Biết từ chối chẳng lo thua thiệt là cuốn sách của tác giả Li Jing. Cuốn sách hướng dẫn cách vững vàng trước những ý kiến và nhu cầu của người khác, tương tác một cách hiệu quả mà không làm tổn thương đối phương, tạo lập được không gian riêng cho bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.
Được sự đồng ý của Nhã Nam - Zing trích đăng một phần nội dung tác phẩm.
Tiểu Châu xin nghỉ việc, anh gọi điện từ biệt đồng nghiệp. Đồng nghiệp rất buồn, nói với anh rằng: “Tiểu Châu, chúng tôi đều không muốn cậu đi. Hồi cậu còn ở đây, trời nóng bức, cậu đều mang kem hoặc coca cho chúng tôi. Bây giờ cậu đi rồi, còn lại toàn những người lười nhác, khổ chúng tôi quá”.
Sự thật chân chính
Nghe những lời này, Tiểu Châu rất buồn bực. Tại sao lại vậy? Bởi anh bỗng nhiên hiểu ra nguyên nhân thực sự khiến mình buộc phải nghỉ việc. Hồi mới vào công ty, để tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp, Tiểu Châu thể hiện rất tích cực và làm việc chăm chỉ.
Ngày nào anh cũng đến công ty sớm, dọn bàn, quét tước văn phòng, còn thường xuyên mang đồ ăn sáng cho các đồng nghiệp. Mỗi khi đến ngày nghỉ, chỉ cần có người nhờ đi trực, anh đều đồng ý giúp đỡ, vì thế mà anh trở thành người trực chuyên nghiệp.
Tiểu Châu trở thành “người siêu tốt” được cả công ty công nhận. Sau đó, nhiệm vụ của Tiểu Châu dần tăng lên, anh cảm thấy lực bất tòng tâm, thấy mình đã làm nhiều rồi, muốn từ chối một vài việc vặt, nhưng không ngờ, người khác lập tức oán trách: “Làm bộ làm tịch gì chứ! Mau đi đi. Chúng tôi đang chờ đây”.
Vì nể, Tiểu Châu đành phải tiếp tục chạy việc vặt cho người khác. Cứ như vậy, việc nhiều lên, khó tránh bị rối loạn. Có một lần, sếp sai anh ra ga đón họ hàng, anh thực sự không thể từ chối, đành phải nhận lệnh. Ai ngờ vừa ra khỏi công ty liền bị giám đốc bắt gặp.
Giám đốc hỏi: “Cậu đi đâu?” Tiểu Châu không dám nói thật, liền trả lời: “Tôi đi tuyển người”. Sau đó giám đốc biết được sự thật, mắng cho Tiểu Châu một trận nên thân, nói rằng anh thiếu sự thành thật cơ bản nhất. Tiểu Châu thấy mình bị mất hình ảnh, ở lại công ty cũng chán, đành nộp đơn xin nghỉ việc.
Không biết cách từ chối sẽ khiến chúng ta rơi vào những hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. Ảnh: The Male Stylish. |
Nghĩ về trải nghiệm đó và việc phải lặng lẽ rời công ty, khó trách Tiểu Châu bực bội. Khi mới vào công ty, nếu anh ấy không thuận theo những kẻ lười biếng kia, suốt ngày sắm vai người tốt, thì sẽ không có nhiều chuyện phiền lòng đến thế, hoặc sẽ không rơi vào kết cục như vậy.
Thực ra, trong cuộc sống có rất nhiều người đều gặp phải trải nghiệm và buồn phiền tương tự Tiểu Châu: Làm người tốt đến lao lực, trở thành người giúp việc, kẻ tầm thường; muốn từ chối làm người tốt, lại sợ bị người ta trách móc, hoặc lo mình bị hiểu nhầm là không hòa đồng.
Tâm lý này rất mâu thuẫn, khiến nhiều người không biết phải làm thế nào. Thật ra nguyên nhân ở đây là do phức cảm người tốt.
Thế nào gọi là phức cảm người tốt?
Không nên nhầm lẫn tốt bụng với phục tùng. Ảnh: Financial Times. |
Nói ngắn gọn, họ cho rằng chỉ khi làm người tốt ta mới có được sự công nhận của người khác, có được tình bạn. Đây là hiện tượng tâm lý rất phức tạp, nhưng lại rất thường gặp, hầu như trong mỗi người đều có phức cảm mâu thuẫn này.
Làm người tốt đương nhiên là rất tốt nhưng nếu đến mức cực đoan, sẽ nảy sinh vấn đề. Tư duy cực đoan này từ đâu mà có? Hiểu được quá trình hình thành phức cảm người tốt, bạn sẽ hiểu được sự huyền diệu trong đó.
Như chúng ta đều biết, người nghe lời, phục tùng thường dễ bị dán mác “tốt”. Ngay từ nhỏ, cha mẹ, thầy cô và người lớn đều không ngừng nói với chúng ta: Phải làm một đứa con ngoan, phải làm người tốt.
Bao năm kinh nghiệm và học hỏi dường như cũng nói với chúng ta rằng, chỉ người tốt mới có được sự khẳng định, chào đón, được người khác đón nhận. Tư duy logic của chúng ta dần được hình thành như vậy đấy. Tốt và vâng lời, phục tùng, đi liền với nhau.
Tốt và khẳng định, công nhận, cũng đi liền với nhau. Vậy là vâng lời, phục tùng được gắn liền với khẳng định, công nhận. Đó vẫn còn là phát triển tư duy một cách bình thường.
Nhưng sau đấy, chúng ta bắt đầu trở nên cực đoan, bởi bước vào xã hội, chúng ta cần sự khẳng định và công nhận của những người khác, vì vậy ta khó tránh nghĩ tới việc nghe lời và phục tùng. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn không biết cách từ chối, không dám từ chối và không giỏi từ chối.