Bóng đá Thái Lan vẫn được đánh giá cao hơn bóng đá Việt Nam, thậm chí cả giải vô địch quốc gia của người Thái (Thai League) cũng là hình mẫu để V.League học hỏi. Tuy vậy, vấn nạn trọng tài của Thái Lan cũng là một con sâu lớn khiến nồi canh Thai League kém ngon đi rất nhiều.
Từng cử trọng tài tiêu cực sang Việt Nam
Bóng đá Thái Lan có không ít trọng tài nhúng chàm, dính tiêu cực và một trong số đó còn được cử sang Việt Nam làm nhiệm vụ. Ông là Pummarin Khamruen - một trọng tài khá quen mặt với bóng đá Việt. Ông từng bắt trận giao hữu giữa U22 Việt Nam gặp U20 Australia, sau đó là trận đấu thuộc vòng 25 V.League 2017 giữa CLB Hà Nội và CLB Quảng Nam ngày 19/11 năm ngoái.
Nhưng chỉ đến hôm 21/11, trọng tài Pummarin Khamruen đã bị bắt giữ do có liên quan đến vụ dàn xếp tỷ số 4 trận đấu trong khuôn khổ Thai League diễn ra vào các ngày 20/7, 26/7, 10/9 và 17/9 năm 2017 với tổng số tiền được cho là hơn 2 triệu baht (khoảng 1,4 tỷ đồng).
Trọng tài Pummarin Khamruen (thứ 3 từ trái sang) từng bị bắt giữ vì dính líu đến dàn xếp tỷ số. |
Trong số 12 người này, có 2 trọng tài, 5 cầu thủ và 4 quan chức. Theo tờ Bangkok Post của Thái Lan, chủ mưu trong vụ dàn xếp là một trọng tài có uy tín của nước này.
Vụ việc cuối năm 2017 không phải là lần đầu bóng đá Thái Lan dính vào những rắc rối liên quan đến trọng tài. Ngay những vòng đầu của Thai League 2017, trọng tài Sivakorn Pu-udom từng khiến cổ động viên bức xúc khi rút thẻ đỏ đuổi nhầm người. Điều đáng nói là ông Pu-udom từng bị Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) treo còi một thời gian vì nghi dính tiêu cực, nhưng vẫn được quay trở lại làm việc.
Cách đây không lâu, Liên đoàn bóng đá Thái Lan đã treo còi vĩnh viễn với 2 trọng tài Thanom Borikut và Chaiya Mahapab vì hành vi cố tình can thiệp vào kết quả 4 trận đấu tại Thai League. Vụ việc của 2 trọng tài trên thậm chí còn được đưa lên trang chủ FIFA và được hãng thông tấn Reuters dẫn lại.
Năm 2015, trọng tài Pichit Thongchanmoon bị đánh vỡ đầu do bắt có phần thiên vị cho đội khách trong trận. Điều đáng nói là ông này từng phải thừa nhận việc nhận hối lộ để bắt sai, bắt láo trước các cổ động viên nhằm giữ lại tính mạng (khi ấy có 1.000 cổ động viên lao xuống sân đòi "xử" trọng tài).
Trọng tài Pichit Thongchanmoon bị tấn công bởi các cổ động viên. |
Năm 2013, bóng đá Thái Lan từng rúng động trước vụ trọng tài Nakhon Sarard bị bắn 5 phát đạn vào người. Ông Kakhon thừa nhận mục đích của 5 phát đạn chỉ là để dằn mặt trọng tài này. Trước đó, ông đã mắc sai lầm khi không phạt một pha phạm lỗi nguy hiểm. Chính lỗi này cũng khiến ông bị treo còi 1 năm rưỡi.
'Bàn tay sắt' để chấn chỉnh trọng tài
Trước những vấn đề nhức nhối liên quan đến trọng tài, FAT đã không thể ngồi yên. Người quyết liệt nhất trong việc xử lý thẳng tay vấn nạn trọng tài là Somyot Poompunmuang - Chủ tịch Hiệp hội bóng đá Thái Lan. Chính ông cũng đã tự bổ nhiệm mình là lãnh đạo Ủy ban trọng tài quốc gia để giải quyết những vấn đề liên quan đến trọng tài của Thai League.
Năm 2016, ông Somyot vạch ra một chương trình gồm 4 điểm để nâng cao công tác trọng tài của Thái Lan, gồm quán triệt luật, quy chế đối với trọng tài, nâng cao thể lực và trình độ chuyên môn. Đến đầu năm 2018, FAT đã gửi 36 trọng tài sẽ làm nhiệm vụ ở mùa giải mới 2018 sang Thổ Nhĩ Kỳ tập huấn dài hạn.
Cùng với việc nâng cấp chất lượng chuyên môn của cá nhân các trọng tài, ông Somyot muốn bóng đá Thái Lan học tập UEFA Champions League và Europa League khi bố trí thêm 2 trọng tài ở đường biên ngang, nhằm tăng sự chính xác cho những quyết định của trọng tài chính.
Ông Somyot quyết tâm làm trong sạch hệ thống trọng tài tại Thái Lan. |
Bên cạnh đó, thu nhập cho các trọng tài cũng được ông đưa ra xem xét. Đây là hành động cần thiết vì theo Somyot, phải "cải thiện sinh kế của trọng tài để họ không có những hành động sai trái nhằm kiếm lợi".
Thực tế, vấn đề kinh tế rất được FAT chú trọng trong việc giải quyết những nhức nhối liên quan đến trọng tài. Dù trọng tài là chỉ là nghề tay trái nhưng những người điều khiển các trận đấu vẫn được trả mức thù lao xứng đáng nhằm đảm bảo cuộc sống cho họ. Từ năm 2012 tại Thái Lan, trọng tài chính đã được nhận 325 USD/trận (hơn 7 triệu đồng/trận), còn trợ lý là 195 USD/trận (hơn 4 triệu đồng/trận).
FAT cũng đang hợp tác với Sportradar - công ty kiểm soát cá cược hàng đầu về thể thao nhằm phát hiện những tiêu cực có liên quan đến dàn xếp tỷ số, bán độ... Sportradar hiện hợp tác với FIFA, AFC và cả VPF.
Với Sportradar, ông Somyot muốn kiểm tra các trọng tài xem họ có đủ tư cách, chuyên môn và đạo đức không rồi mới cho làm nhiệm vụ ở các giải chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, FAT đang xem xét đưa công nghệ video hỗ trợ trọng tài VAR vào Thai League để loại trừ các sai lầm có thể mắc phải của các trọng tài.
Có thể nói, FAT cùng chủ tịch Somyot đang làm tất cả để xóa bỏ những tiêu cực liên quan đến trọng tài - vốn làm xấu đi hình ảnh của bóng đá Thái Lan trong khu vực. Chưa rõ những nỗ lực của FAT có đem lại hiệu quả hay không, nhưng ít nhất nó cho thấy quyết tâm triệt để nhằm làm trong sạch và nâng cấp hệ thống trọng tài của Thái Lan. Sự quyết liệt này là điều mà bóng đá Việt Nam cần học hỏi.