Linda Zall đóng vai trò quan trọng trong nền khoa học Mỹ, tạo nên những bước tiến lớn trong nhiều thập kỷ. Song, bà không bao giờ kể về những thành tựu của mình trên sóng truyền hình, viết sách về bản thân hay nhận các danh hiệu về khoa học.
Cơ sở dữ liệu về các ấn phẩm khoa học có đóng góp của bà chỉ gồm 3 bài báo, trong những năm từ 1980 đến 2020.
Lý do cho nhiều thập kỷ phục vụ khoa học của tiến sĩ Zall không được công bố là bà đã thực hiện nghiên cứu trong trụ sở bí mật của Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA).
Tiến sĩ Linda Zall - người có công trong việc khai thác lợi thế của vệ tinh do thám để quan sát một loạt các vấn đề môi trường và sự thay đổi trên bề mặt Trái Đất. Ảnh: New York Times. |
Giờ đây, ở tuổi 70, bà đang kể lại câu chuyện của đời mình - tất nhiên là những phần bà được phép chia sẻ. Những người ngưỡng mộ ca ngợi cách bà đưa lực lượng điều tra quốc gia vào một mục tiêu mới: Nghiên cứu về môi trường.
"Thực sự rất vui", bà kể về công việc trong CIA của mình.
Sử dụng vệ tinh do thám để thu thập hình ảnh Trái Đất
Chương trình của tiến sĩ Zall được ra mắt vào năm 1992 và là một dạng kho lưu trữ thông tin - bao gồm cả thông tin vào những năm 1960.
Chương trình cung cấp một cơ sở mới để đánh giá tốc độ và phạm vi các sự thay đổi trên hành tinh. Nhờ đó, nghiên cứu và báo cáo - một số là tuyệt mật, một số được công khai, một số thuộc về viện Khoa học Quốc gia - đã ra đời.
Sự đa dạng dữ liệu trong sáu thập kỷ thu thập cho thấy thay đổi của hành tinh về tuyết rơi và bão tuyết, biển băng và sông băng.
Jeffrey K. Harris, người từng làm việc với tiến sĩ Zall với tư cách là Giám đốc Cơ quan Trinh sát Quốc gia (NRO), cho biết: "Tất cả thành quả đó đã không thể đạt được nếu không có bà ấy. Đôi khi bạn phải quyết định xem mình sẽ phá hay trèo qua bức trường, song với Zall, bà ấy đã làm cả hai điều đó - mỗi thứ một chút".
Một số người hâm mộ nhiệt thành nhất của bà Zall là những thành viên còn sống trong nhóm 70 nhà khoa học ưu tú mà bà đã tuyển dụng để sàng lọc và phân tích hàng núi hình ảnh từ kho lưu trữ.
"Bà ấy là một nhà lãnh đạo tuyệt vời", Michael B. McElroy - nhà vật lý học hành tinh và giáo sư nghiên cứu môi trường tại Đại học Harvard - cho biết. "Bà ấy tràn đầy năng lượng, đầy nhiệt huyết và khả năng giao tiếp tuyệt vời với mọi người".
Chương trình vệ tinh do thám Corona bao gồm việc bắn các viên nang vào không gian - thứ sẽ chụp ảnh trên quỹ đạo và rơi trở lại Trái Đất - để thu được hình ảnh trên không trung. Ảnh: NRO. |
Những dữ liệu tuyệt mật mà Tiến sĩ Zall sử dụng để xác định các vấn đề môi trường đến từ vệ tinh do thám. Vệ tinh đầu tiên, được gọi là Corona, được phóng vào năm 1960. Các chuyên gia liên bang đã đầu tư tổng chi phí hơn 50 tỷ USD vào hàng trăm vệ tinh kế nhiệm nó.
Chính những hình ảnh từ vệ tinh này cho phép các nhà bảo vệ môi trường nhận ra các cực của Trái Đất đang nhanh chóng trở thành trung tâm của sự nóng lên toàn cầu và băng tan.
"Chương trình cho phép chúng tôi đo đạc khối lượng băng, đặc biệt là khối lượng băng bị tan chảy qua các mùa", ông James Baker, chỉ đạo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia trong giai đoạn 1993 - 2001 và từng phục vụ cho tiến sĩ Zall trong ban cố vấn CIA, cho biết.
Theo lẽ thường, tiến sĩ Zall có thể được đề tên trong các báo cáo với tư cách đồng tác giả hay thậm chí là tác giả chính. Song, trong CIA, bà làm việc bí mật trong nhiều thập kỷ.
Sự phát triển của chương trình vệ tinh do thám
Là con cả trong gia đình có ba người con, Linda Susan Zall trải qua thời thơ ấu hòa mình với thiên nhiên tại vùng nông nghiệp gần Hồ Finger.
Bà chuyển đến New York cùng gia đình vào giữa những năm 1960 và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Cornell với chuyên ngành kỹ thuật dân dụng và môi trường năm 1976.
Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc cho Tập đoàn Vệ tinh Trái Đất trong khoảng thời gian 1975 - 1984, nơi sử dụng máy tính để nâng cao chất lượng hình ảnh từ vệ tinh giám sát dân sự như Landsat.
Tiến sĩ Zall, giữa, và Phó tổng thống Al Gore, bên phải, trong cuộc họp tại Nhà Trắng tháng 12/1995 cùng các quan chức tình báo và quốc phòng Mỹ và Nga. Ảnh: Linda Zall. |
Tiến sĩ Zall làm việc cho CIA từ năm 1985, nơi bà sử dụng các kỹ năng của mình để cải thiện việc phân tích các hình ảnh do thám và lập kế hoạch cho các thế hệ vệ tinh do thám mới.
Cuối năm 1991, Liên Xô tan rã và Washington cũng không còn nhiều lý do để duy trì một đội vệ tinh do thám đắt tiền.
Khi ấy, tiến sĩ Zall đã viết một báo cáo tuyệt mật mô tả những gì mà vệ tinh do thám có thể làm đối với khoa học Trái Đất. Hãng tin AP đưa tin vào tháng 5/1992: "Các bức ảnh chụp từ vệ tinh có thể hỗ trợ trong nghiên cứu môi trường toàn cầu", tuy nhiên, bài báo không đề cập đến bà Linda Zall.
Tháng 10 cùng năm, tiến sĩ Zall được giao phụ trách và tuyển dụng các thành viên của chương trình này, chủ yếu là các nhà khoa học Trái Đất. Bà đặt tên cho nhóm của mình là Medea.
Đầu năm 1995, Medea là động lực để Tổng thống Bill Clinton ra lệnh giải mật hơn 800.000 hình ảnh vệ tinh do thám, bao gồm cả bản đồ và giám sát khu vực. Kho dữ liệu hình ảnh, được thu thập trong khoảng thời gian 1960-1972, không chỉ cho thấy các sân bay và căn cứ tên lửa mà còn cho thấy những vùng đất khổng lồ bị tàn phá bởi nạn phá rừng. Một hình ảnh được chụp vào năm 1962 cũng cho thấy tình trạng biển Aral trước khi khô cằn.
Medea cũng thúc đẩy Hải quân tiết lộ thông tin bí mật trong lòng Trái Đất. Cuối năm 1995, một bản đồ mới về đáy biển được công bố đã làm dấy lên căng thẳng về các khe nứt sâu, sơn tích và núi lửa.
"Đây là bản đồ thống nhất đầu tiên về đáy biển toàn cầu", John A. Orcutt thuộc Viện Hải dương học Scripps ở San Diego cho biết.
Tiến sĩ Zall với huy chương mà bà nhận được cho sự nghiệp của mình trong CIA. Ảnh: New York Times/ Eve Edelheit. |
Chính quyền Tổng thống George W. Bush và những người bảo thủ trong Quốc hội đã khiến Medea ít được quan tâm trong nhiều năm. Song, nhóm được hồi sinh dưới thời Tổng thống Obama vào cuối năm 2008.
Tiến sĩ Zall sau đó tập trung nghiên cứu cách môi trường thay đổi có thể dẫn đến các vấn đề về an ninh và khủng hoảng. Cuối năm 2009, CIA thành lập Trung tâm về Biến đổi khí hậu và An ninh quốc gia - cơ quan giúp các nhà hoạch định chính sách của Mỹ hiểu rõ hơn về tác động của lũ lụt, mực nước biển dâng, sự thay đổi dân số, sự bất ổn của các bang và sự cạnh tranh ngày càng cao đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các bản tin thông báo về chương trình một lần nữa không đề cập đến tiến sĩ Zall.
Bà nghỉ hưu tại CIA vào năm 2013. Medea giải thể hai năm sau đó dưới thời chính quyền Trump.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn, các cựu thành viên Medea cho biết chính quyền Biden có thể muốn thành lập một hội đồng tương tư để giúp thế giới thúc đẩy các vấn đề về thay đổi môi trường.
Tiến sĩ Zall hoàn toàn tán thành dự định này: "Nó cần phải được thực hiện".