Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tháo thành công quả thủy lôi đầu tiên của Mỹ

Ông Hùng trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật cho Trạm ngư lôi, thuộc Căn cứ Vạn Hoa chuẩn bị ngư lôi cho 3 tàu phóng lôi số hiệu: 333, 336, 339 đi đánh tàu khu trục Ma-đốc Mỹ ngày 2/8/1964.

Ông Trương Thế Hùng là người trực tiếp tháo thành công quả thủy lôi đầu tiên của đế quốc Mỹ phong tỏa các dòng sông, cảng, biển miền Bắc để từ đó nghiên cứu ra phương thức chống chiến lược phong tỏa của đế quốc Mỹ. Do lập được thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, tháo gỡ thủy lôi của địch, ông và các cộng sự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Tuy nhiên, ông vẫn còn một chiến công khác mà nhiều người chưa biết đến, đó là trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật cho Trạm ngư lôi, thuộc Căn cứ Vạn Hoa chuẩn bị ngư lôi cho 3 tàu phóng lôi số hiệu: 333, 336, 339 đi đánh tàu khu trục Ma-đốc Mỹ ngày 2/8/1964.

Từ ngày nghỉ hưu, nhiều người ở khu phố thường gọi ông với cái tên quen thuộc “Ông Hùng ngư lôi”, bởi họ biết, suốt những năm tháng công tác ở Quân chủng Hải quân, loại vũ khí đặc biệt này được ông rất am hiểu và “thuần phục”. Chuyện về bảo đảm ngư lôi cho đánh thắng trận đầu ngày 2/8/1964 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông.

Đó là những ngày hè tháng 6/1964, trước âm mưu và động thái mới của đế quốc Mỹ, Bộ tư lệnh Hải quân trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng Quân giới và đồng chí Trương Thế Hùng, Tổ trưởng Tổ trợ lý vũ khí dưới nước cùng đồng chí Cô-nhi-nhét-xốp, chuyên gia Liên Xô ra Cảng Vạn Hoa (Quảng Ninh) kiểm tra, nắm tình hình số lượng, chất lượng ngư lôi chiến đấu. Sau khi kiểm tra kỹ từng quả, lựa chọn 6 quả, rút thăm lấy 1 quả bất kỳ, lắp xuống tàu bắn thử theo chỉ thị của Tư lệnh Hải quân.

Ông Hùng và kỷ vật từng được dùng để tháo lắp ngư lôi.
Ông Hùng và kỷ vật từng được dùng để tháo lắp ngư lôi.

Để thực hiện nội dung trên, đồng chí Cô-nhi-nhét-xốp yêu cầu ta phải chuẩn bị tàu chuyên dùng có trang bị cần cẩu để khi bắn xong thì vớt quả ngư lôi lên, nhưng lúc đó hải quân ta chưa có loại tàu này, nên đồng chí Hùng đề xuất với Bộ tư lệnh dùng bè nứa để kẹp hai bên ngư lôi kéo về. Thấy đề xuất có thể thực hiện được, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ thị cho đồng chí Hùng về ngay Sở chỉ huy Quân chủng để trực tiếp báo cáo và thuyết trình phương án kẹp ngư lôi bằng bè nứa.

Sau khi nghe đồng chí Hùng trình bày, các đồng chí trong Bộ tư lệnh cùng hội ý và nhất trí với phương án này. Đồng chí Nguyễn Bá Phát, Phó tư lệnh Quân chủng điện cho Đoàn 135 chặt nứa kết thành hai bè nhỏ, sẵn sàng thực hiện phương án. Cự ly bắn tập là 3 liên đạt kết quả tốt (1 liên bằng 185,2 m). Ở độ sâu 4m, ngư lôi chui qua bụng tàu 529 (tàu bia) rồi nổi lên phun nước, phun khói (cơ cấu thủy lôi bắn tập). Cán bộ, chiến sĩ tàu 529 dùng hai bè nứa buộc kẹp hai bên quả ngư lôi và kéo về căn cứ an toàn. Như vậy công việc chuẩn bị ngư lôi để kiểm tra chất lượng và bắn thử thành công.

Trước những diễn biến phức tạp trên vùng biển nam Khu 4 và Biển Đông, ngày 28/6/1964, Bộ tư lệnh Hải quân ra lệnh lắp ngư lôi chuẩn bị chiến đấu. Thời điểm này, chuyên gia Cô-nhi-nhét-xốp đã về nước, đồng chí Trương Thế Hùng trực tiếp chỉ đạo Trạm sửa chữa ngư lôi của căn cứ Vạn Hoa tổ chức lắp ngư lôi lên 3 tàu chiến đấu số hiệu 333, 336, 339, thuộc Phân đội 3. Sau khi lắp xong ngư lôi và kiểm tra chuẩn các thông số kỹ thuật, 3 tàu được lệnh về Cửa Vạn chờ lệnh.

Ông Hùng kể lại việc rà phá thủy lôi cho sinh viên tại Bảo tàng Hải quân.
Ông Hùng kể lại việc rà phá thủy lôi cho sinh viên tại Bảo tàng Hải quân.

Tại đây, hằng ngày đồng chí Hùng thường xuyên kiểm tra khí nén và máy lái hướng của ngư lôi. Để bảo đảm ngư lôi SSCĐ cao, đồng chí Hùng đề nghị và được Bộ tư lệnh Hải quân nhất trí cho lắp máy nén khí cơ động lên tàu 529 để bổ sung thường xuyên được khí cho ngư lôi mà không cần phải đưa tàu về trạm. Đồng chí Hùng trực tiếp hướng dẫn bộ đội vận hành máy nén khí và kiểm tra khí nén.

Ngày cũng như đêm, đồng chí Hùng liên tục có mặt ở 3 tàu để làm công tác bảo đảm ngư lôi chiến đấu, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ là các bộ phận của ngư lôi không hoạt động, hoặc khi phóng ngư lôi không ra được khỏi bệ… Đồng chí không chỉ chăm lo bảo đảm kỹ thuật cho ngư lôi, mà còn chăm lo bảo đảm đồng bộ cả hoạt động của hệ thống ống phóng ngư lôi…

Tối 1/8/1964, có 3 tàu được lệnh cơ động về Hồng Gai, cán bộ kỹ thuật Phòng Quân giới, Trạm sửa chữa ngư lôi và đồng chí Trương Thế Hùng kiểm tra toàn bộ công tác kỹ thuật lần cuối, sau đó tàu cơ động vào Lạch Trường, Thanh Hóa. Đi trên tàu số hiệu 333 có Đại úy Lê Duy Khoái, Đoàn trưởng Đoàn 135 trực tiếp chỉ huy trận đánh; Trung  úy Nguyễn Xuân Bột, Phân đội trưởng Phân đội 3, kiêm thuyền trưởng và các cán bộ kỹ thuật tăng cường cho phân đội, trong đó có Chuẩn úy Nguyễn Thái Nguyên, nghiệp vụ trưởng ngư lôi của Đoàn 135. Cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật và đồng chí nghiệp vụ trưởng ngư lôi cùng cán bộ, chiến sĩ 3 tàu đều tin tưởng vào công tác bảo đảm kỹ thuật của trạm lắp ráp, sửa chữa ngư lôi và của đồng chí Trương Thế Hùng.

Chiều 2/8/1964, 3 tàu số hiệu 333, 336, 339 của Phân đội 3 đã xuất kích đánh đuổi tàu Ma-đốc ra khỏi vùng biển của ta, bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương 1 chiếc khác trên vùng biển Thanh Hóa.

http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/ky-su-nhan-vat/ong-hung-ngu-loi/314343.html

Theo Trịnh Dũng/Quân Đội Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm