Theo Reuters, Ủy ban Bầu cử Thái Lan cho biết quá trình kiểm phiếu đã tiến hành được 91%, trong đó 61% số phiếu đã được kiểm ủng hộ bản hiến pháp và 37,9% bác bỏ.
Cuộc trưng cầu dân ý hôm nay mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017 và chính phủ mới được bầu sau đó sẽ tuân theo các quy định trong bản hiến pháp này.
Những người phản đối, bao gồm một số chính đảng lớn của đất nước, cho rằng hiến pháp này không thật sự dân chủ.
Người dân và sinh viên Thái Lan tham dự cuộc mít tinh trước ngày trưng cầu dân ý. Ảnh: Getty |
Trước đó, từ sáng sớm, khoảng 50 triệu người Thái Lan tham gia bỏ phiếu trưng cầu dân ý về bản hiến pháp do lực lượng quân đội đưa ra kể từ sau đảo chính năm 2014.
Cử tri lựa chọn trả lời có hoặc không đối với 2 câu hỏi: Họ có đồng ý với dự thảo hiến pháp không, và Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để chọn thủ tướng không. Báo The Nation (Thái Lan) gọi cuộc trưng cầu là dịp để kiểm tra coi nền dân chủ Thái Lan đã trở lại thật sự hay chưa.
Sau khi nắm quyền từ cuộc đảo chính năm 2014, Hội đồng quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc phe quân đội đã đề xuất trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, gọi đây là bước tiến lớn hướng đến "nền dân chủ đầy đủ". Hội đồng khẳng định hiến pháp sẽ tăng cường khả năng của chính phủ mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, bảo đảm những chương trình cải cách hiện tại của NCPO sẽ không bị đình trệ.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-Ocha bỏ phiếu sáng nay tại Bangkok. Ảnh: AFP |
Quân đội Thái Lan trong vòng 10 năm đã hai lần đảo chính để lật đổ gia đình Shinawatra cầm quyền, dẫn tới cuộc khủng hoảng liên tục trong chính trường nước này. Giới phân tích nói bản hiến pháp mới nhằm loại trừ hoàn toàn chính quyền của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra và nền chính trị dân tuý do ông này theo đuổi.
Kể từ năm 1932, khi quân đội Thái loại bỏ hoàn toàn nền quân chủ chuyên chế ở nước này, đây là bản hiến pháp thứ 20. Theo bản hiến pháp này, Thượng viện sẽ có một loạt các vị trí do các tướng lĩnh quân đội giữ và có quyền kiểm soát quyền lực của các nghị sĩ do dân bầu.
Ở thành phố Khon Kaen ở phía Đông Bắc, một cựu lãnh đạo phe "áo đỏ" thân Thaksin nói phe quân đội đã chiến thắng bất kể kết quả trưng cầu dân ý diễn ra thế nào.
"Một số người đã chán nản," Sabina Shah nói. "Chán nản vì bất kể lá phiếu thế nào thì hội đồng quân sự sẽ tiếp tục kiểm soát ở đây."