Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Thái Lan dành 56 phút mỗi ngày để đọc sách

Trung bình người Thái dành 56 phút mỗi ngày để đọc sách, nhưng mất 4 tiếng sử dụng Internet. Chính phủ Thái Lan luôn nỗ lực để phát triển văn hóa đọc.

Nhằm thúc đẩy hợp tác xuất bản giữa hai nước Thái Lan và Việt Nam, trong 2 ngày 21 và 22/5, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tổ chức sự kiện kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản. Trong đoàn công tác của Thái Lan có bà Suchada Sahatsakul - Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản và Phát hành Thái Lan.

Trao đổi với Zing.vn, bà Suchada Sahatsakul chia sẻ về tình hình xuất bản của Thái Lan, sự phát triển cũng như những thách thức để phát triển văn hóa đọc.

Hoi Xuat ban Thai Lan anh 1
Bà Suchada Sahatsakul - Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Thái Lan. 

Người Thái và một thập kỷ phát triển văn hóa đọc

- Ngành xuất bản ở Thái Lan có quy mô như thế nào? Các nhà xuất bản hoạt động theo hình thức ra sao?

- Ở đất nước chúng tôi, các thành viên chính thức của Hiệp hội Xuất bản và Phát hành Thái Lan là 540 công ty. Có thể có một số lượng công ty nhỏ nữa không đăng ký thành viên của Hiệp hội thì tôi không nắm được con số.

Tất cả các công ty xuất bản của Thái Lan đều là doanh nghiệp tư nhân.

- Ở Thái Lan có công ty môi giới bản quyền sách hay không?

- Các nhà xuất bản Thái Lan đều có bộ phận chuyên về bản quyền. Ngoài ra chúng tôi cũng có 3 - 4 công ty môi giới bản quyền sách. Hiệp hội Xuất bản Thái Lan cũng có một đơn vị về bản quyền, có tên Trung tâm Bản quyền Thái Lan.

- Lượng sách mà Thái Lan đưa ra thị trường một năm là bao nhiêu?

- Mỗi tháng, chúng tôi đưa ra thị trường khoảng 10.000 cuốn sách mới. Cả năm, ước tính có khoảng 26 tỷ xuất bản phẩm được làm ra.

Trong đó, lượng ebook không nhiều, chiếm không quá 5% thị trường. Ở Thái Lan có hình thức bán sách qua các trang web. Thị trường bán sách qua trang web điện tử tăng trưởng rất lớn, vào khoảng 50% trong một năm.

Hoi Xuat ban Thai Lan anh 2
Các đơn vị xuất bản Việt Nam và Thái Lan có buổi làm việc tại Hà Nội chiều 22/5.

- Vấn đề đọc sách được chính phủ và người dân Thái Lan quan tâm như thế nào?

- Chính phủ Thái Lan luôn quan tâm, đưa ra các chính sách phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, việc chính sách có thành công hay không lại là câu chuyện khác. Ở Thái có chiến dịch kêu gọi, quảng bá, phát triển việc đọc sách.

Trong đó, chiến dịch lớn nhất là “Thập kỷ văn hóa đọc”, diễn ra từ năm 2008 tới 2018 với rất nhiều hoạt động.

Các yếu tố khách quan như tivi, smartphone, Internet cũng ảnh hưởng tới thời gian mọi người dành cho sách. Theo điều tra, trung bình mỗi ngày, một người Thái Lan sử dụng 56 phút để đọc sách, trong khi đó họ dùng 4 tiếng để dùng smartphone và truy cập Internet.

Kết thúc thập kỷ kêu gọi phát triển văn hóa đọc, chính phủ Thái Lan sẽ thực hiện một kế hoạch mô hình mẫu để tăng cường việc đọc sách với người dân Thái Lan.

Chiếc dịch này kêu gọi mỗi người đọc sách cả đời, từ khi còn trẻ, trưởng thành tới khi già đều đọc sách. Việc này cần một sự hợp tác của nhiều ngành như Bộ Văn hóa, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động... của Thái Lan. Mục tiêu trước mắt là tăng thời gian đọc sách của người Thái, từ 56 phút/ ngày lên 90 phút/ ngày.

Thái Lan quan tâm tới sách lịch sử của Việt Nam

- Bà đánh giá như thế nào về thị trường xuất bản Việt Nam?

- Xuất bản Việt Nam là một thị trường nhiều tiềm năng, bởi vậy chúng tôi tới đây để kết nối. Trong chuyến đi này, chúng tôi giới thiệu những đầu sách thiếu nhi, sách tranh cho thiếu nhi khá dễ tiếp cận.

Thứ hai, chúng tôi giới thiệu dòng sách dành cho giới trẻ, tiểu thuyết. Quan sát các giao dịch, tôi thấy các thể loại sách này được nhiều đơn vị Việt Nam quan tâm.

- Thái Lan đã xuất bản những cuốn sách như thế nào của Việt Nam?             

- Với các tài liệu, sách Việt Nam, sách về lịch sử, ẩm thực được Thái Lan quan tâm. Hiện nay, có lượng sách viết về lịch sử Việt Nam từ thời kỳ chiến tranh, các triều đại phong kiến... bán trên thị trường Thái nhiều.

Trong buổi kết nối doanh nghiệp này, đã có đơn vị xuất bản Thái Lan muốn mua tác phẩm của Việt Nam để phát hành ở Thái.

Hoi Xuat ban Thai Lan anh 3
Các đơn vị xuất bản Việt Nam quan tâm tới sách thiếu nhi, văn học cho giới trẻ của Thái Lan.

- Theo bà, vấn đề ngôn ngữ có là rào cản trong quá trình kết nối, hợp tác xuất bản giữa Thái Lan với Việt Nam?

- Để dịch sách trực tiếp từ tiếng Việt Nam sang Thái Lan, hoặc từ Thái Lan sang Việt Nam thì rất khó. Bởi việc tìm được người dịch đã vất vả rồi, lại cần người am hiểu lĩnh vực mà cuốn sách đề cập tới nữa.

Vì vậy, giải pháp tốt hơn là dịch qua một ngôn ngữ trung gian là tiếng Anh, như vậy sẽ dễ dàng hơn cho quá trình hợp tác.

- Phía Thái Lan có quan tâm đặc biệt tới nhà xuất bản nào của Việt Nam?

- Chúng tôi quan tâm, trân trọng và tìm kiếm cơ hội với mọi đối tác, đơn vị xuất bản, phát hành ở Việt Nam. Chúng tôi được biết một số đơn vị của Việt Nam có tiếng ở Thái Lan là Nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Nhã Nam...

Bà Pannakam Jiamsuchon - Tham tán Bộ trưởng (Thương mại), Đại sứ quán Hoàng gia Thái Lan tại Hà Nội:

Mục tiêu chúng tôi tổ chức kết nối doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất bản lần này nhằm tạo dựng mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị xuất bản Việt Nam và Thái Lan.

Đồng thời đây cũng là cơ hội để nâng cao kiến thức, hiểu biết, hợp tác giữa nhân dân hai nước. Chúng tôi tin tưởng rằng cả Thái Lan và Việt Nam đều có những cuốn sách chất lượng. Khi hai bên gặp gỡ và kết nối dài lâu, chắc chắn sẽ có những kết quả tốt đẹp.

Hai hiệp hội xuất bản đã gặp gỡ, chúng tôi đưa doanh nghiệp đi gặp gỡ các nhà xuất bản ở Việt Nam. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tổ chức những hoạt động quy mô lớn hơn kết nối người làm sách Việt Nam và Thái Lan, và có thể sẽ có hoạt động dành cho người tiêu dùng.

Khi tổ chức sự kiện này, tôi nhận thấy sự đón tiếp của các đơn vị xuất bản Việt Nam. Chúng tôi cũng hy vọng trong tương lai có thể đưa được những cuốn sách hay của Việt Nam sang thị trường Thái Lan.





Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm