Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người tạo ra email không nhớ bức thư đầu tiên

Ray Tomlinson có thể là một cái tên xa lạ, nhưng tất cả người dùng Internet đang hưởng lợi từ phát minh của ông.

Email đã trở thành một tài sản không thể thiếu của bất kỳ người dùng Internet nào. Nó là “địa chỉ số” để chúng ta liên kết với nhau trên mạng ảo. Ngày nay, có hơn mười triệu thiết bị sử dụng email hằng ngày, với hơn 1,5 tỷ người dùng, giúp họ liên lạc, thông tin đến nhau bất kể rào cản về không gian và thời gian. Thế nhưng, email chỉ mới được phát minh chưa đến nửa thế kỷ, và thậm chí cha đẻ của nó cũng từng cho rằng đó là một sản phẩm không mấy quan trọng.

Chân dung Ray Tomlinson. Ảnh: The Verge.

Ray Tomlinson sinh ra tại Amsterdam, New York, sau đó chuyển đến sống tại thị trấn nhỏ ở Vail Mills, New York. Ông dự học tại trường Broadalbin Centrai, sau đó ghi danh tại học viện Renselaer Polytechnic trong một chương trình phối hợp cùng IBM. Ông nhận bằng cử nhân kỹ sư điện tại RPI vào năm 1963.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Ray nói rằng ông chưa từng thực sự quan tâm đến việc tạo ra một sản phẩm thay đổi hoàn toàn cách người ta giao tiếp trên Internet. Sau khi nhận bằng tại MIT, Ray ở lại trường để tiếp tục cho các luận án. Vận mệnh đưa đẩy ông đến Bolt Beranek and Newman, hay BBN, một công ty tại Boston. Trong suốt những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, BBN sáng chế ra phần lớn các thành tố của Internet sau này, trong đó có ARPAnet, một mạng lưới do Chính phủ tài trợ nhằm kết nối các công ty nghiên cứu tại Mỹ.

Một trong những dự án tại ARPAnet là IMPs - hay Interface Message Processors - những chip xử lý gắn kết các công ty nghiên cứu vào trong một hệ thống, tương tự các router hiện đại. Vào năm 1971, Tomlinson và đồng sự Jerry Burchfiel được giao nhiệm vụ xây dựng hệ điều hành mới cho các cỗ máy này.

Phòng làm việc của Ray Tomlinson tại BBN - nơi email ra đời. Ảnh: The Verge.

Họ được tham gia vào hệ thống các nhà khoa học của ARPAnet, thời điểm đó, các thành viên trao đổi thông tin thông qua hệ thống Request for Comments, hay RFC.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Verge năm 2013, Ray cho rằng nó quá phức tạp trong khi nhu cầu chỉ đơn giản là gửi tin nhắn đến người khác. “Tôi nhìn vào đó và nghĩ rằng, chúng tôi có thể làm tốt hơn, đơn giản hơn”. Trong khi RFC yêu cầu phải gửi tin nhắn dưới dạng code và in ra để đọc, ông quyết định bỏ qua ứng dụng này, sau đó tự lập ra một chương trình mới, gọi là SNDMSG, viết tắt của gửi tin nhắn (send message).

Một vấn đề khác là việc quản lý, vào thời điểm đó, có đến 255 hộp thư được đánh số, tin nhắn sẽ được gửi đến hộp thư kèm con số thứ tự. Tin nhắn cần được in ra, sau đó mới gửi đến một hộp thư cá nhân và chờ người nhận. Các kỹ thuật cho phép gửi và đọc trực tiếp trên máy tính vẫn chưa thực sự hữu dụng khi đó.

Khi nhu cầu chia sẻ giữa các nhà khoa học ngày càng lớn, Ray muốn bằng cách nào đó tin nhắn sẽ được gửi trực tiếp đến người dùng, chứ không phải đến một hộp thư đánh số. Ông bắt đầu thiết kế lại chương trình này.

Ý tưởng này thực tế đã tồn tại nhiều năm, cho phép gửi tin nhắn đến những người dùng chung một máy tính. Ray cố gắng mở rộng khả năng gửi tin nhắn đến các máy tính khác, khi họ đã dùng chung một hệ thống kết nối.  

Ông thành công vào năm 1971 bằng cách phối hợp chương trình SNDMSG dùng trên một máy tính, cùng một chương trình chuyển đổi tập tin thử nghiệm. Sau nhiều nỗ lực, ông đã có thể gửi toàn bộ file trong hộp thư sang máy tính khác, nơi đã được lắp đặt hộp thư của người gửi. Đó là hệ thống email đầu tiên. Ông dùng ký tự @ để nối giữa tên người dùng và địa chỉ máy chủ của họ, lần đầu tạo ra một “địa chỉ ảo” thực sự.

Trong một cuộc phỏng vấn bởi Wired, Ray cho biết ông không thể nhớ tin nhắn ông gửi, và cũng là email đầu tiên của nhân loại: “Tin nhắn đầu tiên đó rất dễ quên, và thực tế thì tôi đã quên rồi. Hình như nó là QWERTYUIOP hay gì đó", ông nói. "Khi đã hài lòng với sản phẩm, tôi gửi một tin nhắn đến nhóm cộng sự để giải thích cách thức chương trình này hoạt động. Thông tin đầu tiên mà email chuyển đi chính là tiếng khóc chào đời của nó”.

Đến năm 1972, Ray và BBN đã mang phần mềm SNDMSG đến hàng tá trang con của hệ thống ARPAnet. Cuối cùng, ký tự @ xuất hiện ở mọi nơi. Ray lúc đó vẫn chưa gọi hệ thống này là e-mail hay thư điện thử, nhưng ông nói rằng thuật ngữ này đã được sử dụng từ giữa thập niên 1970.

Trả lời The Verge, ông cũng không hề ý thức rằng mình đã tạo ra một điều gì đó to tát. Khi mới nảy ra ý tưởng, Jerry Burchfiel nói với Ray rằng “đừng kể nói với ai, đây không phải một phần công việc của chúng ta”.

Đến năm 1993, đã có khoảng 1.000 người dùng trên ARPAnet, hệ thống gồm 20 máy tính kết nối, mỗi máy khoảng 40-50 người dùng. Đến khi kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ARPAnet, có người đặt câu hỏi “Email đến từ đâu?”, nhiều người nhớ đến Ray và phát minh của ông. Khi họ gọi điện, ông bảo: “À phải, chính tôi viết chương trình đó”. Khi được hỏi về thời điểm chính thức ra đời, ông đã nhớ sai ngày, và đến tận ngày nay, các thông tin vẫn cho rằng email ra đời vào năm 1972, dù 1971 mới là thời điểm chính xác.

Bản đồ logic của ARPAnet vào năm 1977, từ đây, email đã được phổ biến rộng rãi đến toàn thế giới.

Trang chính thức của Internet Hall of Fame viết rằng “chương trình email của Tomlinson đã mang đến một cuộc cách mạng triệt để, thay đổi nền tảng cách mà con người giao tiếp với nhau. Nó cũng thay đổi cả từ các tập đoàn to lớn đến những cửa tiệm nhỏ bé, làm mới hoàn toàn cách mà hàng triệu người sinh sống, làm việc và giữ liên hệ với bạn bè, gia đình, dù họ ở cạnh bên hay cách nhau nửa vòng trái đất".

Vào năm 2000, Ray Tomlinson nhận giải thưởng Máy tính George R.Stibitz từ Viện bảo tàng Máy tính Mỹ. Năm 2001, ông được trao giải Webby từ Học viện Nghệ thuật và Khoa học số cũng như được đề cử vào Ngôi đền Huyền thoại Rensselaer Alumni. Năm 2002, tạp chí Discover trao cho ông giải thưởng Nhân vật sáng tạo của năm. Đến 2004, ông nhận giải thưởng của Viện kỹ thuật Điện - Điện tử Internet. Danh sách các giải thưởng và tôn vinh của ông còn bao gồm Giải Văn hóa Eduard Rhein Kulturpreis vào 2011. Ông được xếp hạng 4 trong danh sách 150 con người thay đổi thế giới của MIT, và được xưng tụng danh hiệu Prince của Asturias Award Laureate for Technical and Scientific Research vào 2009.

Ngày 5/3/2016, Ray Tomlinson qua đời, nhưng những phát minh của ông thì còn sống mãi. Như The Verge viết lời kết để tiễn đưa: "Email đầu tiên của nhân loại đã mãi mãi bị lãng quên, nhưng người viết lên nó sẽ luôn được nhớ đến".

Cha đẻ của email qua đời ở tuổi 74

Cha đẻ của một trong những phát minh quan trọng nhất của Internet vừa qua đời sau một cơn truỵ tim ở tuổi 74.




Lê Phát

Bạn có thể quan tâm