Ngày 9/9, trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Thừa Thiên - Huế đã có kết luận về mẫu mực khô xé nhỏ do đội quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Quảng Trị phối hợp với cảnh sát giao thông huyện Gio Linh bắt giữ gồm 1,5 tấn vào ngày 26/8/2013 không phải là mực khô.
Số mực khô xé nhỏ này không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp và chứng nhận an toàn thực phẩm. Đội QLTT số 4 đã tạm giữ số mực khô trên và đề nghị Chi cục QLTT chỉ đạo để xác định xuất xứ, nguồn gốc, mức độ an toàn thực phẩm của lô hàng này, đồng thời yêu cầu lái xe viết tường trình sự việc.
Qua phân tích, trung tâm Kiểm nghiệm đã kết luận tại phiếu phân tích số 13TP320 như sau: trong các tiêu chí phân tích có nhiều chỉ tiêu không đạt, như chỉ tiêu lý hóa: thành phần hàm lượng Protein mức quy định là: 60,1, kết quả phân tích chỉ đạt 30,9 (không đạt); hàm lượng chất xơ: mức quy định 0,0, kết quả phân tích: 5,6 (không đạt) và nhiều chỉ tiêu không đạt khác. Theo kết luận của cơ quan kiểm định mẫu: Mẫu "mực khô xé nhỏ" gửi kiểm định không phải là mực khô.
Mực khô xé sợi bị nghi là cao su khiến nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo ngại khi mua và sử dụng loại thực phẩm này.. |
Theo kết quả kiểm nghiệm này, các chỉ tiêu chất lượng (kiểm nghiệm chỉ tiêu Protein và chỉ tiêu chất xơ) và an toàn sản phẩm (chất bảo quản, phẩm mầu kiềm, chỉ tiêu vi sinh) của mẫu mực khô xé sợi cho thấy: không phát hiện thấy mực “cao su”, “mực xen lu lô” trên địa bàn tỉnh. Mẫu sản phẩm kiểm nghiệm có nguồn gốc từ động vật, không có chất xơ, không chứa phẩm mầu công nghiệp; chất bảo quản sản phẩm trong danh mục và giới hạn cho phép; các chỉ tiêu vi sinh vật trong mẫu đều đạt tiêu chuẩn về giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm và tiêu chuẩn của Codex.
Trước những thông tin về mực khô xé sợi ở nhiều địa phương có nghi vấn là hàng giả, kém chất lượng, Cục An toàn thực phẩm đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp để tăng cường thanh tra, giám sát, lấy mẫu và kiểm nghiệm các sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh mực khô xé sợi nhằm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP; công khai các cơ sở vi phạm quy định ATTP trên các phương tiện thông tin để cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng.
Theo khảo sát của phóng viên, tại Hà Nội loại mực khô xé sợi được bán không nhiều, tại chợ Đồng Xuân và các chợ Nghĩa Tân, Hàng Da, Thành Công... các loại mực khô được bán dưới dạng nguyên con là phổ biến. Tuy nhiên, trước thông tin loại mực khô xé sợi bị nghi là cao su, nhiều người tiêu dùng đã tỏ ra lo ngại khi mua và sử dụng loại thực phẩm này.
Anh Vũ Anh Tú (Ngõ 22, Đào Tấn, Hà Nội) cho biết, trước thông tin được báo chí đề cập đã rất dè dặt khi lựa chọn loại thực phẩm này để dùng, dù đó là món khoái khẩu trong các bữa nhậu với bạn bè. "Tốt nhất là nên thận trọng khi thông tin về loại mực này chưa rõ ràng, nơi bảo thật nơi bảo giả khiến cho người tiêu dùng như chúng tôi sẽ phải cảnh giác hơn", anh Tú nói.
TS. Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa cho biết, mực khô hay các loại thực phẩm làm khô khác cũng sẽ dễ dàng bị biến chất khi không được chế biến và bảo quản đúng cách. “Quá trình làm khô cũng làm mất đi một số loại dinh dưỡng chính trong thực phẩm. Ví dụ như rau quả, cá sẽ bị mất các chất như vitamin A, D, E... còn đối với các loại hải sản khô như cá, mực, tôm có giá trị dinh dưỡng cũng chẳng thua kém hải sản tươi. Tuy nhiên, quá trình bảo quản và chế biến không đúng cách sẽ làm mất dần đi chất dinh dưỡng có trong thực phẩm. Bên cạnh đó, thực phẩm khô lưu trữ rất dễ bị các loại côn trùng như mọt và bọ cánh cứng tấn công. Trong môi trường thuận lợi, số lượng côn trùng có thể tăng gấp 50 - 100 lần/1 tháng. Chúng ta rất khó nhận ra chúng bởi phần lớn chúng có màu đen”, TS Thịnh cho biết.