Loại tiền mã hóa tự gọi mình là đối thủ của Bitcoin rốt cuộc lại là một trò lừa hàng tỷ USD, với quy mô khắp thế giới.
Một ngày tháng 6/2016, Ruja Ignatova tiến lên sân khấu tại sân vận động Wembley trước hàng nghìn khán giả. Người phụ nữ Bulgaria, với cái tên thường được gắn tên hai chữ “Tiến sĩ” hoặc "nữ hoàng tiền số" phía trước, mặc bộ đầm màu đỏ rực rỡ với những chiếc khuyên tai kim cương lớn.
Trên sân khấu đó, người sáng lập dự án nói với đám đông phía dưới rằng OneCoin sẽ sớm trở thành tiền mã hóa lớn nhất thế giới và giúp mọi người ở mọi nơi có thể thanh toán.
OneCoin, bà Ignatova khẳng định, sẽ là “kẻ giết chết Bitcoin”.
Vào giữa năm 2016, giá trị Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên đã lên tới hàng trăm USD. Tiền mã hóa trở thành lĩnh vực được quan tâm nhất của các nhà đầu tư nóng vội đi tìm cơ hội mới.
“Trong 2 năm nữa, sẽ không còn ai nhắc tới Bitcoin”, bà tiến sĩ hét lên.
Tháng 10/2016, 4 tháng sau sự kiện hoành tráng nói trên, Bjorn Bjercke, chuyên gia về blockchain người Norway nhận được cuộc gọi từ một công ty tuyển dụng. Một startup về tiền mã hóa tại Bulgaria đang tuyển Giám đốc kỹ thuật, với mức lương hậu hĩnh 250.000 bảng/năm cùng ưu đãi chỗ ở và xe.
“Lúc đó tôi nghĩ không biết mình sẽ phải làm gì cho công ty này để được hưởng những phúc lợi đó. Và nhà tuyển dụng cho biết rằng đầu tiên cần xây dựng một blockchain. Họ chưa có công nghệ đó”, Bjercke kể lại.
Chuyên gia này rất ngạc nhiên, bởi trước đó công ty tuyển dụng cho biết họ hoạt động trong lĩnh vực tiền mã hóa. Người tuyển xác nhận đúng là công ty đang có tiền mã hóa và thậm chí đã vận hành rồi, nhưng họ chưa xây dựng blockchain.
Công ty đó có tên OneCoin và Bjercke đã không nhận vị trí được đề nghị.
Giai đoạn 2016, OneCoin bắt đầu được biết đến rộng rãi ở Anh. Nhiều người nhận được đường dẫn những bài nói về đầu tư qua video. Nhân vật xuất hiện trong các video này là Tiến sĩ Ruja, được giới thiệu là tốt nghiệp đại học danh giá Oxford, từng làm tại công ty tư vấn hàng đầu McKinsey & Company. Bà cũng có mặt trong một bài thuyết trình ở sự kiện do tạp chí nổi tiếng The Economist tổ chức.
Sau khi nghe hết buổi nói chuyện, Jen McAdam, người phụ nữ sống tại Glasgow, quyết định đầu tư 1.000 bảng Anh để mua đồng tiền OneCoin. Cô được quảng cáo là những đồng tiền này sẽ tiếp tục sinh ra thêm trong tài khoản và sắp tới có thể chuyển chúng thành tiền thật.
"Bạn được chỉ rõ rằng không được tin những gì mọi người nói. Họ là những kẻ phá hoại. Người ủng hộ Bitcoin cũng là những kẻ phá hoại. Không được tin cả Google. Nếu có bất kỳ ý nghĩ tiêu cực nào thì sẽ bị loại khỏi nhóm", McAdam nhớ lại thời gian cô ở trong "gia đình" OneCoin.
Chỉ một tuần sau, McAdam quyết định chi thêm, rồi lại thêm một lần nữa. Tổng cộng, cô bỏ ra 10.000 bảng và thuyết phục bạn bè, gia đình đầu tư 250.000 bảng Anh nữa. Tuy nhiên con số trong tài khoản tăng rất nhanh và chẳng mấy chốc đã đạt 100.000 bảng, gấp 10 khoản đầu tư ban đầu. McAdam bắt đầu lên kế hoạch cho những chuyến du lịch, mua sắm.
Nhưng không lâu sau, cô gặp phải cú sốc. Một người lạ, tự xưng là chuyên gia về tiền mã hóa, cảnh báo McAdam với những từ khóa công nghệ mà cô không thể hiểu nổi. Mất 3 tháng để McAdam đọc và hiểu hết những gì mà anh ta gửi. Cô bắt đầu có những nghi ngờ và hỏi cấp trên trực tiếp của mình tại OneCoin về công nghệ blockchain của đồng tiền này.
"Được rồi Jen, họ không muốn nói với chúng ta vì sợ lộ nơi đặt blockchain. Về lý thuyết thì để hoạt động như ứng dụng chúng không cần có máy chủ. Công nghệ blockchain của chúng ta là máy chủ SQL gắn với cơ sở dữ liệu", cấp trên này trả lời sau khi McAdam hỏi đi hỏi lại.
Đến lúc này, McAdam đã tìm hiểu đủ để biết rằng máy chủ SQL không liên quan gì tới công nghệ blockchain. Cơ sở dữ liệu tập trung đó đồng nghĩa người sở hữu máy chủ có thể toàn quyền gán những con số OneCoin. Tất cả những đồng OneCoin mà cô sở hữu, cùng với tài sản của nhiều bạn bè, đều chỉ là những con số hiển thị trên website.
"Tôi sốc và không thể đứng nổi nữa", McAdam kể lại.
Ở cách xa McAdam gần 1.000 km, một cặp vợ chồng khác hiểu rõ những gì OneCoin có thể mang lại. Igor Alberts và vợ Andreea Cimbala đã kinh doanh đa cấp hàng chục năm. Tới năm 2015, Igor Alberts được mời tới một sự kiện của OneCoin ở Dubai.
Tại đây, Alberts rất ấn tượng với phong cách của Tiến sĩ Ruja cùng những người thành đạt với OneCoin. Trở về từ Dubai, Alberts ra lệnh cho tất cả cấp dưới của mình chuyển sang bán đồng tiền ảo này.
“Chúng tôi tập hợp lại và bắt đầu làm việc điên cuồng. Tháng đầu tiên, chúng tôi đã thu về 90.000 USD", Alberts kể lại.
Kế hoạch của OneCoin từ đầu đã là hoạt động theo hình thức đa cấp. Những chuyên gia như Alberts giúp đồng tiền này ngày càng được biết đến rộng rãi hơn. Người thân, bạn bè trở thành những đầu mối được sử dụng để thuyết phục về một hình thức đầu tư mới.
Không lâu sau, thu nhập của Alberts từ OneCoin đã đạt 1 triệu euro/tháng. 60% trong số đó được trả bằng tiền mặt, phần còn lại thanh toán bằng chính đồng OneCoin. Vợ chồng Alberts quyết định dùng tiền để mua thêm OneCoin, vì tin tưởng vào tương lai của loại tiền ảo này.
“Tôi đã tính xem mình sẽ cần bao nhiêu đồng để thành người giàu nhất thế giới. Khi sở hữu 100 triệu đồng và giá mỗi đồng là 100 euro, chúng tôi sẽ giàu hơn Bill Gates. Tôi đã nói với vợ mình rằng thật đơn giản”, Alberts kể lại.
Tới năm 2017, OneCoin đã thực sự trở thành một cơn sốt toàn cầu. Tiến sĩ Ruja bận rộn đi khắp thế giới để thuyết trình, khoe hình ảnh của mình bên cạnh chiếc du thuyền hàng triệu USD và mở những bữa tiệc xa hoa.
Cũng vào lúc ấy, những nhà đầu tư lớn bắt đầu nhận thấy dấu hiệu không ổn của OneCoin. Sàn giao dịch OneCoin, vốn được hứa hẹn sẽ trở thành nơi người sở hữu đồng tiền biến nó thành tiền thật, mãi vẫn chưa ra mắt.
Đây là vấn đề được hứa hẹn giải quyết tại hội nghị OneCoin lớn nhất châu Âu, diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha tháng 10/2017. Nhưng ngày diễn ra sự kiện, Tiến sĩ Ruja, luôn đúng giờ trước đó, đã không có mặt.
Những cuộc điện thoại không có ai bắt máy, tin nhắn không được trả lời. Văn phòng ở Sofia, Bulgaria cũng không biết bà chủ của mình đã đi đâu mất.
Tài liệu điều tra sau này của FBI cho thấy vào ngày 25/10/2017, 2 tuần sau hội nghị ở Lisbon, bà Ruja đã có mặt trên một chuyến bay của Ryanair từ Sofia tới Athens. Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy người sáng lập đồng OneCoin. Tiến sĩ Ruja không bao giờ xuất hiện trở lại.
Sự biến mất của Ruja Ignatova không khiến mạng lưới OneCoin sụp đổ ngay lập tức. Em trai của bà, Konstantin Ignatov trở thành gương mặt đại diện mới cho đa cấp tiền ảo. Tuy nhiên, áp lực từ nhà đầu tư nhiều lần khiến Konstantin gặp nguy hiểm.
Ignatov cho biết mình từng bị bắt cóc bằng súng và được đưa đến vùng ngoại ô của thủ đô Bulgaria và bị tra tấn đến gãy ngón tay.
“Tôi đã được thông báo nếu Ruja biến mất cùng số tiền, những người này sẽ quay lại và giết tôi”, Ignatov nhớ lại.
Em trai của bà trùm cũng cho biết trong chuyến đi đến một cuộc họp ở Zurich, Thụy Sĩ được tổ chức bởi thành viên cấp cao băng đảng Hell’s Angels, Ignatov đã bị nhét súng vào miệng và đe dọa mạng sống.
Tháng 3/2019, Konstantin Ignatov bị bắt tại Los Angeles sau khi bay đến Mỹ. Em trai của bà trùm đa cấp đối mặt với nhiều cáo buộc và tội danh liên quan đến lừa đảo.
Sau khi Tiến sĩ Ruja biến mất, những nhà đầu tư lớn bắt đầu nghi ngờ về sự hiệu quả của OneCoin. Chuyên gia đa cấp Alberts yêu cầu những người đứng đầu công ty này đưa ra bằng chứng về công nghệ blockchain mà nó đang vận hành. Sau khi không được thỏa mãn, Alberts quyết định từ bỏ vào tháng 12/2017.
Với Jen McAdam, người phụ nữ ở Glasgow cho biết cô kiếm được tổng cộng khoảng 3.000 bảng Anh khi đầu tư vào OneCoin. Trong số đó, 1.800 bảng được trả bằng tiền mặt và sau đó lại được tiếp tục đầu tư vào đồng tiền ảo. Người mà cô cảm thấy có lỗi nhất là cha mình, bởi McAdam đã tiêu hết số tiền mà người cha quá cố dành dụm vào đồng OneCoin.
Theo số liệu của BBC, đã có khoảng 4 tỷ bảng Anh được bỏ ra để mua OneCoin trong khoảng thời gian tháng 8/2014-3/2017. Tuy nhiên, một số nguồn tin khẳng định tổng số tiền đổ vào OneCoin có thể lên đến 15 tỷ USD.
Những nỗ lực điều tra sâu hơn cho thấy đây là một mạng lưới chồng chéo, với hàng loạt công ty ma do người nhà của Ruja Ignatov nắm giữ, nhằm che giấu dòng tiền thực sự mà công ty đa cấp này kiếm được.
Sự giàu có của bà trùm lừa đảo chỉ được tiết lộ sau quá trình điều tra. Ignatova và những người tham gia đường dây kiếm được nhiều tiền đến mức họ không biết nên chứa chúng ở đâu. Những cọc tiền được xấp tiền thành chồng bày la liệt trong các văn phòng ở Bulgaria, Hong Kong, Dubai hay Hàn Quốc.
Tiền được đổ vào trong những trại nuôi ngựa đua ở Abu Dhabi, cũng như được dùng để giúp đỡ các công ty khác vay nóng.
Nạn nhân của OneCoin có mặt ở khắp nơi, từ châu Âu, châu Á tới những ngôi làng hẻo lánh ở châu Phi. Tại vùng Ntangamo ở Uganda, nơi người dân chủ yếu kiếm sống bằng những loại cây ăn quả, OneCoin lan ra như một đám cháy rừng thông qua những lời kể, tâm sự của bạn bè, người thân.
Đứng trước ngôi nhà nhỏ của mình, Daniel Lienhardt thú thật với 2 phóng viên của BBC rằng mình chưa dám nói sự thật với bà mẹ. Gia đình anh để dành được 3.000 bảng và đang định làm một cửa hàng bán nông sản thì Daniel biết đến OneCoin. Chàng trai 22 tuổi quyết định đầu tư vào đồng tiền này, với hi vọng kiếm được nhiều hơn. Bà mẹ thì vẫn còn chút nghi ngờ, nhưng rồi tin theo con trai.
“Tôi chưa bao giờ nói thẳng với mẹ rằng tiền mất hết rồi và cả hi vọng cũng mất đi. Tôi chỉ dám nói rằng họ đang thay đổi, trì hoãn việc trả tiền cho mình. Thật sự rất khó để nói ra.
Hay là các anh nói hộ tôi đi”, Daniel ngập ngừng.
Bà mẹ của Daniel, khi nhìn thấy 2 người ngoại quốc đến gặp con mình, nghĩ rằng khoản đầu tư cuối cùng cũng đã có lãi và sắp được nhận tiền. Những phóng viên BBC chỉ dám nói rằng họ đang đi điều tra về OneCoin bởi đã rất nhiều người mất tiền vào dự án này.
“Khi đang có tiền và rồi bị mất đi, cuộc sống trở nên rất áp lực. Trước đó, chúng tôi đã lên kế hoạch hết rồi và khi mọi thứ mất đi thì đời trở lại khó khăn”, bà mẹ của Daniel đáp lời.
Sau khi em trai bị bắt, Ruja Ignatova đã bị Mỹ kết tội vắng mặt với các tội danh lừa đảo, rửa tiền.
Ruja dường như không phải người chỉ huy duy nhất của dự án lừa đảo OneCoin. Cả chuyên gia blockchain Bjorn Bjercke lẫn nhà kinh doanh đa cấp Igor Alberts đều khẳng định có những thế lực phía sau, khiến nữ hoàng lừa đảo này buộc phải chạy trốn khi mọi việc ngoài tầm kiểm soát.
Vậy Ruja đã đi đâu? Theo điều tra của BBC, dường như bà trùm vẫn ở lại châu Âu, nhưng dưới một vỏ bọc khác.
Một số nhà điều tra độc lập cho biết nhiều nhân viên nhà hàng xa xỉ tại Athens, Hy Lạp khẳng định đã nhìn thấy một người giống Ruja. Các phóng viên BBC có thể đã dự một buổi tiệc chung với bà trùm này tại Bucharest, nhưng với một nhận dạng khác sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Dấu vết trước khi bỏ trốn của bà trùm này chỉ còn lại một chút. Những thông tin chia sẻ trên mạng cho thấy bà Ruja từng lấy một luật sư, sống nhiều năm tại Frankfurt, Đức và có con vào năm 2016. Tuy nhiên chồng, hoặc chồng cũ, của Ruja không muốn bình luận gì về bà.
Tới năm 2019, nhóm phóng viên của BBC nhận được một cuộc gọi, xác nhận rằng Ruja Ignatova vẫn đang dành phần lớn thời gian để sống ở Frankfurt, Đức. Tuy vậy, bà trùm lừa đảo có lẽ không sợ bị tìm ra.
"Tiến sĩ Ruja đã nhận ra điểm yếu của xã hội và khai thác nó. Bà ta biết rằng sẽ có đủ người thiếu kiên nhẫn, tham lam, hoặc thiếu hiểu biết muốn đặt cược vào OneCoin. Bà ta cũng hiểu rõ rằng những lời nói dối sẽ dễ bị phát hiện khi có đủ thông tin phản hồi trên mạng.
Bà ta nhìn ra những phương thức để đối chọi lại OneCoin, như cảnh sát, những nhà làm luật và cả giới truyền thông, sẽ mất thời gian để hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và điều đáng tiếc nhất là Tiến sĩ Ruja đã đoán được trước bà ta sẽ cao chạy xa bay, cùng với toàn bộ số tiền, khi chúng ta nhận ra được mọi việc", tác giả Jamie Bartlett của BBC kết luận.