Giữa tháng 5, trang cá nhân nhiều người nổi tiếng tại Việt Nam đăng bài về tiền mã hóa, bao gồm dự án FXT token đang bị giới chuyên gia đánh giá nhiều rủi ro, nguồn gốc mập mờ. Zing gửi tới bạn đọc bài viết của chuyên gia truyền thông Huỳnh Lê Khánh, đồng sáng lập Golden Stella, Giám đốc điều hành tại Golden Communication Group nói về điều người nổi tiếng nên và không nên làm khi đứng trước các hợp đồng quảng cáo.
Cách đây mấy ngày, có vài anh chị chia sẻ các nghệ sỹ nổi tiếng dám quảng cáo cả viên sủi trị ung thư với cách là "tôi đã dùng rồi". Rồi mấy năm trước là câu chuyện nghệ sỹ nổi tiếng bán hàng kém chất lượng.
Là những người có sức ảnh hưởng, thế mạnh của các bạn chính là sự sáng tạo truyền cảm hứng. Bạn có thể lôi kéo số đông nhờ vào tài năng, kỹ năng, sự đam mê của bạn. Bạn được quan tâm vì bạn vui, giỏi, có chất, đang chia sẻ điều mà đối tượng theo dõi của bạn muốn nghe, xem, bất kể hình thức và nội dung biểu đạt là gì.
Ông Khánh cho rằng người nổi tiếng chỉ nên đại diện cho nội dung mình đam mê. |
Nếu bạn thu hút được đám đông, thương hiệu sẽ cần đến bạn để giúp họ kết nối với khách hàng, chính là những người theo dõi bạn. Tuy nhiên, khi bước vào mối quan hệ hợp tác, tôi nghĩ các bạn sẽ rất thiếu cơ sở dữ liệu để biết và hiểu về một thương hiệu, sản phẩm hay chiến dịch đó có vấn đề gì hay không.
Điều cốt lõi các KOLs (Key opinion leaders - những người nổi tiếng, có ảnh hưởng) nên nhớ chính là "nội dung" và "điểm đam mê". Họ chỉ nên đại diện cho nội dung mình đam mê. Nếu những yêu cầu hợp tác nào không nằm trong hai yếu tố này, hãy thực sự tỉnh táo.
"Nghệ sĩ cần có trách nhiệm với sản phẩm quảng cáo"
Để tránh được những rủi ro trong quảng cáo, bản thân nghệ sỹ cần tự đặt ra cho mình một vài tôn chỉ hoạt động. Tôn chỉ ở đây có thể xuất phát từ thế mạnh nội dung ở lĩnh vực bạn tâm đắc, hay đến từ mong muốn mang giá trị cho người theo dõi.
Tôn chỉ ở đây có thể xuất phát từ thế mạnh nội dung ở lĩnh vực mà bạn tâm đắc, hay đến từ việc mong muốn mang đến giá trị gì cho người theo dõi của mình, định hình bởi động lực và động cơ làm nghề của mỗi cá nhân. Nếu các hoạt động sáng tạo nội dung ekip và bạn đang thực hiện xuất phát từ điều này sẽ giúp bạn có chuẩn mực nhất định và độ ưu tiên sàng lọc nội dung.
Nghe điều này, mọi người có thể thấy sao giống cơ quan báo chí như thế? Đúng, tôi nghĩ các KOLs hãy biết tận dụng lợi thế của mình và bài học kinh nghiệm từ các đơn vị xuất bản thông tin khác. Báo chí có chỗ đứng vững chãi trong xã hội vì họ luôn xác định rõ tôn chỉ hoạt động.
Khi nhận xuất bản nội dung, bản thân bạn và ekip cần xác định rõ nguồn của sản phẩm, thương hiệu. Tôi ít khi thấy các KOLs hỏi thông tin về giấy phép kinh doanh, giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận sản phẩm hay các giấy tờ đảm bảo sản phẩm mình đang nhận để quảng bá là hợp pháp theo luật sở tại.
Hãy là người đồng sản xuất nội dung. Người theo dõi các KOLs khác với fan hâm mộ, họ sẵn sàng tiếp nhận những “đề xuất” dùng thử nếu như đó là sản phẩm nằm trong hạng mục “nội dung” và “điểm đam mê” thực sự của KOLs. Đừng chỉ là kênh "media booking” để rồi khi đó, nội dung về nhãn hàng trên trang của mình trở nên lạc lõng với toàn bộ hệ thống nội dung trước đó.
Kế đến là sự trải nghiệm cùng sản phẩm. KOLs trở thành nghề như hiện nay thực ra bắt nguồn từ việc họ chia sẻ trải nghiệm thực của chính mình. Nên để chắc chắn mình hiểu đúng, nói đúng, nói điều có lợi cho mình, cho người theo dõi và nhãn hàng, hãy thực sự là người dùng hoặc ít nhất đã được tập huấn về sản phẩm thật kỹ.
Tôi vẫn khuyên KOLs Việt Nam nên làm việc với nhà quảng cáo và cần có luật sư tư vấn. Khi bước vào mối quan hệ hợp tác cùng nhãn hàng, các bạn sẽ rất thiếu cơ sở dữ liệu để biết và hiểu về một thương hiệu, sản phẩm hay chiến dịch.
Tôi nói điều này không chủ quan. Ngay cả khi tôi làm việc với các nghệ sỹ có ekip, quản lý và có kinh nghiệm làm việc với nhãn hàng lâu năm, sự hiểu biết này vẫn rất hạn chế. Lí do rất đơn giản, vì bản chất của môi trường làm việc của bạn và thương hiệu khác nhau, nhu cầu và động cơ thúc đẩy sự phát triển của hai môi trường cũng khác nhau.
Quan trọng hơn cả, bạn không sống trong môi trường kinh doanh của thương hiệu, không được tiếp nhận thông tin mỗi ngày, không có đủ mạng lưới kiểm tra, đối chiếu xác minh. Tôi biết, không phải ai cũng có thể làm ngơ trước những con số lớn, với những yêu cầu quá dễ dàng.
"Cần tỉnh táo trước những con số"
Cuối cùng, hãy mạnh dạn từ chối. Trong quá trình tôi làm việc với nhiều KOLs, có những anh chị rất rõ ràng vấn đề này. Họ phần lớn là những tên tuổi lớn, có vị trí lâu năm trong giới chuyên môn và người hâm mộ. Người ta thường gọi họ là một nhân cách lớn. Họ sẽ sẵn sàng từ chối nếu không thấy nội dung đó phù hợp “tôn chỉ” của mình.
Nếu những hợp đồng quá đơn giản với số chi phí cao và được gật đầu quá nhanh, bạn hãy cẩn trọng, vì chắc chắn đằng sau đó tiềm ẩn nhiều điều rủi ro
Mới đây thôi, khi chúng tôi liên hệ với một vài anh chị là MC nổi tiếng của các đài truyền hình để mời hợp tác, nói chuyện về một đề tài xã hội vẫn còn đang bị để ngỏ. Chúng tôi muốn thông qua sự ảnh hưởng về tầm vóc trí tuệ của họ để có thể đưa ra góc nhìn thiện cảm hơn cho nhãn hàng và về loại hình kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều anh chị sau khi tham khảo đã không thấy tự tin để nhận lời.
Khi bị từ chối, có thể cả thương hiệu và nhà quảng cáo đều cảm thấy khó chịu, buồn vì không thể đạt được kỳ vọng. Tuy nhiên sau đó, KOLs có sự tôn trọng của chúng tôi rất lớn. Và đôi khi, bị một người từ chối vì họ thấy yêu cầu của dự án không phù hợp, sự an tâm của nhà quảng cáo với người đó sẽ còn cao hơn một bậc, như điều chúng tôi vẫn thường nói trong nghề là họ làm việc "có tâm".
Hãy thực sự tỉnh táo, vì những con số hợp đồng có thể kéo bạn ra xa số người mà bạn có ảnh hưởng với họ. Nếu những hợp đồng quá đơn giản với số chi phí cao và được gật đầu quá nhanh, hãy cẩn trọng, vì chắc chắn đằng sau đó tiềm ẩn nhiều điều rủi ro.
Những người làm kinh doanh, họ xài tiền hiệu quả đến từng đồng bạc lẻ và mỗi đồng đều phải đáng. Thương hiệu có uy tín sẽ có kiểu của uy tín, và thương hiệu không tên tuổi sẽ có kiểu không tên tuổi.
Với thương hiệu uy tín, cái bạn gặp có thể sẽ chỉ là mệt mỏi về phương thức triển khai hợp đồng, những thứ bạn không có thời gian thảo luận kỹ. Nhưng ở thương hiệu không uy tín, cái bạn vướng vào không chỉ là ảnh hưởng danh tiếng mà còn là pháp lý.