Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người phiên dịch già và ký ức sống mãi cùng Henrique Calisto

10 năm sau ngày Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, người phiên dịch già vẫn bồi hồi khi nói về những kỷ niệm bên cạnh HLV Henrique Calisto.

Không phải Công Vinh, HLV Calisto yêu quý ai nhất thế hệ 2008? Ông Ngô Lê Bằng, người từng phụ trách công tác phiên dịch cho huấn luyện viên Henrique Calisto tiết lộ về cầu thủ mà chiến lược gia người Bồ Đào Nha yêu quý nhất.

Ông Bằng nói chậm lại, khuôn miệng rưng rưng. Ông đưa ngón tay lên ngang mắt, chấm nhẹ vài cái để ngăn những dòng lệ rơi xuống. Đó lần thứ ba trong cuộc đối thoại này, đôi mắt ông nhòe đi vì xúc động.

Chiến dịch AFF Cup 2008, ông là một trong những người gần gũi nhất bên cạnh HLV Henrique Calisto. 10 năm đã qua, những kỷ niệm ngọt ngào vẫn khiến ông không khỏi bùi ngùi.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 1
Ông Ngô Lê Bằng (trái) là người thân cận nhất bên cạnh HLV Henrique Calisto trong chiến dịch vô địch AFF Cup 2008.

Ký ức đầu tiên với nhà cầm quân “nóng như lửa”

- Trước khi tập trung đội tuyển dự AFF Cup 2018, HLV Park Hang-seo đã thay đổi vị trí trợ lý phiên dịch. Có vẻ như hành trình của ông Park có chút gì đó trùng hợp với HLV Henrique Calisto. Bởi ngày ấy, đội tuyển Việt Nam cũng đổi phiên dịch trước AFF Cup 2008?

- Ngày đó, tôi đang làm Giám đốc kỹ thuật của CLB futsal Thái Sơn Nam. Tôi vẫn nhớ anh Trần Quốc Tuấn gọi điện bảo tôi: “Em mời anh ra đợt này, đội tuyển đang cần người làm việc với HLV Calisto”. Tôi cảm ơn Tuấn và nói mình vui vẻ, sẵn sàng nhận lời. Nhưng Tuấn phải gọi điện nói chuyện với anh Trần Anh Tú (chủ tịch CLB futsal Thái Sơn Nam) đã. Tuấn trả lời luôn: “Cái đó em làm được ngay, anh chuẩn bị lên đường ra Hà Nội luôn nhé”.

Thời điểm ấy là tháng 10/2008 (hơn 1 tháng trước khi AFF Cup khởi tranh - PV).

- Ấn tượng đầu tiên của ông khi gặp “thầy Tô” là gì?

- Thực ra, chúng tôi từng gặp nhau trước đây trong những trận đấu của Long An và Đà Nẵng hồi tôi còn làm trợ lý ngôn ngữ ở Đà Nẵng. Chúng tôi có thể đã bắt tay nhau nhưng ông Calisto có lẽ nghĩ tôi chỉ là một người hâm mộ bình thường. Nên khi hai bên gặp nhau, ông ấy bảo “hình như tôi đã gặp anh ở đâu rồi”.

Nhìn mặt Calisto, người ta biết ngay ông ấy rất có uy. Cái uy ấy phát ra từ vẻ bề ngoài, từ thần thái, giọng nói tới những bộ ria xồm xoàm. Tôi được nghe nhiều câu chuyện về những lần ông ấy tranh cãi cùng người khác. Ai cũng biết ông “Tô” là người rất nóng tính. Nếu không hài lòng ai đó hoặc cái gì đó, ông ấy sẽ “đập” lại ngay.

Có lần tôi khen một cầu thủ. Ông Calisto nghe thấy thì bảo ngay “anh nói câu đó làm tôi thất vọng”. Ông ấy hỏi ngược rằng sao tôi lại khen được cái cầu thủ ấy chứ?

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 2
Ông Ngô Lê Bằng bắt đầu đảm nhiệm công việc phiên dịch cho HLV Calisto một thời gian ngắn trước AFF Cup 2008. Nhưng ông đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình một cách thầm lặng và tận tụy.

- Nghe ông kể, tôi thấy HLV Calisto có vẻ dành nhiều sự quan tâm tới những điều người khác nói. Vậy còn báo chí thì sao? Tôi nhớ rằng báo chí Việt Nam cũng rất quan tâm tới thầy “Tô”?

- Ngày tôi ra Hà Nội, nhiều anh em phóng viên bảo họ thấy lo cho tôi. Vì đội tuyển lúc ấy thua nhiều lắm, không có nổi một trận thắng nào. Ông Calisto từng nói ông ấy không quan tâm báo chí nói gì. Nhưng ngày nào, tôi cũng phải dịch các bài viết cho ông ấy nghe, dịch rất nhiều. Thậm chí có thể nói rằng, tôi đã giỏi tiếng Anh hơn nhờ những bài dịch đó.

Báo giấy ngày ấy rất nhiều trang, dịch khổ lắm vì tôi mới bập bẹ dùng máy tính. Có lần HLV Calisto vừa giơ một bài báo lên, tôi đã nói ngay nội dung chính cho ông ấy nghe luôn. Ông ấy tức tôi và hỏi lại: “Anh đã đọc bài này chưa mà dịch được ngay thế?”. Thật ra là tôi đã đọc bài ấy từ sáng và đã nhẩm trong đầu bài dịch rồi.

HLV Calisto nói ông không quan tâm tới báo chí. Nhưng sự thật là chẳng có HLV nào không quan tâm dư luận đâu. Có đợt một tờ báo viết sai gì đó về ông “Tô”. Từ đó về sau, ông ấy không cho tờ này phỏng vấn nữa. Có lần, nhìn thấy anh phóng viên viết sai kia trong số các phóng viên phỏng vấn, ông Calisto bảo luôn “có anh này thì tôi không nói nữa”. Ông ấy cực đoan tới độ như thế. Lúc ấy, cánh phóng viên đành nháy nhau, bảo anh kia đi để ông Calisto trả lời tiếp.

- Cá tính dữ dội ấy có giúp gì cho HLV Calisto trong hành trình AFF Cup 2008? Tôi nhớ nhiều người từng nói tuyển Việt Nam năm ấy là yếu nhất lịch sử sau chuỗi trận toàn hòa và thua. Ông đã bao giờ thấy HLV Calisto buồn bã hay thất vọng trong thời kỳ đó?

- Chưa từng. Tôi biết ông ấy từng có những thời kỳ khó khăn với Đồng Tâm Long An. Có những đợt, Long An thua liểng xiểng nhưng cuối mùa vẫn vô địch. Tôi biết ông “Tô” sở hữu nhiều điểm mạnh trong đấy có tâm lý vững vàng. Ông ấy luôn tin tưởng vào mục tiêu, tin vào công việc mình đang làm.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 3
Tuyển Việt Nam khởi động AFF Cup 2008 bằng trận thua 0-2 trước Thái Lan. Không nhiều người dám tin rằng đội tuyển thảm bại trước người Thái ấy sau này sẽ lên ngôi vô địch. Ảnh: Hoàng Hà.

Các anh không xứng đáng với tổ tiên

- Đội tuyển Việt Nam mở đầu chiến dịch 2008 bằng trận thua Thái Lan 0-2. Ông Calisto đã phản ứng thế nào sau thất bại ấy?

- Thất bại ấy làm kéo dài chuỗi trận không thắng lên 11 hay 12 gì đó. Trận đầu tiên của giải mà gặp ngay Thái Lan, họ khi đó mạnh quá. Có một câu chuyện rất cảm động ngay ở hành lang khách sạn Radisson (Bangkok) sau trận đấu. Lúc ấy, đội bóng nào cũng được bố trí phòng họp riêng, nhưng HLV Calisto đã nói chuyện với các cầu thủ ngay ở hành lang. Ông ấy mắng xối xả, ông ấy bảo các anh không xứng đáng với tổ tiên, với lịch sử...

- Lúc đó, các cầu thủ phản ứng ra sao?

- Ngồi im hết. Cúi gằm mặt. Nhiều người lau nước mắt. Trận sau đá với Malaysia, mình thắng luôn.

- Ông hẳn đang nói tới trận đấu mà Vũ Phong đã chơi rất hay khi ghi liền 2 bàn, giúp Việt Nam ngược dòng thắng Malaysia 3-2?

- Đúng thế đấy, trận cầu ấy có hai điểm đáng nhớ. Cái đáng nhớ thứ nhất là Thành Lương. Cậu ấy ghi một bàn rất đẹp, rồi kéo lá cờ nhỏ giấu sẵn trong bít tất lên ăn mừng. Bức ảnh ăn mừng của Thành Lương, tôi vẫn còn giữ trong album đến bây giờ.

Đáng nhớ thứ hai là bàn thắng của Vũ Phong. Sau này, chúng tôi đùa với nhau rằng Vũ Phong “phá” đấy chứ không sút. Cậu ấy “phá” thế nào mà bóng rơi trước mặt thủ môn Malaysia, vòng qua đầu rồi bay vào lưới.

Hôm ấy, chẳng may hòa Malaysia là vứt đi rồi vì trước đó chúng ta đã thua Thái Lan. Lúc Phong ghi bàn, tôi với ông Trần Văn Khánh và Phan Thanh Hùng quay ra ôm nhau ăn mừng. Ông Khánh cứ nói đi nói lại: “Thế này là ‘bà’ đấy, ‘bà’ giúp chúng mình đấy”. Đến giờ xem lại, tôi vẫn không hiểu tại sao quả bóng của Vũ Phong lại vào được.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 4
Ông Calisto gặp lại Quang Hải sau 10 năm. Hải “gà” là chủ nhân của bàn thắng duy nhất sau 2 lượt trận bán kết với Singapore năm 2008. Ảnh: Huy Thịnh.

- Ông nói về HLV Calisto với sự thân mật như một người trong gia đình. Đó có phải một điểm mạnh khác của thầy “Tô” - người đã có cả thập kỷ sống ở Việt Nam?

- Tôi nói với anh nhé, vốn bóng đá Việt Nam có lẽ không người ngoại quốc nào bằng ông “Tô” được. Ông ấy dẫn dắt đội tuyển vài lần rồi. Ông ấy dẫn dắt Long An trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Năm tháng và vị trí của mình khiến HLV Calisto va chạm với rất nhiều HLV, với các trận đấu và thăng trầm của V.League. Trong tất cả đời HLV ngoại, về thời gian gắn bó và danh hiệu, ông Calisto chắc chắn là nhất rồi.

- Ta hãy nói về hai trận bán kết với Singapore đi. Tôi nhớ Công Vinh từng bảo đấu với Singapore mới là bước ngoặt trên con đường vô địch của đội tuyển?

- Nói đến việc này thì có nhiều chuyện lắm. Khi chúng ta chuẩn bị trước giải, Singapore có mời Việt Nam đá một trận giao hữu. Đội tuyển hòa Singapore sau đó thua trên chấm luân lưu. Nhưng sau đấy vài hôm, ông Calisto nói với BHL: “Nếu chúng ta đứng thứ nhì, mà tôi tính khả năng ta chỉ nhì được thôi vì Thái Lan mạnh quá. Ta nhì thì sẽ gặp Singapore, họ đá thế này thì không thắng được mình. Giao hữu ta thua nhưng vào giải ta sẽ thắng”.

HLV Calisto bảo “Sing” đá thế này thôi thì chúng ta sẽ thắng họ. Vì họ mệt mỏi nhanh lắm, sức bền yếu, cuối trận không còn là chính mình. Ông “Tô” bảo họ còn đá 3 trận vòng bảng nữa mới gặp mình. Lúc ấy, mình sẽ thắng họ và vào chung kết.

Sau đó thì mình thắng Singapore thật.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 5
Tuyển Thái Lan năm ấy vẫn rất mạnh với những Datsakorn Thonglao, Teerasil Dangda, Teeratep Winothai, Suree Sukha nhưng họ đã không thể thắng được Việt Nam trong cả 2 lượt trận chung kết. Ảnh: Hoàng Hà.

Nếu Công Vinh không ghi bàn ở trận chung kết...

- Vậy là chúng ta gặp lại Thái Lan - đội đã thắng Việt Nam ở ngày mở màn. HLV Calisto đã nói gì với cầu thủ trước trận đấu ấy?

- Trước trận Thái Lan, ông Calisto kể cho cả đội nghe một chuyện. Dù không ai trong chúng tôi chứng kiến được việc đó, ông “Tô” vẫn kể như thật. Ông ấy bảo: “Các anh có biết không? Khi đội mình thắng Singapore, Thái Lan xem TV trận bán kết, họ vỗ tay ôm nhau đấy”. Ông ấy muốn nói các anh xem đi, họ có coi các anh ra cái gì đâu. Chúng tôi hiểu ngay rằng đó là một cách khích tướng của ông ấy.

- Đó có phải là bài “tâm lý chiến” huyền thoại mà mọi người vẫn hay kể lại khi nhớ về HLV Henrique Calisto? Ngoài ví dụ ấy, ông Calisto đã làm tâm lý cho cầu thủ như thế nào?

- Để nói về việc này, phải giải thích một chút. Huấn luyện tâm lý cũng là một trong những nội dung chuẩn bị trận đấu, mà là nội dung rất quan trọng đấy. Việc này ông “Tô” làm rất giỏi. Trước mỗi trận đấu, ông ấy luôn nói chuyện rất hay, rất hào hùng. Có thể nói HLV Calisto là người có tài hùng biện.

Ông ấy cũng biết khích học trò một cách rất tinh tế. Có lần, ông “Tô” mắng một cầu thủ rất nổi tiếng, một ngôi sao của đội tuyển. Ông ấy bảo không phải anh là ngôi sao thì muốn làm gì là làm đâu, mà phải làm theo ý tôi. Thấy ông ấy lớn tiếng với một danh thủ như thế, những người khác sẽ hiểu, sẽ cảm thấy và tin tưởng rằng mình được đối xử công bằng.

Lúc trước, tôi có thời gian làm trợ lý cho HLV Lê Thụy Hải. Ông Hải bảo khi mình đối xử công bằng với tất cả học trò thì đó chính là một liệu pháp tâm lý. Họ sẽ có cảm tình với thầy, sẽ hiểu không ai được làm trái ý HLV trưởng. Ai mà trái ý HLV Calisto, ông ấy đều “sạc” cho ghê lắm.

- Có cầu thủ từng kể họ đã đi bar, nghe nhạc sàn với HLV Calisto. Thực hư chuyện đó thế nào?

- Về việc này, ông ấy từng hỏi tôi: Tại sao lại không nhỉ? Ông ấy bảo nếu mình có thể ngồi đây bên cạnh họ, nếu mình tới những nơi họ nghỉ ngơi, họ uống rượu, uống bia thì tốt quá chứ sao, mình sẽ kiểm soát được họ chứ.

Nhưng tôi chỉ thấy ông ấy đi bar thôi chứ không biết ông ấy có uống rượu không. Tôi từng uống rượu vang với HLV Alfred Riedl, nhưng ông “Tô” thì chưa bao giờ thấy. Có lần ngồi ăn tiệc khai trương quán của Thành Lương, ông ấy cũng chỉ uống mỗi cốc bia.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 6
Lê Công Vinh chỉ ghi 2 bàn trong hành trình huyền thoại ấy. Nhưng cả 2 bàn đều được thực hiện ở các trận chung kết. Đóng góp rất lớn của anh là điều không ai có thể phủ nhận. Ảnh: Hoàng Hà.

- Ta có thể dành một chút thời gian nói về Lê Công Vinh chứ? Khi Công Vinh tịt ngòi suốt 5 trận đầu, ông “Tô” đã động viên anh ta thế nào?

- Bạn biết Công Vinh ngày nay là cầu thủ ghi bàn kỷ lục cho tuyển Việt Nam. Bởi thế, nhiều HLV muốn Công Vinh đá ở trên đỉnh, vị trí cao nhất của hàng công. Số khác lại muốn anh ta đá ngay sau Việt Thắng.

Riêng HLV Calisto, ông muốn Công Vinh đá cánh trái trong sơ đồ 4-1-4-1. Tôi vẫn nhớ cái ngày ông Calisto gọi Công Vinh ra và nói: “Từ nay, tôi muốn xếp anh đá lệch sang cánh trái”.

Công Vinh nghe ông Calisto nói thì giật mình: “Thế ạ?”

Sau nay, tôi vẫn không hiểu cái giật mình ấy là Vinh đang mừng rỡ hay như thế nào nữa. Có vẻ như đấy là cách ông Calisto muốn cởi bỏ trách nhiệm ghi bàn cho Công Vinh.

Năm ấy, vai trò của Công Vinh trong cả giải đấu không được như cậu ta mong đợi. Với một danh thủ, số bàn thắng như thế có lẽ còn ít (Công Vinh ghi 2 bàn trong 2 trận chung kết - PV). Nhưng bàn thắng của Vinh là pha lập công làm nên lịch sử. Bàn thắng của cậu ấy là pha bóng quyết định.

- Nếu không có bàn thắng ấy, chuyện gì sẽ xảy ra trong hiệp phụ?

- Không ai nói ra nhưng chúng tôi đều hiểu nếu đá tiếp, mình sẽ gặp khó khăn với Thái Lan. Thời điểm ấy, nhiều cầu thủ Việt Nam đã mệt lắm rồi, có những người còn bị chuột rút. Sức ép lúc ấy lớn lắm. Nếu ta không thắng được trong hiệp chính, đấu tiếp hiệp phụ với Thái Lan vốn nổi tiếng về thể lực, khả năng thua cao lắm. Bàn thắng của anh Vinh đã giúp chúng ta tránh khỏi cái nguy cơ ấy.

- Những năm tháng sau này bên HLV Calisto, đã bao giờ ông thấy người thuyền trưởng vĩ đại ấy thất vọng, buông xuôi?

- Chỉ một lần duy nhất. Đấy là năm 2009 trong trận chung kết SEA Games mà Việt Nam thua Malaysia. Lúc ấy, Tấn Trường đang bị đau. Bóng bay trúng người Mai Xuân Hợp phản lưới, Tấn Trường đỡ không được. Lúc đấy là cuối trận rồi. Thêm một vài phút trôi qua, ông Calisto quay lại nói với tôi: “Thôi, mình thua trận này rồi”.

Cả đội vẫn tràn hết lên, cố gỡ hòa trong tuyệt vọng. Nhưng tôi đã cảm thấy sự bất lực, chúng ta thế là thua rồi.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 7
Các học trò tung hô HLV Henrique Calisto sau chức vô địch. Đấy là danh hiệu lớn đầu tiên và duy nhất cho tới ngày nay của bóng đá Việt Nam ở đấu trường khu vực. Ảnh: Hoàng Hà.

Alfred Riedl mềm mỏng, Henrique Calisto khắt khe

- Ta sẽ trở lại với một câu chuyện quen thuộc. Ông là một trong số ít người được làm việc với cả HLV Alfred Riedl và Henrique Calisto - những nhà cầm quân thành công bậc nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Ông cảm nhận thế nào về 2 HLV này?

- Tất nhiên, hai người khác nhau sẽ có nhiều điểm khác nhau. Tôi có cảm giác ông Riedl là kiểu người mà nếu các cộng sự không đáp ứng hết các yêu cầu của mình, ông ấy sẽ không phản ứng mạnh. Nhưng có lần ông Riedl từng phạt rất nặng một cầu thủ rồi đó.

Calisto thì khác, không thể như thế với ông ấy đâu. Ông Calisto rất khắt khe trong huấn luyện. Theo tôi, ông ấy có tính mục đích cao hơn. Nhìn các buổi tập của ông ấy, ta sẽ hiểu ngay mục tiêu Calisto đặt ra và cách ông ấy đang làm mọi thứ để đạt được nó. Tính mục tiêu ấy có thể là sự khác biệt giúp ông Calisto thành công nhất. Tôi nói thế này không biết ông Riedl có giận không?

Đương nhiên, ông Riedl cũng rất thành công. Ông ấy đưa đội tuyển đến hạng nhì Tiger Cup 1998, hạng ba AFF Cup 2007, tứ kết Asian Cup 2007.

- Ông có thể kể thêm một ví dụ về sự khác biệt ấy?

- Nói một cách lịch sự là ông Riedl không “đốp” mạnh mẽ như ông Calisto. Nếu đôi bên có sự khác biệt, ông Riedl sẽ tìm cách giải thích cho người đối diện. Ông Calisto thì thuyết phục người khác bằng lý lẽ của riêng mình, bảo vệ cái tôi của ông ấy nhiều hơn.

Ông Riedl có bao giờ cấm phóng viên như ông Calisto đâu? Dù có lần tôi dịch cho Riedl, ông ấy từng hỏi ngược “Are you crazy?” lại với phóng viên.

Có thể nhiều người sẽ đồng tình với cách giải thích này của tôi. Ông Riedl ngày xưa là cầu thủ nổi tiếng nên hành xử theo kiểu danh thủ làm HLV. Ông Calisto thì là một chính trị gia làm HLV.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 8
Ông Ngô Lê Bằng cho rằng HLV Alfred Riedl có phong cách làm việc khác, mềm mỏng hơn so với ông Calisto. Ảnh: Getty.

Ai là người ông Calisto yêu thương nhiều nhất?

- Sau những chiến tích cùng Việt Nam, ông Calisto được rất nhiều học trò yêu quý. Nhưng ai là người ông ấy dành nhiều tình cảm hơn cả?

- HLV Calisto huấn luyện Đồng Tâm Long An và đội tuyển nhiều năm, nên chắc chắn có rất nhiều học trò “ruột”. Nhưng tôi không thấy ông ấy “khen lấy khen để” ai đó trước toàn đội. Ông ấy thường chỉ khen kiểu “Ừ quả này tốt, ừ quả kia tốt” mà thôi. Có một lần duy nhất, đợt ấy không nhớ vì lý do gì mà đội tuyển vắng Tấn Tài. Ông “Tô” bùi ngùi lắm. Trước toàn đội, ông ấy bảo: “Hôm nay không có Tấn Tài”.

Ông ấy còn nói: “Nếu phải dành một ưu ái nào đó cho một người nào đó ở đội tuyển thì đấy chính là Tấn Tài”.

Không có Tấn Tài thì ông ấy mới nói câu đó với toàn đội. Tôi dịch lại nên nhớ rất rõ câu ấy. Ông “Tô” lấy dẫn chứng quả Tấn Tài tranh chấp dẫn tới bàn thắng của Công Vinh ở chung kết lượt đi để khen Tấn Tài là người dũng cảm, cống hiến hết mình cho đội tuyển.

Đương nhiên, không cần tôi kể chuyện này bởi ai cũng biết cá tính của Tấn Tài rồi. Tấn Tài luôn gọi tôi là thầy mặc dù tôi không huấn luyện trực tiếp Tài bao giờ. Sau trận bán kết lượt về thắng Singapore, cậu ấy bảo tôi “thầy Bằng toàn giả nghèo giả khổ, cứ đeo cái đồng hồ xấu”. Rồi Tài dẫn tôi vào cửa hàng ở sân bay, “bắt” mua một cái đồng hồ. Đến hôm nay, tôi vẫn đeo chiếc đồng hồ đó.

Nguoi phien dich va ky uc song mai voi Calisto anh 9
Trong rất nhiều người học trò, ông Calisto đã giành những tình cảm và sự yêu mến đặc biệt cho Lê Tấn Tài (áo phông, kẻ ngang). Ảnh: Huy Thịnh.

- 10 năm đã qua kể từ ngày ông Calisto đưa Việt Nam tới đỉnh vinh quang AFF Cup. Rất nhiều học trò, trợ lý của ông nay đã thành những HLV tên tuổi. Dường như, di sản của ông Calisto vẫn đang hiển hiện ở Việt Nam?

- Tôi nghĩ nhận xét của bạn hoàn toàn chính xác. Như anh Phan Thanh Hùng chẳng hạn, anh ấy ở chung phòng với tôi tại đội tuyển hồi đó. Anh Hùng là trợ lý số một nên đôi khi trực tiếp hướng dẫn các bài tập của đội tuyển. Anh ấy nhiều lần thực hành ngay trên sân các bài tập ấy nên thấm nhuần tư tưởng của thầy. Ngày xưa, anh Hùng hay bảo “những cái thầy dạy hay lắm, những điều này mình áp dụng được”.

Năm 2012, khi lên làm HLV trưởng đội tuyển, anh Hùng từng cố gắng áp dụng triết lý của thầy “Tô”, nhưng đáng tiếc đã thất bại. Nhưng ở V.League, tất cả đều phải công nhận anh Phan Thanh Hùng đã làm được. Lối chơi chung anh ấy tạo ra ở CLB Hà Nội là chịu ảnh hưởng rất lớn từ triết lý của Calisto. Tôi nghĩ không chỉ các trợ lý, mà các cầu thủ thời đó học hỏi được rất nhiều từ thầy “Tô”.

HLV Calisto thích ăn pizza, uống cà phê đen đặc mỗi sáng

Chục năm ở Việt Nam, từng có thời gian dài dẫn dắt Đồng Tâm Long An và tuyển quốc gia, HLV Henrique Calisto đã xem Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Ông Calisto thích ăn pizza, sò, ngao và thường uống cà phê đen, đặc, nhiều đường mỗi buổi sáng. Ông thầy người Bồ Đào Nha cũng rất bình dân, ông có thể ăn uống thoải mái ở những hàng quán bình thường và rất thích nói chuyện, tâm tình với bè bạn.

Mới đây, ông Calisto đã quay lại Việt Nam và có cuộc gặp gỡ đầy xúc động với thế hệ vàng 2008 tại TP.HCM.

Ông Ngô Lê Bằng sinh năm 1955 tại phố Đồng Xuân, Hoàn Kiếm. Ông từng chơi bóng cho đội Quân khu thủ đô trong giai đoạn thập niên 70, đầu 80. Ông Bằng tốt nghiệp Đại học thể dục thể thao quân đội Liên Xô. Sau này, ông Bằng chuyển vào Nam định cư. Hai con gái lớn của ông đều đang ở Mỹ nên ông Bằng thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Việt Nam.

Ông Bằng bắt đầu làm trợ lý ngôn ngữ cho các đội tuyển Việt Nam từ năm 2006. Ông đã được làm việc với nhiều đời HLV trưởng đội tuyển như Alfred Riedl, Henrique Calisto, các HLV nước ngoài dẫn dắt đội tuyển futsal. Ông cũng từng là Tổng thư ký VFF và là một trong những bậc cao niên có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam. Hiện ông Bằng vẫn gắn bó với futsal Việt Nam với nhiều vai trò khác nhau.

HLV Calisto và buổi tối đáng nhớ bên thế hệ vàng 2008

Các cựu danh thủ của đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008 có một buổi tối đáng nhớ khi được ôn lại kỷ niệm cũ bên cạnh một vị khách mời đặc biệt, HLV Henrique Calisto.

Minh Chiến - Bích Hiền

Video: Minh Phúc

Bạn có thể quan tâm