Người tiêu dùng từ bỏ giò chả
Người tiêu dùng chính thức tẩy chay loại thực phẩm quen thuộc này khi dồn dập hóa chất làm giòn, dai, hàn the đậm đặc có trong giò chả bị phát hiện.
Tin trong giò, chả có hóa chất làm dai, giòn (chất polyphosphate) chưa nguội thì cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát hiện 22/32 mẫu giò chả ở chợ có hàn the mức đậm đặc khiến người dân sợ hãi, “đầu hàng” loại thực phẩm này. Ghi nhận tại các chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Cổ Nhuế (Từ Liêm), Bưởi (Ba Đình) và các chợ cóc... trên địa bàn TP. Hà Nội, các quầy, sạp có bán mặt hàng thực phẩm giò chả vắng hoe không người mua.
“Trước trung bình một ngày tôi có thể bán được 15-20 kg cả giò lẫn chả, nhưng hôm nay lượng bán ra chỉ bằng phân nửa. Một số người bán bánh mỳ patê thường lấy cả cân giò về bán kèm nay cũng không thấy đến mua”, một tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế, cho biết.
Ở Hà Nội tuy chưa phát hiện giò chả có chất hàn the nhưng trước thông tin trên, mặt hàng này trở nên ế ẩm. |
Tại chợ Nghĩa Tân, giò chả còn ế ẩm hơn. Chị Vân chuyên bán mặt hàng này, than cả ngày qua chị không bán nổi 1kg giò chả, mời ai cũng lắc đầu nói chẳng dám ăn.
“Tôi lấy giò chả tại một cơ sở có uy tín, hàng bán cả chục năm nay không khách nào phàn nàn về chất lượng cũng như giá đắt rẻ, giờ cả ngày không bán nổi một cân, không bằng 1/10 mọi khi”.
Tương tự, tại các chợ lẻ, chợ cóc trên địa bàn, mặt phẩm giò chả cũng chịu cảnh ế ẩm, lượng hàng bán ra sụt giảm mạnh. Nhiều thực phẩm chế biến sẵn bán kèm nhưng nay trở thành mặt hàng bán chính, bởi người dân ngại sử dụng các loại giò chả.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở Đội Cấn (Ba Đình) chia sẻ: “Gia đình không dám mua bất cứ loại giò chả nào về ăn, ngay cả bún, mỳ, phở... cũng hạn chế sử dụng.
Tương tự, chị Nhung, hiệu trưởng một trường mần non tư thục ở khu vực Đống Đa, cho hay giò chả vẫn thường có mặt trong bữa cơm của các cháu. Tuy nhiên, ngay sau khi có tin về hàn the trong giò chả, chị đã tạm thời không dùng loại thực phẩm này.
Nhiều gia đình đã tẩy chay, không sử dụng giò chả. |
Theo quy định của Bộ Y tế, hàn the là chất cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, bởi đây là chất có thể làm thoái hóa các cơ quan chức năng sinh dục, gây vô sinh. Nếu trẻ em ăn phải thực phẩm có lượng hàn the cao có thể dẫn đến tử vong.
Một lượng hàn the thật thấp (khoảng 5 gr trở lên) có thể gây ngộ độc cho người sử dụng, thậm chí dẫn đến tử vong khi nồng độ cao hơn. Tuy nhiên, trong quá trình muối ướp của người buôn bán, lượng hàn the trong thực phẩm thường không đủ cao nên ít gây ra ngộ độc cấp tính, mà sẽ gây tình trạng ngộ độc mạn tính với số lượng mỗi ngày đưa vào cơ thể một ít, cơ thể tích tụ dần dần mà không hay biết.
Theo Vietnamnet