Ông Phạm Văn Rư, Giám đốc Công ty TNHH Dư Hoài (Sóc Trăng), cho biết thịt gà công nghiệp trước khi xảy ra dịch Covid-19 có giá 33.000-34.000 đồng (loại lông trắng), nhưng hiện nay chỉ còn 13.000-14.000 đồng/kg.
Gà công nghiệp 4 kg/con vẫn chưa xuất chuồng được
Theo ông Rư, gà công nghiệp khó tiêu thụ do một số lò giết mổ lớn tại Tiền Giang, Long An, TP.HCM và khu vực miền Đông tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng dịch Covid-19.
“Người nuôi gà công nghiệp lỗ nặng vì đàn gia cầm số lượng lớn không xuất chuồng được, trong khi vẫn phải tốn thức ăn mỗi ngày. Tại Trà Quýt, huyện Châu Thành, Sóc Trăng, có những chuồng gà mỗi con nặng lên đến 4 kg vì nuôi lâu vẫn không bán được”, ông Rư nói.
Trong lúc trứng gia cầm tăng cao thì thịt gà công nghiệp giảm mạnh. Ảnh: T.Mai. |
Vị doanh nhân có hàng chục năm gắn bó với ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm phân tích giá vốn của mỗi kg gà công nghiệp khoảng 28.000 đồng. Khi giá giảm xuống 13.000 đồng/kg thì người nuôi lỗ 60.000 đồng cho mỗi con gà 4 kg.
“Mỗi con gà lỗ 60.000 đồng nên một trại gà lỗ khoảng 1 tỷ. Từ khi giãn cách xã hội, đầu ra cho gà thịt rất khó vì lò giết mổ đóng cửa, việc vận chuyển không được tốt như trước đây. Giãn cách nên người đi chợ hạn chế và ai cũng nghĩ đến việc ăn món gì cho đơn giản. Vì vậy, mọi người chọn trứng chứ không chọn thịt gà”, ông Rư phân tích.
Theo khảo sát của Zing, chỉ gà nuôi công nghiệp tiêu thụ khó và giá giảm. Chợ truyền thống tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và nhiều nơi khác ở miền Tây vẫn hoạt động bình thường nên giá vịt và gà thả vườn ổn định.
Thịt gà công nghiệp tại các điểm bán lẻ ở miền Tây tiêu thụ chậm. Ảnh: Việt Tường. |
Một tiểu thương kinh doanh gà, vịt tại chợ Bạc Liêu cho biết gà thả vườn làm sạch giá bán trong những ngày qua không thay đổi, dao động 110.000-120.000 đồng/kg. Thịt vịt làm sạch giá bình ổn nhiều tháng nay là 70.000 đồng/kg.
Theo chị Tuyết Mai, tiểu thương tại chợ gia cầm TP Sóc Trăng, giá gà thả vườn còn sống hiện nay 100.000 đồng/kg và vịt 50.000-55.000 đồng. Giá này cao hơn trước thời điểm giãn cách xã hội khoảng 5.000-10.000 đồng/kg do việc vận chuyển gặp khó khăn, trên đường đi gà, vịt chết và các chi phí khác liên quan đến tài xế.
Heo hơi giảm, thịt tại chợ giữ nguyên giá
Ông Phạm Văn Rư cho rằng giá thức ăn gia súc tăng khiến giá thành của thịt heo dao động khoảng 60.000-62.000 đồng/kg. Vì vậy, giá heo hơi giảm xuống 60.000 đồng/kg trong những ngày qua khiến người chăn nuôi không có lãi.
Theo Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Sóc Trăng, tổng đàn heo của địa phương này khoảng 132.800 con và tổng sản lượng đến cuối năm trên 14.700 tấn. Bình quân mỗi tháng, thị trường Sóc Trăng tiêu thụ khoảng 2.500 tấn thịt heo; riêng 14 ngày giãn cách khoảng 1.140 tấn.
Thực tế cho thấy lượng heo giết mổ tại Sóc Trăng chỉ tăng đột biến trước ngày áp dụng Chỉ thị 16. Cụ thể, ngày 18/7, các lò mổ của tỉnh này tiếp nhận 1.203 con heo nhưng ngày 19/7 giảm mạnh còn 336 con. Một ngày sau đó lượng heo được đưa vào lò mổ ở Sóc Trăng chỉ tăng 6 con và hiện nay còn trên 400 con/ngày.
Ông Lý Minh Chánh, Giám đốc Công ty TNHH Vựa heo Tý cho biết doanh nghiệp không còn đưa xe từ Sóc Trăng đến Đồng Nai mua heo nữa, mà chỉ mua tại Hậu Giang. Trước đây, mỗi chuyến xe thu mua gia súc, ông Chánh chi phí hết khoảng 15 triệu đồng nhưng hiện nay tốn gần 25 triệu đồng/chuyến.
Giá heo hơi giảm nhưng thịt heo ngoài chợ vẫn giữ nguyên. Ảnh: Việt Tường. |
Chi phí vận chuyển tăng cao, giá heo hơi giảm nhưng thịt heo tại chợ vẫn giữ nguyên. Ngày 27/7, thịt heo đùi 85.000 đồng/kg, ba rọi 110-115.000 đồng/kg.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết giá thịt heo tại địa phương này giảm nhưng không nhiều vì chợ truyền thống hoạt động ổn định. Tổng đàn heo của tỉnh này khoảng 200.000 con, gia cầm trên 3 triệu con.
“Gà, vịt và thịt heo tiêu thụ chậm một ít nên còn ổn định. Heo công nghiệp của Bạc Liêu chủ yếu của Công ty CP, khoảng 60.000 con nên điều phối tốt nguồn hàng trong tỉnh với dây chuyền sản xuất khép kín. Lò giết mổ gia súc, gia cầm của Bạc Liêu hoạt động theo quy trình, lực lượng chức năng chỉ tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch mỗi ngày”, ông Ly chia sẻ.
Theo ông Lâm Minh Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng, khó khăn của ngành chăn nuôi hiện nay là mỗi tỉnh có hàng chục cơ sở giết mổ và trung chuyển gia súc, gia cầm có công nhân là người từ địa phương khác đến làm việc. Việc này ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giết mổ.
“Do tác động của dịch Covid-19 gây ách tắc trong khâu lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của Sóc Trăng đến các tỉnh lân cận, trong đó có TP.HCM”, ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài việc tìm cách gỡ đầu ra cho gia gia súc, gia cầm trong điều kiện phòng chống Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đề xuất cấp trên có giải pháp linh hoạt để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là mở rộng kênh phân phối đến người dân, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phân phối hàng hóa, kịp thời phục vụ tiêu dùng cả trong thời gian giãn cách xã hội.