về phần thì thức ăn không còn nóng ngon như ở tiệm, phần phải sử dụng rất nhiều túi nhựa", anh Văn Phú (quận Bình Thạnh) chia sẻ.
Nhằm đảm bảo công tác phòng Covid-19, các quán ăn như quán bà Yến đã chuẩn bị các bình xịt khuẩn cho khách, đồng thời chỉ nhận số lượng khách hạn chế để đảm bảo giãn cách.
Một số quán còn chuẩn bị các tấm chắn ở giữa bàn nhằm tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Chị Đặng Thị Quyên, nhân viên quán phở trên đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh) cho biết các tấm chắn nhựa được quán chuẩn bị từ đợt dịch năm 2020, nhằm đảm bảo giãn cách cho thực khách.
Quán ăn trên đường Vạn Kiếp (Bình Thạnh) chuẩn bị các tấm chắn đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Bên cạnh đó, nhiều người dân TP.HCM cũng bày tỏ sự vui mừng khi được thưởng thức ly cà phê sáng tại quán. "Ngồi cà phê là nét văn hóa rất đặc trưng của dân Sài Gòn. Mấy tháng qua không được ngồi thấy trống trải lắm", anh Đình Huy nói.
Hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, Mỹ Thu (26 tuổi) cho biết trước đây cô thường cùng bạn bè đến quán cà phê làm việc. Sáng nay không khí quán xá chưa nhộn nhịp như trước đây, nhưng Mỹ Thu cũng cảm thấy vui vì được ngồi uống ly cà phê và ngắm phố phường.
Là người Hà Nội, vô tình bị kẹt lại TP.HCM trong làn sóng dịch lần thứ 4, ông Phạm Văn Phúc (60 tuổi) cho biết suốt nhiều tháng qua cuộc sống rất bức bách. Sống nơi đất khách, không có người thân nhờ cậy, ông Phúc chỉ bầu bạn cùng 2 chú chó trong suốt thời gian giãn cách xã hội.
Ông Phúc tận hưởng tách cà phê đặc biệt, trong một buổi sáng đặc biệt ở TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
"Công việc tôi khá bận rộn, trước đây tôi không bao giờ ngồi cà phê quá 15 phút. Nhưng sáng hôm nay thì khác, tôi ngồi lại quán lâu hơn để ngắm nhìn thành phố. Có lẽ đây là ly cà phê ngọt ngào nhất mà tôi từng được uống trong 5 tháng qua", ông Phúc nói.
Ông Phúc tươi cười trò chuyện với người chủ quán, anh giữ xe và cô bán vé số. Ông nói thật hạnh phúc khi thấy họ vẫn bình an sau dịch bệnh. Người đàn ông tận hưởng buổi sáng đặc biệt ở TP.HCM trước khi trở về Hà Nội.
Chưa sẵn sàng ngồi lại quán
Mặc dù được phép ngồi lại quán, không ít người dân TP.HCM vẫn chọn phương án mua mang về.
Tỏ ra e dè với việc ngồi ăn tại quán, Ông Hữu Bình nói: "Trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn cao, tôi và gia đình chưa an tâm ngồi lại quán. Rõ ràng vẫn tồn tại rủi ro lây nhiễm trong thời điểm này".
Gặp gỡ đối tác tại quán cà phê, chị Ngọc Ánh (30 tuổi) cho biết việc cho hàng quán được bán tại chỗ giúp việc gặp gỡ đối tác, trao đổi công việc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người phụ nữ cho biết chỉ ngồi lại quán khi cần thiết, và bản thân luôn hạn chế tiếp xúc đám đông để hạn chế rủi ro lây nhiễm.
Sau nhiều tháng giãn cách xã hội, việc được ngồi uống một tách cà phê tại quán phần nào giúp tinh thần người dân thoải mái hơn. Ảnh: Nguyễn Toàn. |
Ngày 27/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng ký văn bản khẩn về hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Theo đó, UBND TP.HCM cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ từ ngày 28/10 và phải đảm bảo một số điều kiện.