Người Sài Gòn dè chừng bún, phở
Lượng bún bán ra tại nhiều chợ giảm 30-40%, người tiêu dùng cảnh giác, tiểu thương dè dặt đặt hàng, sau thông tin bún, phở bị dùng chất huỳnh quang tẩy trắng.
Trưa 23/7, tại chợ Vườn Chuối, quận 3, TP HCM, nhiều sạp bán bún cùng chung cảnh vắng khách. Bà Linh, chủ một sạp bún bên hông chợ, cho biết từ hơn 2 tuần nay, lượng bún, bánh canh, bánh hỏi tại sạp bà bán ra giảm đáng kể. “ Trước đây, buổi sáng lấy 4-5kg bún tươi bán hết trong vài tiếng, giờ thì 3kg mà bán đến đầu giờ chiều vẫn còn một nửa. Bánh canh thì người mua lẻ chuyển sang ăn loại bột lọc, bánh bột gạo khó bán lắm”, bà Linh nói.
Các gian hàng bún phở vắng vẻ, lượng bán ra giảm đến 40-50% từ 2 tuần nay. |
Cũng theo bà Linh, khách cảnh giác khiến bà cũng phải khắt khe hơn trong việc chọn lò lấy bún. Bây giờ tôi chỉ dám lấy bún Thủ Đức và bún của một lò có uy tín bên Phú Nhuận. Bún lấy ở các cơ sở khác không bán được. Người đi mua cứ xoi coi nhãn mác, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, ngoài bún Thủ Đức có đóng gói, có hạn sử dụng và địa chỉ cơ sở sản xuất, loại bún còn lại mà bà Linh nói lấy ở lò có uy tín chỉ để trong rổ và dùng túi nilong che bụi, hỏi địa chỉ cơ sở thì bà không cho biết.
Cạnh quầy bà Linh, chị Hồng cũng cho rằng lượng bún chị bán ra giảm tới gần một nửa. “Giờ không dám lấy nhiều như trước vì sợ ế. Tôi chỉ dám lấy vài ba kg, bán hết lại lấy nữa, rất mất thời gian. Có bữa ngồi cả buổi sáng bán chỉ 2kg bún. Nhiều gia đình hay mua bún ăn sáng trước đây chuyển sang mua bánh tráng, mua miếng về nấu”, chị Hồng cho biết.
Gian hàng bán các loại bún, bánh ướt, đồ chế biến sẵn của siêu thị Co.op mart vắng khách mua trưa 23/7. |
Tại siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, các quầy đồ ăn chế biến sẵn đóng hộp như bánh hỏi heo quay, bún xào thịt, bánh ướt, các loại bún tươi, bánh canh… có khá đông khách lựa chọn, song rất ít người mua.
Bà Nhàn, ở quận 1 sau một hồi cầm lên để xuống hết bịch bún tươi Thủ Đức đến bún Thu Hương rồi quyết định không mua bún tươi nữa mà chuyển sang mua bún gạo khô để ăn lẩu. Bà cho biết gia đình bà rất hay ăn bún tươi vì tiện chế biến, dễ ăn. Bình thường mua bún tươi về bà cũng đã cẩn thận nấu nước sôi luộc lại. “Nhưng giờ thì chuyển sang món khác. Bún là loại ăn trực tiếp không qua nấu nướng, chế biến, làm sao dám ăn khi được sản xuất bằng hóa chất độc hại”, bà Nhàn nói.
Bà Nhàn, khách mua hàng ở quận 1, sau một hồi chọn lựa các loại bún tươi đã quyết định đổi sang món ăn khác. |
Trong khi đó, tại siêu thị Maximark đường 3 Tháng 2, quận 10, gian hàng bún tươi bán hết từ sớm. Theo nhân viên siêu thị này, do lượng hàng siêu thị lấy vào rất hạn chế.
Chợ ế khách, lò bún cũng bớt nhộn nhịp. Tại xóm Lò Bún ở khu phố 2 phường Đông Hưng Thuận, quận 12, trước đây cảnh xe máy, xe ba gác chở bún đi về khá tấp nập, những lò bún ở đây chủ yếu cung cấp cho khu vực chợ Cầu nhưng gần đây vắng hẳn. Tại một cơ sở sản xuất bún, bánh phở trên đường TL41, chủ cơ sở, bà L.A tỏ ra khá kén chọn khách hàng. Bà cho biết cơ sở chủ yếu cung cấp cho khối bếp ăn công nghiệp, công ty hoặc quán ăn chứ không mặn mà với mấy đầu mối ở các chợ.
Theo giải thích của bà chủ này, tiểu thương các chợ thường ỷ thế không bán hết thì trả lại lò, nên thường lấy nhiều nhưng có những ngày bán không được trả lại gần hết, mất công phải xử lý. Bà khẳng định chỉ bán bún sạch, thường bún của lò chỉ bán ra để được trong ngày chứ không để qua ngày hôm sau. Thông thường bún được sản xuất từ sáng sớm đến khuya, mỗi buổi chiều hàng ngày công nhân sẽ giao bún tới các đầu mối đặt hàng trước.
Bà A. cũng cho biết, màu bún không dùng hóa chất thường hơi vàng và đục. Còn bún có sử dụng hóa chất tẩy trắng hay chống mốc có thể để được 2-3 ngày, trong điều kiện nhiệt độ bình thường và sợi bún rất trắng, trong.
H.Linh
Theo Infonet