Chính sử nhà Nguyễn hầu như không mô tả dung mạo / ngoại hình của vua Gia Long, mà chỉ đề cao một số đức tính của vị vua đầu triều Nguyễn. Tuy nhiên, hậu thế ngày nay vẫn có thể hình dung được diện mạo, cũng như tính cách của vị quân vương này nhờ những ghi chép của người nước ngoài.
Một chiến binh hoàn hảo
Đầu tiên phải kể đến những mô tả vua Gia Long của John Barrow - một nhà du hành, chính trị gia người Anh - trong tập khảo luận Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792-1793) (Nguyễn Thừa Hỷ dịch).
Minh họa vua Gia Long trên trang bìa tiểu thuyết lịch sử Gia Long phục quốc của Tân Dân Tử. Ảnh: T.L. |
Nhà du hành người Anh cho biết: Vóc người của nhà vua cao hơn bình thường một chút, nét mặt cân đối và đáng mến, nước da đỏ hồng, rám sạm nhiều vì thường xuyên dãi dầu nắng gió.
Tác giả cũng cho rằng Nguyễn Ánh - Gia Long là “một chiến binh hoàn hảo”, người dũng cảm mà không liều lĩnh, nhiều mưu lược mỗi khi cần phải vượt khó khăn. John Barrow viết “Ông cư xử quyết đoán, không nản chí trước khó khăn; thận trọng trong quyết định. Trong chiến trận, ông cầm đầu đạo quân, ông luôn hồ hởi, vui tính và quan tâm tới cấp dưới. Người ta nói ông thuộc tên phần lớn những người lính trong quân đội của mình”.
Đối với người ngoại quốc, John Barrow cho biết nhà vua cư xử niềm nở, nhã nhặn. Đặc biệt ông rất quan tâm đến những sĩ quan người Pháp phục vụ ông, đối xử với họ rất lịch thiệp, thân mật và dễ chịu…
John Barrow cũng ấn tượng với hiểu biết về kỹ thuật, khoa học châu Âu của nhà vua, ông cho biết, Gia Long là người tuân thủ lễ nghi về đạo hiếu đã được ghi trong các kinh sách Khổng Tử. Ông hiểu biết kỹ các tác phẩm của những tác giả Trung Hoa xuất sắc. Ông cũng đọc và hiểu nhiều đoạn của bộ bách khoa toàn thư (Encyclopédie) mà giám mục Adran đã dịch sang chữ Hán cho ông. Qua đó, ông nắm vững được không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu, đặc biệt lưu ý những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu.
Sách Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX (Souvenirs des Hue). Ảnh: T.H.B. |
Vóc dáng cao hơn người thường và có vẻ thể lực cường tráng
Michel Đức Chaigneau (Đức) - con trai của Jean-Baptiste Chaigneau, người theo phò vua Gia Long từ lúc còn tranh đấu với nhà Tây Sơn - cũng có những dòng mô tả rất chi tiết về dung mạo của vua Gia Long.
Trong cuốn Hồi ức về Kinh thành Huế đầu thế kỷ XIX (Souvenirs des Hue) (Lê Đức Quang dịch), ông đã ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong lần theo cha (khi đó Jean-Baptiste Chaigneau làm võ quan, chức Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu, được nhà vua trọng dụng) vào cung bái kiến vua Gia Long.
Hôm đó, khoảng 18-19h, Đức theo cha vào cung điện. Cả 2 vào đến căn phòng rộng đã thấy vua Gia Long ngự trên một sập gụ thếp vàng, có trải chiếc chiếu đẹp có viền bằng lụa vàng, với nhiều người hầu đứng phục dịch hai bên.
Đức cho biết, vua Gia Long có vóc dáng cao hơn người thường và có vẻ thể lực cường tráng. Mái đầu bạc của ông cân đối với thân hình. Khuôn mặt đức vua thật uy nghi và thần thái, cho thấy tấm lòng bao dung.
Vua có da sáng, mắt tinh anh, râu bạc trắng, có vẻ rậm hơn người bình thường ở xứ này. Mỗi bên má là một nốt ruồi đen, chung quanh là râu, tạo thành hai núm hai bên, điểm thêm chòm râu lớn nhưng tách biệt.
Vua Gia Long là người có trí tuệ và hoài bão. Do trải qua nhiều gian nan thử thách, ông có sự đúng đắn, chín chắn trong đánh giá người và việc. Vua nắm rõ công việc hành chính vương triều hơn bất cứ vị thượng thư nào.
Đức còn có những mô tả trực diện về tính cách của vua Gia Long (điều mà các sử quan người Việt không dám viết). Chẳng hạn như ông cho biết vua Gia Long là người thích bông đùa và đôi khi buông những lời khiếm nhã. Đức viết “Ngoài công việc trao đổi nghiêm túc, ngài là người vui tính, dễ mến nhất đất nước này: nhiều lúc, do ý thích và ở nơi thân tình, vua thốt ra những lời bông đùa dân dã đến mức làm người nghe phải đỏ mặt.
Ngoài ra, Đức cũng tiết lộ, vua Gia Long là người cũng tương đối nóng nảy, Đức viết: “Nhưng sự lạnh lợi tự nhiên của ngài có thể chuyển từ thái độ nhân từ sang tức giận tột độ mỗi khi lệnh của ngài không được thi hành đúng mức”.
Sách Nam Biều ký. Ảnh: M.C. |
Bên cạnh những mô tả của người Châu Âu, vua Gia Long - Nguyễn Ánh còn được Shihoken Seishi một huyền nhân người Nhật Bản còn sống sót trên con thuyền chở gạo có tên là Daijoumaru cũng mô tả khá kỹ trong cuốn Nam Biều Ký (Nguyễn Mạnh Sơn dịch).
Đó là lần Shihoken Seishi được tiếp kiến chúa Nguyễn Ánh ở thành Gia Định, sau khi thuyền ông gặp nạn được chúa cứu năm 1795.
Shihoken Seishi mô tả chúa Nguyễn Ánh như sau: “Quốc vương lâm điện và ngồi trên chiếc ghế màu đỏ có tựa tay được đặt ở giữa điện, ghế nạm vàng và cẩm thạch. Có hai vị vương tử ngồi hai bên tả hữu. Quốc vương tầm bốn mươi tuổi, mặc trang phục bằng lụa mỏng có vân nổi màu đen, quần dài đen, có hoa văn nổi và có thắt lưng.
Một tiểu đồng đứng sau lưng cầm gươm của quốc vương. Quốc vương quấn trên đầu miếng vải dệt dài khoảng năm thước có chừa ra một khoảng giống như bờm, trên tóc có trâm cài và trên trâm có gắn một cây lược nhỏ bằng vàng”.
Shihoken Seishi cũng cho biết tại cuộc tiếp kiến, chúa Nguyễn Ánh sẵn sàng cấp thuyền cho các thuyền nhân của tàu Daijoumaru trở lại quê hương theo thỉnh cầu của họ. Đồng thời chúa cũng lập tức cử lang y đến chữa trị cho những thuyền nhân bị bệnh.
Tóm lại, những ghi chép của người nước ngoài về vua Gia Long không chỉ giúp đời sau mường tượng rõ hơn về diện mạo cũng như tính cách của vị vua này. Đồng thời với những thông tin thú vị, miêu tả trực diện, những ghi chép này cũng góp phần soi rọi chân dung của nhà vua ở nhiều chiều cạnh.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng!