Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Pháp giận dữ sôi sục, nữ giới phẫn nộ gấp đôi

Phụ nữ Pháp thường phải làm việc lâu hơn với mức lương hưu thấp hơn so với nam giới. Do đó, sự tức giận của họ với kế hoạch cải cách hưu trí đang ngày càng tăng.

Phụ nữ Pháp ở tuyến đầu trong các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí. Ảnh: Reuters.

Khi cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu của Tổng thống Emmanuel Macron diễn ra dọc theo Đại lộ Grands ở phía Bắc Paris vào ngày 23/3, một nhóm phụ nữ bắt đầu ca hát và nhảy múa trong đám đông.

Giữa tiếng còi cảnh sát, tiếng hô vang của người biểu tình và lựu đạn hơi cay, một giai điệu quen thuộc vang lên nhưng với những ca từ mới.

Nhóm nhà hoạt động tên Les Rosies - đặt theo tên của Rosie the Riveter, biểu tượng nữ quyền của phụ nữ lao động - đã viết lại bản hit những năm 1990 Freed from Desire của ca sĩ người Italy Gala, với lời bài hát bằng tiếng Pháp.

“Phụ nữ tức giận! Chính phủ đang thất bại! Chúng tôi đang chiến đấu”, họ hát.

Theo đạo luật cải cách hưu trí, Pháp sẽ nâng tuổi nghỉ hưu chính thức từ 62 lên 64 và tăng các khoản đóng góp cần thiết để người lao động được hưởng lương hưu đầy đủ.

Quyết định này đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình giận dữ, đình công, phong tỏa và bạo lực trên khắp nước Pháp suốt nhiều tuần. Trong đó, phụ nữ Pháp đang ở tuyến đầu, theo Guardian.

“Nếu là phụ nữ Pháp, hãy xuống đường biểu tình”

Các lao động nữ, đặc biệt là những người làm công việc bán thời gian và có mức lương thấp, cho biết họ sẽ phải chịu thêm gánh nặng, thậm chí phải làm việc lâu hơn các đồng nghiệp nam chỉ để nhận mức lương hưu thấp hơn.

“Nếu là phụ nữ Pháp, bạn nên xuống đường biểu tình”, bà Fabienne Oudart, một nghệ sĩ 56 tuổi tham gia cuộc tuần hành hôm 23/3 ở Paris, chia sẻ. “Chúng tôi vốn đã kiếm được ít hơn nam giới và điều đó có nghĩa là lương hưu thấp hơn. Cải cách này cho thấy sự thiếu tôn trọng những phụ nữ làm công việc lương thấp và thường là bán thời gian”.

cai cach huu tri anh 1

Cảnh sát chống bạo động Pháp cố gắng dập tắt đám cháy giữa các cuộc đụng độ trong cuộc biểu tình phản đối cải cách lương hưu ở Paris, Pháp, vào ngày 25/3. Ảnh: Reuters.

Bà Pierrette Gobinot, 49 tuổi, cũng tán thành. “Nâng tuổi nghỉ hưu lên 64 là có lỗi gấp đôi với chúng tôi. Ngày nay, nhiều phụ nữ phải nghỉ làm để chăm sóc con cái, điều đó có nghĩa sự nghiệp của chúng tôi bị gián đoạn và thường thiếu 5-6 năm công tác", bà nói.

"Chúng tôi phải làm việc lâu hơn để bù vào khoảng thời gian này nếu muốn nhận đủ lương hưu, và vì lương của chúng tôi thấp hơn nên lương hưu cũng thấp hơn”, bà Gobinot bất bình.

Theo một báo cáo năm 2022 của tổ chức thống kê Insee, những phụ nữ bị gián đoạn sự nghiệp do sinh đẻ hay nuôi con, và những người có mức lương thấp hơn 22% hoặc lương hưu thấp hơn khoảng 40% so với đồng nghiệp nam, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Một báo cáo của Hội đồng Chính sách Lương hưu năm 2022 cũng cho thấy tình trạng nghèo đói ở những người trên 65 tuổi sống một mình đã tăng đều kể từ năm 2016. Tình trạng này đặc biệt cao ở phụ nữ - những người nhận trung bình 1.043 USD/tháng so với 1.746 USD/tháng ở nam giới.

Sự bất bình đẳng được nêu bật vào tháng 1, khi chính phủ trình bày dự luật cùng với báo cáo dài 112 trang chỉ ra các mục tiêu và tác động đến phụ nữ. Báo cáo cho thấy phụ nữ sẽ phải hoãn nghỉ hưu lâu hơn nam giới tới 9 tháng.

Ông Franck Riester, quan chức phụ trách ngoại thương trong chính phủ Pháp, cũng thừa nhận cải cách sẽ có tác động tiêu cực “một chút” đến phụ nữ.

Trong khi đó, các bộ trưởng lập luận rằng dự luật cũng bao gồm một số biện pháp hỗ trợ phụ nữ, bao gồm tăng lương hưu tối thiểu lên 1.291 USD.

Song phụ nữ Pháp không bị thuyết phục. Một cuộc thăm dò gần đây của Elabe cho thấy 74% phụ nữ phản đối cải cách hưu trí, so với 67% ở nam giới.

Sự bất bình đẳng

“Vấn đề lương hưu khuếch đại sự bất bình đẳng về tiền lương”, nhà nghiên cứu Christiane Marty viết trên Le Monde. “Việc công bố mức lương hưu tối thiểu là điều đáng hoan nghênh, nhưng nó vốn đã có trong luật năm 2003 và chưa bao giờ được áp dụng”.

Bà Sophie Binet, Tổng thư ký Công đoàn Lao động Pháp (CGT), cũng cho biết mức lương hưu tối thiểu sẽ chỉ mang lại lợi ích cho một số phụ nữ.

“Có hai điều kiện hưởng mức tăng này: Họ phải làm việc toàn thời gian và đủ 43 năm. Nhưng (trên thực tế), 40% phụ nữ nghỉ hưu với sự nghiệp không trọn vẹn và 30% làm việc bán thời gian”, bà dẫn chứng.

cai cach huu tri anh 2

Một cửa hàng bị cháy và hư hại sau các cuộc đụng độ ở Paris, Pháp vào hôm 24/3. Ảnh: Reuters.

Quy định mới này cũng đặc biệt bất lợi với phụ nữ làm việc trong một số lĩnh vực nhất định.

“Những công việc mà phụ nữ thường làm như y tá, giáo viên và người dọn dẹp có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Chẳng hạn, làm thêm 1-2 năm với công việc đầy thách thức về thể chất này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe của họ”, Elena Bassoli, từ Trường Kinh tế Paris, nói với Euronews.

Bên cạnh vấn đề bình đẳng, việc chính phủ thông qua luật mà không cần bỏ phiếu tại Quốc hội đã dẫn đến sự tức giận của công chúng, khiến nhiều thanh niên xuống đường.

Theo Guardian, ông Macron và các công đoàn dường như tự đẩy mình vào thế bế tắc, không có lối thoát rõ ràng cho cả hai bên. Các cuộc biểu tình đang tiếp tục. Vua Charles III của Vương quốc Anh cũng buộc phải hủy chuyến thăm 3 ngày tới Pháp vì cảnh hỗn loạn.

Nhà khoa học chính trị Dorian Dreuil, từ Quỹ Jean-Jaurès, nhận định cuộc khủng hoảng đã trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của tổng thống Pháp trong xử lý vấn đề.

“Chỉ có một người có thể giải quyết vấn đề này, đó là tổng thống”, ông Dreuil nói, thêm rằng Tổng thống Macron nên đình chỉ luật và đưa ra dự luật mới. “Tôi hy vọng tổng thống có thể cảm nhận và nghe thấy những gì đang xảy ra trong nước”.

Người dân Pháp nổi giận Hơn 300 người đã bị bắt trên khắp nước Pháp khi các cuộc biểu tình lan rộng nhằm phản đối việc chính phủ Pháp thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không bỏ phiếu tại Quốc hội.

Bản sắc Liên minh châu Âu

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Bản sắc cộng đồng của liên minh Châu Âu những vấn đề lý luận và thực tiễn". Cuốn sách tập trung nghiên cứu bản sắc châu Âu trong tiến trình hình thành và phát triển của EU nhằm làm rõ khái niệm bản sắc cộng đồng mới, bản sắc khu vực và đánh giá thực tế vai trò của một bản sắc chung trong tiến trình hội nhập khu vực ở châu Âu.


Tăng tuổi nghỉ hưu, người Pháp vẫn lao động ít hơn nhiều nước khác

Dù người Pháp đang giận dữ trước dự luật hưu trí mới, tuổi nghỉ hưu mới của nước này vẫn thấp hơn mức tiêu chuẩn của châu Âu và nhiều nền kinh tế phát triển khác.

Chiếc đồng hồ xa xỉ và cơn tức giận đang đổ lên Tổng thống Macron

Làn sóng phẫn nộ tại Pháp lúc này không hẳn đến từ nội dung của dự luật nâng tuổi nghỉ hưu, mà từ cách Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ "vượt mặt quốc hội".

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm