Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa có văn bản đồng ý cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực giấy đăng ký phương tiện giao thông.
Tuy nhiên, người tham gia giao thông phải có thêm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực thay cho bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông, trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông, nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.
Phó thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của ngành công an.
Người dân được phép sử dụng giấy đăng ký phương tiện bản photo. Ảnh: Lê Quân. |
Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn các đơn vị thực hiện chỉ đạo trên.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, Tư pháp, trong tháng 8 ban hành văn bản hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp giấy biên nhận trên, bảo đảm chặt chẽ và chỉ cấp 1 bản gốc giấy biên nhận có thời hạn phù hợp với thời hạn thế chấp phương tiện.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ Công an, GTVT, Ngân hàng Nhà nước rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp. Về vấn đề này, các Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9.
Cuối tháng 5, dư luận xôn xao khi Bộ Công an có văn bản khẳng định lại việc xử phạt vi phạm hành chính với những tài xế không xuất trình được bản gốc giấy đăng ký xe.
Theo đó, công an không chấp nhận dùng bản sao giấy đăng ký xe có công chứng/chứng thực và xác nhận của ngân hàng.
Nhiều chủ phương tiện cho biết do vay trả góp nên bản chính của đăng ký xe đang thế chấp tại ngân hàng, vì thế việc xử phạt này khiến họ rất lo lắng.
Theo số liệu của Cục đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp), hiện tại cả nước có gần 1,3 triệu phương tiện giao thông đang thế chấp giấy tờ tại các ngân hàng. Những chủ phương tiện này có nguy cơ bị công an xử phạt vì lưu thông không có đăng ký xe bản chính.