Sáng 21/7, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tổ chức ĐHCĐ thường niên năm 2018. Đại hội lần này, doanh nghiệp ngành bia lâu đời của Việt Nam đã chứng kiến cuộc chuyển giao lớn về nhân sự, khi tờ trình ứng viên thành viên HĐQT đã được thông qua với phần lớn "ghế" do người của tỷ phú Thái nắm giữ.
Thay đổi mô hình quản trị, cắt giảm chi phí
Đại hội nhanh chóng thông qua danh sách 7 ứng viên là thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018 – 2023, gồm ông Koh Poh Tiong, ông Micheal Chye Hin Fah, ông Pramoad Phornprapha, bà Trần Kim Nga, ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Lương Thanh Hải và ông Nguyễn Tiến Vỵ.
Trong danh sách này, ông Nguyễn Tiến Dũng và ông Lương Thanh Hải là người đại diện phần vốn của Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1973 tại TP.HCM, cử nhân kinh tế ngành tài chính, tín dụng, là kế toán trưởng Sabeco từ tháng 1/2007 đến nay. Hiện ông Dũng kiêm các chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Bia Sài Gòn Nghệ Tĩnh, CTCP Bia Rượu Sài Gòn Đồng Xuân và CTCP Bia Sài Gòn Sông Lam, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn và đang nắm 100 cổ phiếu SAB.
HĐQT mới của Sabeco. Ảnh: V.D |
Ông Lương Thanh Hải sinh năm 1964 tại TP.HCM, là kỹ sư cơ khí, Tiến sĩ Quản trị kinh doanh. Từ năm 2015 đến nay, ông Hải là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn.
Ngoài việc thay đổi thành viên HĐQT, lãnh đạo Sabeco cũng cho biết sẽ thay đổi mô hình quản trị của doanh nghiệp ngay thời gian tới.
Giải thích việc thay đổi mô hình quản trị, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch HĐQT Sabeco, cho rằng công ty thực hiện điều này theo những quy tắc của thế giới. Ban kiểm soát của Sabeco trước đây được thay đổi thành Ban kiểm toán nội bộ.
"Trong các mô hình công ty, đặc biệt là công ty niêm yết, thì chúng tôi đều sử dụng mô hình kiểm toán nội bộ. Vai trò của Ban kiểm toán nội bộ là kiểm tra toàn bộ các con số, chịu trách nhiệm về việc báo cáo với HĐQT", ông Koh Poh Tiong cho biết.
Đối tác Thái cho rằng đã chi ra số tiền hơn 4,8 tỷ USD chính là nhắm vào thương hiệu Sabeco, và sẽ duy trì, phát triển không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra khu vực. |
Kế hoạch trong thời gian tới, Sabeco cũng sẽ tái cơ cấu các đơn vị liên doanh liên kết, cắt giảm tối đa các loại chi phí, tăng hệ thống phân phối đủ mạnh để phát triển ra khỏi biên giới. HĐQT cho biết kế hoạch tái cơ cấu sẽ được thông báo với cổ đông sau, khi triển khai.
Thương hiệu Sabeco là của Việt Nam
Trả lời về việc giá cổ phiếu liên tục giảm, ông Koh Poh Tiong cho biết: “Chúng tôi mua cổ phiếu SAB ở mức giá 320.000 đồng/cổ phiếu với tầm nhìn tăng trưởng trong tương lai. Sabeco sẽ cố gắng hoạt động nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, để giá cổ phiếu tăng theo kết quả kinh doanh. Tất nhiên có nhiều yếu tố khác làm giá cổ phiếu biến động, nhưng vấn đề đó nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Lãnh đạo Sabeco cũng trấn an cổ đông, hứa giữ thương hiệu Sabeco và thương hiệu này sẽ vẫn là của Việt Nam. Đối tác Thái đã chi ra số tiền hơn 4,8 tỷ USD chính là nhắm vào thương hiệu Sabeco, và sẽ duy trì cũng như phát triển không chỉ ở Việt Nam mà vươn ra khu vực. Cả công ty mới thành lập tuần trước cũng nhằm mục đích để bảo hộ sở hữu trí tuệ về thương hiệu Bia Sài Gòn.
“Khi chúng tôi xem xét lại danh mục đầu tư của công ty thì có đặt mục tiêu vào thị trường cụ thể khác nhau, một trong số đó là phát triển những sản phẩm mới, tiếp tục đầu tư phát triển thương hiệu bền vững. Đó là những ưu tiên ở thời điểm hiện tại”, đại diện HĐQT chia sẻ thêm.
Sản lượng xuất khẩu bia của Sabeco năm 2017 đạt 28,6 triệu lít, gấp 4 lần so với cùng kỳ. Thương hiệu Bia Sài Gòn cũng xuất hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới. Với chủ trương đem thương hiệu Sabeco đi khắp thế giới, cộng thêm tiềm lực chuỗi phân phối của Thaibev, nhà đầu tư kỳ vọng vào việc mở rộng ra nước ngoài của Sabeco thời gian tới.
Tăng doanh thu, giảm lợi nhuận
HĐQT mới cũng trình kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu 36.092 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.007 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng 5% thì lợi nhuận lại giảm 19% so với năm trước.
Tổng sản lượng tiêu thụ bia tăng chưa tới 1%, ở mức 1.803 triệu lít. Tỷ lệ chia cổ tức tiếp tục được duy trì là 35%, tương đương năm 2017.
Ban lãnh đạo Sabeco lý giải việc giảm lợi nhuận năm nay đến từ thị trường sẽ đứng trước áp lực cạnh tranh khốc liệt của các hãng bia đối thủ, nhất là các hãng bia nước ngoài lâu năm; giá cả nguyên vật liệu chính sản xuất bia tăng mạnh do ảnh hưởng mùa vụ và thời tiết xấu; thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục tăng thuế suất 5% từ ngày 1/1 lên 65%...