Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phụ nữ viết đơn xin giữ lại cây xanh trên phố

Trước việc đốn hạ cây xanh một cách vội vã của nhóm công nhân, bà Ngà đã nhiều lần van nài, tự tay viết đơn mong giữ lại cây cổ thụ trước nhà.

Điểm tập kết những cây xanh ở Hà Nội sau khi bị đốn hạ

Về thông tin điểm tập kết không có nhiều thân gỗ mà đa số gốc, cây sâu mục, Phó giám đốc Công ty cây xanh Hà Nội nói: “Sẽ kiểm tra, tổng kết từ các đơn vị và báo cáo sau”.

Người dân trên phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhiều ngày nay vẫn chưa hết hụt hẫng khi hàng loạt cây xanh ở vỉa hè này bị đốn hạ trong đêm.

Bà Phạm Thị Ngà, trú tại số 31 Quang Trung cho biết, khoảng 10 ngày trước khi bà mở cửa dọn hàng ăn sáng thì chứng kiến hàng cây bên tuyến đường bị đốn hạ gần hết. Thân cây bị cắt từng khúc, ngổn ngang trên vỉa hè. 

Cả tuyến phố bỗng trở nên trống hoác. Buổi chiều cùng ngày, đơn vị đốn hạ dùng thuổng, xà beng đào từng gốc cho lên xe thùng chuyển đi khiến vỉa hè bị xới tung. 

Bà Phạm Thị Ngà phải viết đơn, hai lần van nài mới giữ được cây xanh trước cửa nhà. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Khi nhóm công nhân tiếp tục đưa dụng cụ tới chặt hạ cây chẹo số 139 ngay trước cửa nhà, bà Ngà chạy ra ngăn, xin giữ lại. Đây là cây cổ thụ với thân cây khá lớn.

Ban đầu, nhóm công nhân phản ứng với hành động của bà. Tuy nhiên, họ cũng không thể đốn hạ này do dưới gốc cây có chiếc ôtô khóa cửa vắng chủ. 

Hôm sau, công nhân lại tới. Bà Ngà chạy ra ôm lấy cây và van nài lần thứ hai. 

“Nhóm công nhân đã yêu cầu tôi phải làm đơn xin giữ lại cây nộp lên phường. Nếu được chấp thuận thì họ mới không chặt”, bà Ngà cho biết. Sau đó, người phụ nữ tự tay viết đơn gửi lên UBND phường.

Tuy nhiên, khi chưa có phản hồi thì UBND Hà Nội đã có ý kiến ngừng việc đốn hạ cây xanh trên toàn thành phố liên quan tới đề án thay thế 6.700 cây.

Cây chẹo 139 được giữ lại thành công. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Lý giải cho hành động của mình, bà Ngà cho hay, cây chẹo trước cửa nhà thuộc nhóm cây rễ cọc, khỏe mạnh không bị cong vênh. Cây đã có hàng chục năm tuổi, mang lại bóng mát cho tổ dân phố. Cây cũng gắn với nhiều kỷ niệm khi bà còn nhỏ.

Nói về hàng cây bị đốn hạ vội vàng trước đó, bà khẳng định, đa số là những cây xà cừ còn xanh tốt, đường kính thân lớn, tán rộng. Chỉ một số trong số đó cong vênh, sâu mọt

"Thành phố chủ trương chặt những cây sâu mọt, cong vênh là hợp lý. Tôi ủng hộ nhưng những cây xanh tốt, có bóng mát và không nguy hại tới người dân thì nên giữ lại để bảo vệ môi trường đô thị", bà Nga bày tỏ quan điểm.

Hàng cây được gọi là vàng tâm được trồng thay thế trên đường Quang Trung. Ảnh: Hoàn Nguyễn.

Theo ghi nhận, trên tuyến đường Quang Trung, hiện chỉ còn lại một số cây bằng lăng, chẹo và xà cừ nhỏ. Hàng chục cây mới (chưa xác định tên) được trồng thay thế. Vị trí những cây được trồng mới ngổn ngang gạch đá, bùn đất.

Bà Ngô Thị Thảo, Tổ trưởng dân phố 26 phường Trần Hưng Đạo cho biết, trên tuyến đường Quang Trung có hơn 20 cây xanh đã bị đốn hạ. Đa số là xà cừ có niên đại hàng chục năm tuổi. 

"Chỉ một số ít bị sâu, mọt, cong vênh. Đơn vị thực hiện chặt cây vào ban đêm nhưng không hề có thông báo cho người dân, tổ dân phố. Sau khi đốn hạ, họ cho trồng lại những cây gọi là vàng tâm thay thế", bà Thảo cho hay.

Chi phí đốn hạ, thay mới một cây xà cừ ở Hà Nội

Tại Hà Nội, đơn giá của thành phố cho chặt hạ, đào gốc, lấp đất một cây xà cừ là từ 4,5 đến 35 triệu đồng. Còn chi phí trồng cây thay thế là 10 triệu đồng.

Hoàn Nguyễn

Bạn có thể quan tâm