Chiều 5/11, tổ liên ngành UBND phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) đi tuần tra, bắt chó chạy rông trên địa bàn.
Lực lượng bắt chó gồm công an, UBND, dân phòng, dân quân tự vệ phường Hiệp Bình Chánh. Ngoài ra, trong tổ còn có một số thành viên của trung tâm huấn luyện chó.
Một con chó chạy rông bị bắt. Ảnh: A.H. |
Lúc 15h, trên đường số 17, phát hiện khoảng 4 con chó chạy rông, hai thành viên của tổ công tác liền cầm vợt lưới vây bắt. Tuy nhiên, những con chó này liền chạy vào nhà và một số người ra can ngăn.
“Tôi vừa mở cửa đi công việc thì chó chạy ra ngoài. Tôi nhốt chó vào nhà liền, mấy anh thông cảm”, người phụ nữ sống trên đường số 17 nói.
Tại công viên trên đường số 16, khu phố 5 (phường Hiệp Bình Chánh), một số người trong lúc dắt chó không có rọ mõm đi dạo liền đưa thú cưng lên xe máy tháo chạy khi thấy tổ công tác. Có 2 con chó vô chủ lang thang tại đây bị tổ công tác bắt gọn.
“Tôi đồng tình việc lực lượng chức năng bắt chó chạy ngoài đường. Chó chạy trên đường không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn phóng uế bừa bãi, mất vệ sinh. Thậm chí, người nếu bị chó cắn và mắc bệnh dại thì rất nguy hiểm”, chị Uyên, ngụ địa phương, nói.
Chó chạy rông được tổ công tác bắt bỏ vào lồng, đưa về trụ sở. Ảnh: A.H. |
Sau 2 giờ tuần tra, hơn 5 con chó chạy rông được lực lượng chức năng phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) bắt giữ, đưa về trụ sở Ban Chỉ huy quân sự phường chăm sóc, chờ chủ con vật đến làm việc.
Ông Võ Nguyên Bình, chuyên viên Phòng Kinh tế TP Thủ Đức, cho biết theo quy định, người chủ để chó chạy rông ra ngoài đường, khu vực công cộng… sẽ bị xử phạt 1,5 triệu đồng. Nếu chó chưa được tiêm phòng dại thì số tiền phạt sẽ tăng thêm.
Sau 48 giờ, chủ chó không đến nhận, UBND phường sẽ tiến hành các thủ tục để đưa đi tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Trước đó, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã nhiều lần phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân việc không thả chó chạy rông và kiến thức về bệnh dại.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.