Trong cuốn Hạ tầng đô thị Sài Gòn buổi đầu (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2016), tác giả Nguyễn Hữu Quang từ việc tìm hiểu những thông tin từ tài liệu chính quyền thuộc địa Pháp đã cho biết quá trình hình thành đô thị, một số lĩnh vực hạ tầng đô thị, trong đó có hệ thống cấp nước sạch tại Sài Gòn giai đoạn đầu thời kỳ Pháp thuộc.
Tác giả sách cho biết, giữa thế kỷ 19, tuy thị tứ Sài Gòn và Chợ Lớn hình thành đã lâu nhưng chưa có những điểm lấy nước công cộng, hay những điểm lấy nước có số lượng lớn. Người dân chủ yếu dùng nước sông rạch và nước giếng nhỏ đào tại nhà.
Nhà máy nước đầu tiên ở Sài Gòn, nằm ngay công trường Maréchal Joffre (nay là hồ Con Rùa). Ảnh tư liệu. |
Năm 1859, khi chiếm xong Sài Gòn, Pháp đã đặt vấn đề là làm sao có đủ nguồn nước ngọt. Ban đầu, họ dự định đặt các guồng lấy nước từ một con kinh mới nối từ rạch Thị Nghè xuống tới rạch Bến Nghé để đưa vào các vòi nước, nhưng dự định này không thực hiện được vì con kinh mới đào phải bỏ dở giữa chừng. Người Pháp sau đó phải đi tìm và mua lại một số giếng nước của người dân. Tuy nhiên, những giếng nước này đều bị nhiễm trùng và có độ nhiễm mặn cao nhất là về mùa khô.
Cuối thập niên 60 thế kỷ 19, chính quyền Pháp ở Sài Gòn lúc ấy đã nổ ra nhiều cuộc tranh luận về các nguồn nước có thể khai thác như nước giếng, nước đầm, nước mưa, hoặc nước sông, suối từ Tràng Bảng, Mỹ Hòa để dẫn về Sài Gòn. Họ cũng tính đến phương án xây dựng những bồn nước nhỏ để chứa nước và xây dựng một tháp nước ngay chợ Sài Gòn để lấy nước từ Kinh Lớn, sau là đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Cuối cùng tới năm 1875, Sở Công chánh Pháp cho khởi công xây dựng nhà máy nước đầu tiên ở Sài Gòn, nằm ngay công trường Maréchal Joffre (nay là hồ Con Rùa). Công trình này hoàn tất năm 1878 gồm: Một giếng thủy tĩnh, sâu 20 m (trên cơ sở mở rộng một cái giếng cũ), một tháp nước bằng lá sắt, cao 20 m, dung tích 100 m3 (năm 1880 mới xây xong), một trạm bơm, một hệ thống nhỏ phân phối nước đến một số vòi công cộng (thường được gọi là Phông - tên). Đây là lần đầu tiên người dân Sài Gòn biết đến “nước máy”, ngoài nước giếng hay nước sông rạch mà họ dùng bấy lâu nay.
Tháp nước ở gần Hồ Con rùa vào khoảng năm 1895-1905. Ảnh tư liệu |
Tháng 10/1879, công trình trên được cải tạo bằng cách không dùng giếng, mà xây một cái hố ngấm (gần giếng cũ), nằm ở dưới lòng đất ở ngay tầng nước ngầm. Hố ngấm này sâu 11 m, dài 80 m, diện tích ngấm 880 m2. Tuy nhiên, công trình trên không đáp ứng được nhu cầu nước ngọt của thành phố và người ta lại đào thêm hai cái giếng ở quảng trường Nhà thờ Đức Bà và dẫn về tháp nước. Trong thời gian này, hệ thống dẫn nước được mở rộng đến một số nhà tư nhân. Năm 1886, nhu cầu sử dụng nước của Sài Gòn mỗi ngày khoảng 6.000 m3.
Từ năm 1886 đến 1892, nguồn cung cấp nước chủ yếu của Sài Gòn vẫn là nước ngầm. Năm 1889 Pháp cho đào thêm một giếng ngấm có đường kính 4 m, sâu 20 m ở gần tháp nước, đồng thời đào thêm 11 giếng nước thường để cung cấp thêm 9.000 m3 nước mỗi ngày.
Ngày 18/6/1895, một hãng Pháp tên là Sociéte Herménier et Cie trúng thầu xây dựng một nhà máy bơm nước đầu tiên ở Sài Gòn, 2 bồn chứa nước và chỉnh trang lại hệ thống đường nước. Nhà máy bơm nước nằm ở hồ Con Rùa (ngay địa điểm của Công ty cấp nước cho thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) bao gồm: 4 bồn chứa lá sắt cao 20 m, dung tích mỗi bồn là 1.250 m3, 4 giàn máy bơm công suất 4.000 m3 để đảm bảo mỗi ngày cấp 12.000 m3.
Năm 1903, một dự án nghiên cứu dẫn nước từ sông Đồng Nai (thác Trị An) cách Sài Gòn 75 km được triển khai bởi kỹ sư cầu đường Pouyane. Dự kiến công trình này mỗi ngày cung cấp cho thành phố khoảng 15.000 m3 nước, kinh phí cho dự án này ước tính khoảng 16 triệu Franc. Nhưng cuối cùng, Bộ Công chánh Pháp bác bỏ dự án này.
Đến năm 1908, chính quyền Sài Gòn quyết định đào một hệ thống giếng đầu tiên ngoài thành phố, đó là hệ thống giếng Tân Sơn Nhứt cung cấp thêm cho thành phố 5.000 m3 mỗi ngày. Nhờ kết quả khả quan, người ta đào tiếp một hệ thống 12 giếng ở Phú Thọ để cung cấp cho vùng Chợ Lớn, đến năm 1911 thì đưa vào sử dụng.
Một vòi nước công cộng ở Sài Gòn khoảng năm 1930. Ảnh tư liệu. |
Tính đến hết thập niên đầu thế kỷ 20, Sài Gòn và vài thành phố ở Đông Dương đã có công trình cấp nước đáng kể (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Phnôm Pênh). Một vài thành phố khác cũng có nhưng quy mô nhỏ hơn như: Chợ Lớn, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, Vũng Tàu.
Sau thế chiến thứ nhất, Sài Gòn và Chợ Lớn phát triển nhanh, mức tiêu thụ nước mỗi ngày ở Sài Gòn năm 1923 lên tới 12.000 m3, còn Chợ Lớn là 9.000 m3. Nhưng mức này chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu. Năm 1926, người ta tiếp tục đào thêm 12 giếng ở Gò Vấp, cung cấp thêm 8.000 m3 mỗi ngày, cũng năm ấy đào thêm 4 giếng ở nhà máy nước Chợ Lớn, lấy thêm 3.000 m3/ngày. Tổng khối lượng nước tiêu thụ cho Sài Gòn - Chợ Lơn lúc này là 32.000 m3. Sài Gòn 20.000 m3/100.000 dân (khoảng 200 lít/người/ngày). Chợ Lớn 12.000 m3/200.000 dân (khoảng 50 lít/người/ngày).
Cuối thập niên 20 do chưa giải quyết được căn bản vấn đề cấp nước, trong khi tốc độ phát triển dân số và các hoạt động tiếp tục gia tăng nên có nhiều cuộc nghiên cứu và khảo sát lấy nước từ sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, nhưng không có quyết định nào được đưa ra. Lúc này, tổng khối lượng cung cấp nước cho Sài Gòn - Chợ Lớn lên tới 36.000 m3.
Cuối năm 1929, công ty Socíeté Layne et Cie đến chào hàng loại giếng ngầm và đề nghị chính quyền thành phố cho phép họ đi tìm những tầng nước ngọt sâu dưới lòng đất Sài Gòn. Ngay sau đó, họ đã thực hiện những mũi khoan thăm dò, kết quả phương pháp đào giếng ngầm (hay còn gọi là giếng Layne) này nhanh, lấy được nhiều nước.
Hợp đồng sau đó được ký kết. Đến tháng 11/1931, công ty này đã khoan 39 giếng, trong đó có 30 giếng khai thác được . Tuy không đều về chất lượng nhưng lượng nước chung đã tăng lên dồi dào. Vấn đề giải quyết nước ở Sài Gòn - Chợ Lớn coi như giải quyết xong. Loại giếng này sau đó được áp dụng rộng ra một số thành phố ở Đông Dương.