Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis (28/7/1929 - 19/5/1994) là vợ của Tổng thống 35 của Hoa Kỳ John F. Kennedy và là Đệ nhất Phu nhân Mỹ từ năm 1961 đến 1963. Bà thường được gọi một cách thân mật là Jackie, Jackie Bouvier, Jackie Kennedy, Jackie Onassis và, đôi khi là Jackie O.
Jackie Kennedy có một cuộc đời đầy thăng trầm nhưng suốt cuộc đời mình, bà luôn được coi là một biểu tượng mạnh mẽ của nữ quyền.
Cuốn sách Bản lĩnh Jackie Kennedy của tác giả Maud Guillaumin là một trong những tác phẩm được đánh giá cao về cuộc đời của người phụ nữ đặc biệt này. Zing.vn xin giới thiệu với độc giả một số đoạn trích trong sách.
Từ xa các nhà thờ vang lên những hồi chuông báo tử, những tiếng ra lệnh ngắn gọn và tiếng động phát ra từ vó ngựa chạy trên mặt đường nhựa rền vang trong sự tĩnh lặng khó tin ấy.
Tuy nhiên, hơn một triệu người đứng tụ tập dưới ánh nắng mặt trời giá buốt của tháng Mười Một này. Họ đứng chờ dọc theo lộ trình để nhìn quan tài Tổng thống đi qua, một cuộc diễu hành khổng lồ, với bốn dàn nhạc và mười bảy đoàn thuộc những quân đoàn khác nhau.
Đám tang Tổng thống Kennedy vào ngày 22/11/1963 là một trong những sự kiện không thể quên trong lịch sử nước Mỹ. |
Giống như hôm trước, quan tài được đặt trên phần xe kéo pháo và được sáu con ngựa trắng dẫn đi. Một con thuần chủng màu hạt huyền đi theo mà không có kỵ sĩ; trong bàn đạp ở yên ngựa, có đôi ủng đặt ngược, biểu tượng của người anh hùng đã ngã xuống trong trận đấu. Ca khúc xúc động của dàn nhạc kèn túi hộ tống chuyến đi cuối cùng của người quá cố vang lên, đúng như Jackie đã hứa với bé John.
Sáu mươi máy camera quay phim sự kiện. Sự căng thẳng như sờ thấy được ngoài không khí. Được Robert và Ted đi cạnh, Jackie có vẻ mệt mỏi. Phần đầu tiên của buổi diễu hành đã diễn ra trong xe hơi. Nhưng, quãng đường giữa Nhà Trắng và thánh đường Saint-Mathieu thì phải được thực hiện theo ý bà.
Bà tuyệt đối muốn thực hiện cuộc diễu hành này. Với bà, đám rước sẽ làm cho Jack bước vào huyền thoại. Bà biết rằng 175 triệu khán giả xem truyền hình đang chờ đợi. Đằng sau góa phụ trẻ và những người em chồng, ở hàng đầu, người ta nhận ra tướng De Gaulle, Hoàng Hậu Frederika của Hi Lạp, vua Baudoin đệ I của Bỉ và Hoàng đế Ethopia Hailé Sélassié.
Xung quanh họ có rất nhiều người đi kèm để săn sóc: vệ sĩ và nhân viên an ninh, những người mà cuộc diễu hành này là một cơn ác mộng đối với họ. Hơn bốn ngàn người được trang bị vũ khí, của CIA, của FBI, của Pentagone, của Cảnh sát Wasington và New York, hóa trang đằng sau những cặp kính đen và áo khoác vải bạt. Tất cả đều trong tư thế cảnh giác cao độ.
Cuối đám rước, Tổng thống Johnson và hai con gái cũng đi bộ cùng với đoàn người. Đội cận vệ đã làm tất cả để ông theo đoàn bằng xe hơi nhưng ông đã từ chối. Hẳn sẽ nực cười lắm nếu ông làm thế.
Phu nhân Kennedy cùng 2 con Caroline và Ron trong lễ tang chồng. |
Cuộc đi bộ diễu hành dài đã bị các sở mật vụ Mỹ cực kỳ phản đối này là một sự điên khùng. Bất chấp những cảnh báo, các phái đoàn ngoại quốc đã duy trì sự có mặt của họ bên cạnh Đệ nhất Phu nhân. Được biết, tướng De Gaulle đã ngay lập tức đồng ý khi nghe về mong muốn này của Đệ nhất Phu nhân.
Trước Thánh đường, Jackie gặp lại các con mình, chúng được đưa theo đám rước bằng xe hơi. Với áo măng tô màu xanh da trời và đôi giày đỏ, chúng là hiện thân của niềm hy vọng và sự đổi mới. Chúng minh họa ý nguyện chiến đấu của cả nước.
Hồng y Giáo chủ Richard Cushing đến gặp chúng. Chính ông đã làm lễ thành hôn cho cặp Kennedy mười năm trước đây, cũng chính ông đã an táng bé Patrick chỉ mới cách đây ba tháng.
Một ngàn hai trăm khách mời đã vào vị trí trong Thánh đường. Tất cả đều dồn mắt về phía người góa phụ vẫn vững như bàn thạch ấy. Ở giữa đám rước, không chê vào đâu được, bà đứng thẳng hệt như người đàn bà giữ đền. Bà là hiện thân của nước Mỹ bất diệt, đứng thẳng người trước giông bão. Tuyệt hảo và đầy uy tín, đó là khuôn mặt bi tráng của một nữ anh hùng trong phim.
Khi đi ra, không một ai thấy bà khóc. Bà cũng đã không nhỏ lấy một giọt nước mắt cho cha mình khi ông mất. Đây chỉ là vấn đề về giáo dục thôi. Vả lại bà muốn thời khắc này trang nghiêm hết mức có thể.
Dưới chân Thánh đường, được hai đứa con ngoan hình mẫu vây quanh, bà cúi xuống bé John và thì thầm vài câu. Hôm nay là sinh nhật nó. Hôm nay nó lên ba tuổi. Từ nhiều ngày nay rồi, cha nó đã dạy nó kiểu chào quân sự. Có nhiều lần, bà và Jack đã cùng phá lên cười khi nhìn bé bắt chước các binh sĩ nhưng không sao làm được, hoặc chỉ chào bằng tay trái.
Bà Jackie đã không nhỏ một giọt nước mắt nào trong lễ tang tổng thống Kennedy. |
Ngày 25 tháng Mười Một, John-John tiến lên một bước và kiêu hành đặt bàn tay phải lên trán để chào người cha mà nó sẽ mãi mãi không bao giờ gặp nữa. Jackie nhìn nó từ xa. Cả nước Mỹ trào nước mắt. Bà – người đã luôn từ chối chường các con mình ra trước ống kính – thì hôm nay đã từ bỏ nghiêm tắc của chính mình. Vì lịch sử.
Vào đầu buổi chiều, đoàn người đi về hướng Arlington, nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất đất nước. Khu vườn Đá đã đón nhận những chiến sĩ đã phục vụ và chiến đấu trong quân đội kể từ cuộc chiến tranh Li Khai.
Giống như buổi sáng, Jackie tiến thẳng về phía trước. Sau bà, các Nguyên thủ Quốc gia chậm dãi bước theo cỗ xe tang, dẫn đầu là tướng De Gaulle và Hoàng đế Hailé Sélassié. Họ đi bộ đến tận mộ người hùng, được đặt nhô cao hẳn, ở vị trí chế ngự cả thành phố Washington.
Khi quyết định an táng chồng tại thủ đô mà không phải ở Boston, nơi có nghĩa trang gia đình, Jackie đã cho phép đài truyền hình theo sát buổi lễ trọng thể mà không hề bị gián đoạn. Đúng như bà yêu cầu, một phân đội gồm hai mươi sáu binh sĩ tưởng niệm người quá cố một cách hết sức đặc biệt. Rồi chiếc Air Force One bay trên bầu trời quả đồi, được một phi đội máy bay không đầu tháp tùng.
Sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, bà Jaqueline vẫn mặc nguyên bộ đồ khi xảy ra sự việc và không lau vết máu của chồng còn dính trên mặt mình. |
Khi các binh sĩ gấp lá cờ tổ quốc phủ quan tài và đưa cho góa phụ, trong khoảng một phần tư giây đồng hồ, bà đã bị mềm lòng. Mặc dù khuất mặt sau tấm khăn voan đen kiều diễm, bất thình lình bị sự xúc động choán lấy, Jackie đã không thể ngăn khuôn mặt mình co rúm lại. Mới hai tuần trước thôi, Jack đã có mặt ở đúng nơi đây, trong cùng nghĩa trang này để tưởng niệm các cựu chiến binh.
Trong nỗ lực can đảm cuối cùng, bà đốt ngọn lửa vĩnh cửu như bà mong muốn, ý tưởng này xuất phát từ hiểu biết của bà về ngọn lửa dưới Khải Hoàn Môn ở Paris. Ngày chạy việt dã này cuối cùng cũng kết thúc. Hệt như chuyến trở về từ Dallas, các máy camera quay hình bà rời khỏi nghĩa trang cùng bởi Bobby, tay trong tay, hệt như hai kẻ mồ côi.