Tham luận tại hội nghị sơ kết 6 tháng Ban chỉ đạo 197 của UBND TP Hà Nội vào chiều 18/7, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội, đã gay gắt nói về những bất cập trong công tác giám sát, xử lý xe quá tải.
Đưa ra các con số cho thấy tình hình giao thông ở thủ đô hết sức phức tạp, đại tá Đào Vịnh Thắng khẳng định xe quá tải trở thành vấn đề nổi cộm, bị báo đài phản ánh do chưa có biện pháp xử lý tận gốc.
“Chúng tôi đã đăng ký và quản lý gần 159.000 xe tải đang hoạt động, chưa tính xe của các địa phương đi qua các tuyến vành đai 3 và 4 để đi qua TP. Trong đó, xe kéo rơ-moóc loại 10 tấn trở lên có khoảng 10.750 xe. Loại vận tải này thường có tải trọng tối thiểu là 20 tấn. Số còn lại là xe tải từ 500 kg đến dưới 10 tấn”, vị trưởng phòng cho biết.
Đại tá Thắng nói thêm, phần lớn phương tiện kể trên liên quan đến 113 dự án trên địa bàn, 50 bãi tập kết vật liệu xây dựng và 40 trạm trộn bê tông trên địa bàn.
Theo ông Thắng, công tác xử lý thông qua tuần tra kiểm soát chỉ giải quyết được phần ngọn vấn nạn xe quá tải, cần rạch ròi trách nhiệm của chính quyền sở tại, Sở GTVT và lực lượng khác.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Công an Hà Nội. Ảnh: Tùng Lâm. |
Dẫn chứng về việc bến phà Khuyến Lương có nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng gây bụi bẩn, hư hỏng đường xá, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho rằng cần làm rõ vai trò chính quyền địa phương ở đó như thế nào, tình trạng biển báo, xử lý vi phạm môi trường ra sao mà xe quá tải vẫn ngang nhiên ra vào bến.
Trong số gần 5.000 trường hợp bị lập biên bản trong một tháng thực hiện kế hoạch xử lý xe tải, ông Thắng khẳng định nếu cân thì 100% số xe trên chở quá tải.
“Tại nơi bốc lên, địa phương các cấp, kể cả thanh tra GTVT các anh biết cả, tại sao không làm ngay từ đầu? Còn ra đường, nhân viên của chúng tôi sẽ xử lý, mức phạt lên tới 35 – 40 triệu”, vị đại tá gay gắt khi nhiều người cho rằng CSGT phải chịu trách nhiệm về việc bùng phát tình trạng xe quá tải.
Đề cập đến hướng giải quyết, vị trưởng phòng nói: “Chúng ta phải chẻ ra, bây giờ đường xá hỏng thì tại ai? Nơi bốc xếp và vận chuyển lên là trách nhiệm của đơn vị nào? Biển báo ra sao? Hàng ngày đều phát hiện hết, chứ có phải con kiến đâu mà không nhìn thấy”.
Về số xe tải phục vụ 12 công trình trọng điểm được vào phố cấm 24/24 (trừ giờ cao điểm) nhưng vi phạm giao thông, chỉ huy Phòng CSGT nói sẽ kiên quyết thu giấy phép; đồng thời kiến nghị Sở GTVT ngừng cấp giấy lưu hành nếu chở quá tải trọng, vi phạm môi trường, giờ giấc.
Thời gian tới, Phòng CSGT Hà Nội sẽ đề xuất UBND TP và Bộ Công an trang bị hệ thống cân trọng tải từ 20 tấn trở lên lắp đặt tại Gia Lâm, Thạch Thất, Chương Mỹ, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây để xử lý xe quá tải.
Kiến nghị quản lý xe Uber, Grap
Công an Hà Nội vừa kiến nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, quản lý hoạt động của các xe Uber, Grap và Limousine trá hình vào các bến xe, điểm đỗ khu vực nội thành đón trả khách. Động thái trên được CSGT Hà Nội đưa ra sau khi nhận thấy các phương tiện trên gây phức tạp luồng tuyến trên địa bàn.