Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thái Lan trưng cầu dân ý: Cuộc khủng hoảng có chấm dứt?

Cuối tuần này, hàng triệu người Thái sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp vạch ra con đường tương lai cho "vương quốc chùa vàng", hiện do chính quyền quân sự nắm quyền.

Ngày 7/8, hơn 40 triệu cử tri Thái Lan sẽ tham gia cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Cử tri lựa chọn trả lời có hoặc không đối với 2 câu hỏi: Họ có đồng ý với dự thảo hiến pháp không, và Thượng viện có được cùng tham gia với Hạ viện để chọn thủ tướng không. Báo The Nation (Thái Lan) gọi cuộc trưng cầu là dịp để kiểm tra coi nền dân chủ Thái Lan đã trở lại thật sự hay chưa.

Sau khi nắm quyền từ cuộc đảo chính năm 2014, Hội đồng quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc phe quân đội đã đề xuất trưng cầu dân ý về hiến pháp mới, gọi đây là bước tiến lớn hướng đến "nền dân chủ đầy đủ". Hội đồng khẳng định hiến pháp sẽ tăng cường khả năng của chính phủ mới trong cuộc chiến chống tham nhũng, bảo đảm những chương trình cải cách hiện tại của NCPO sẽ không bị đình trệ.

Thai Lan trung cau dan y ve hien phap anh 1
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha ngày 5/8 khẳng định tổng tuyển cử sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch, bất kể kết quả trưng cầu dân ý như thế nào. Ảnh: Reuters

Phe quân đội củng cố quyền lực

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo hiến pháp mở rộng đáng kể quyền lực của NCPO (quyền lực quân đội), khiến họ có thể vẫn có thể duy trì sự ảnh hưởng sau khi đã kết thúc giai đoạn lâm thời. Một trong những điều gây tranh cãi nhất là việc NCPO sẽ bổ nhiệm 250 ghế trong Thượng viện khóa mới. Trong một quốc hội lưỡng viện, khi một cơ quan đã các đại biểu đều do phe quân đội chọn ra có nghĩa các đại biểu này được bảo đảm vai trò quan trọng, thậm chí ảnh hưởng đến quá trình chọn thủ tướng có thể tiếp tục là một người từ quân đội.

Mục đích của cuộc trưng cầu còn rõ ràng là nhắm tới hạn chế sự ảnh hưởng của những nhà lãnh đạo dân túy, cụ thể là đảng Pheu Thai và "phe áo đỏ" thân Thaksin vốn rất được lòng những người dân nghèo (và chiếm phần lớn dân số) ở miền bắc Thái Lan. Điều này thể hiện qua việc tái cơ cấu lại cách phân bổ số ghế và lựa chọn đại diện từ các địa phương để tham gia vào Hạ viện (500 ghế).

"Mục tiêu là duy trì hệ thống đảng phái chính trị phân mảnh, thành lập một chính phủ liên minh mà không một đảng nào có thể thống trị đơn độc", giáo sư Thitinan Pongsudhirak (Đại học Chulalongkorn, Bangkok), nói với báo New York Times.

Phe quân sự nhấn mạnh, họ là lực lượng duy nhất có thể duy trì sự ổn định trong một đất nước đã bị chia rẽ nghiêm trọng. Qua việc giảm ảnh hưởng của một đảng, cấu trúc chính trị mới sẽ giúp ngăn chặn tham nhũng và xây dựng sự công bằng trong chính phủ. "Chúng tôi hy vọng chính phủ mới sẽ có tinh thần trách nhiệm trước nhu cầu của người dân, chứ không chỉ tìm kiếm quyền lực chỉ để làm giàu cho họ và đồng bọn", Norachit Sinhaseni, thành viên ủy ban biên soạn hiến pháp, nói trong video do chính phủ thực hiện.

Thủ tướng Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha, NCPO, quốc hội hiện tại và một số nhóm từng thuộc phe "áo vàng" đã thể hiện ý định chọn "đồng ý" với 2 câu trả lời trong cuộc trưng cầu dân ý.

Thai Lan trung cau dan y ve hien phap anh 2
Quân đội được triển khai tới tỉnh Narathiwat ở miền nam Thái Lan để bảo đảm an ninh cho ngày trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP

Trong khi đó, 2 cựu thủ tướng là ông Abhisit Vejjajiva và bà Yingluck Shinawatra cùng những nhóm "áo đỏ" đã công khai phản đối bản dự thảo hiến pháp. 

"Hiến pháp phải ghi nhận quyền của người dân, tạo ra cân bằng quyền lực, và đưa ra giải pháp cho đất nước. Tôi không thấy những điều này trong bản dự thảo hiến pháp", bà Yingluck nói. Còn theo ghi nhận của Straits Times, sự công khai phản đối của ông Abhisit như tiếp thêm tinh thần cho những người còn dao động với lựa chọn phản đối.

Sau cuộc bỏ phiếu, tất cả đơn vị truyền thông bị cấm công bố kết quả thăm dò bầu cử. Kết quả chính thức phải đợi đến khi nhà nước công bố, trong khoảng 3 ngày hậu bầu cử. Một kết quả "đồng ý" đa số sẽ giúp NCPO củng cố tính chính thống của cơ quan này, từ đó tiến tới chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018.

Những kịch bản hậu trưng cầu dân ý

Trong bài viết trên tờ Bangkok Post, nhà nghiên cứu Thitinan Pongsudhirak (giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh và quốc tế, ĐH Chulalongkorn, Bangkok) nhận định một kết quả có lợi cho phe quân sự là điều đã được dự đoán trước, khi chính phủ nỗ lực vận động người dân từng các ngôi làng đến thành thị để thông qua hiến pháp mới. Dù hạn chế báo chí đưa tin về cuộc trưng cầu, phần lớn thông điệp đều thể hiện nguyện vọng của chính quyền.

Thai Lan trung cau dan y ve hien phap anh 3
Cựu thủ tướng Yingluck tuyên bố sẽ phản đối dự thảo hiến pháp. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, tuy khẳng định sẽ khôi phục lại dân chủ, phe quân đội lại ban hành một đạo luật nhằm cấm đoán mọi chiến dịch vận động trưng cầu, nhắm cụ thể đến những nỗ lực vận động cho kết quả chống đối. Các sứ quán và giới quan sát phương Tây đã lên tiếng lo ngại về hành động "trấn áp" này.

Đến nay, ít nhất 120 người phản đối dự thảo hiến pháp đã bị bắt vì cáo buộc "tuyên truyền thông tin sai lệch" hoặc vi phạm các lệnh cấm khác như không được tụ tập nhóm quá 5 người. Mức hình phạt có thể đến 10 năm tù. Sunai Phasuk, nhà nghiên cứu của tổ chức Human Rights Watch nói: "Cuộc trưng cầu lần này không hợp pháp. Đây là một vụ đảo chính quân sự tái diễn, đe dọa và ép buộc người dân Thái mở rộng quyền kiểm soát của quân đội".

Người dân Thái có lý do để chọn câu trả lời "đồng ý", đó là hạn chế rủi ro khiến tình hình hỗn loạn hơn. Nếu theo kế hoạch của NCPO, sau khi hiến pháp được thông qua, sau cuộc tổng tuyển cử, thì Thái Lan sẽ trở lại giai đoạn "có vẻ" bình thường. Trong khi một kết quả "không đồng ý" nghĩa là đất nước tiếp tục trải qua giai đoạn bất ổn chính trị, tổng tuyển cử vẫn chưa thể diễn ra.

Tỷ lệ cử tri thực sự đi bầu cử cũng là yếu tố quan trọng. Càng đông cử tri đi bỏ phiếu thì khả năng cho một kết quả bác bỏ dự thảo hiến pháp càng cao. Ngay cả khi tỷ lệ đi bầu là 57% như lần trưng cầu dân ý đầu tiên (hồi năm 2007) thì khả năng này vẫn cao, do người dân đã học được bài học qua hàng loạt vụ đảo chính từng xảy ra, rằng phe quân đội vẫn có thể can thiệp bất cứ lúc nào.

Voi đi kêu gọi trưng cầu dân ý ở Thái Lan

Những con voi mang ý nghĩa linh thiêng trong văn hóa Thái Lan đang tham gia tuyên truyền cho cuộc trưng cầu dân ý về Hiến pháp sẽ diễn ra vào ngày 7/8.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm