NHỮNG 'NGƯỜI NHỆN' TRÊN VÙNG BIỂN CỰC NAM TỔ QUỐC
Giăng những miệng lưới trên biển khơi để bắt ruốc, cá, tôm là công việc của hàng chục hộ ngư dân ở Cà Mau. Nghề của họ dễ gặp rủi ro do phải đối mặt liên tục với giông, gió, sóng lớn, thậm chí có thể bị thiệt mạng.
Series phim nổi tiếng “Người nhện” kể về Peter Parker, một cậu học sinh nhút nhát, một lần bị loài nhện cắn đã có siêu năng lực thần kỳ. Không ít lần Peter Parker bay nhảy, trèo tường, đu dây, vượt rào… trên không trung đẹp mắt.
Những người đóng đáy hàng khơi cũng chả kém cạnh. Họ di chuyển như làm xiếc trên những sợi dây lênh đênh giữa biển. Các động tác đảo qua, dốc lại thoăn thoắt đầy lành nghề...
Kỳ công cắm cột, dựng chòi trên biển
Người làm đáy hàng khơi (chòi trên biển) ở Cà Mau thường chọn vị trí đóng đáy trên vùng biển cách đất liền khoảng 30 km, mực nước biển sâu khoảng 20 m. Đây là khu vực biển cạn, có khá nhiều loại hải sản để đánh bắt, nhất là ruốc, tôm, cá. Vào những ngày cuối cùng của năm 2018, tôi có dịp đồng hành cùng những người làm đáy hàng khơi ở thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau ra khơi. Những công việc như cắm cột, dựng chòi làm đáy hàng khơi, của họ cho thấy khá nặng nhọc và không dễ dàng thực hiện.
Cột sử dụng để đóng đáy hàng khơi là loại cột gỗ to, chiều dài khoảng 30 mét. Ngư dân thường dùng gỗ kè, gỗ bạch đàn để làm cột. Do yêu cầu cột phải dài vài chục mét, ngư dân buộc phải nối các thân cây gỗ lại với nhau để làm thành một cột có thể dùng để đóng được.
Đã nhiều ngày nay, anh Bảy Thanh (ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm) vật lộn với công việc, chuẩn bị thay thế một số cột đáy vừa bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới gần một tháng trước đó trên vùng biển Cà Mau.
Hôm tôi có mặt, biển nổi sóng. Tuy không quá mạnh nhưng sóng cũng đủ gây thêm phần khó cho đoàn ngư dân. Gần 10 người đàn ông khỏe mạnh tập trung khu vực phía trước boong tàu cá, người thắt dây thừng chịu lực, người điều khiển gốc cột đáy, người điều khiển lực ròng rọc để nâng cột lên theo chiều thẳng đứng, người đứng ngắm để điều chỉnh.
Sau khi cắm cột đáy vào đúng vị trí, công đoạn cuối cùng là dùng dây thừng buộc cố định cột. Khối lượng cây gỗ nặng, việc chắp nối phải cần sự hỗ trợ của thiết bị cẩu xích. Công đoạn nối cây cũng kỳ công và vất vả, nào là dùng ống sắt cố định hai đầu cây nối, nêm gỗ, đổ bê tông, lắp keo…
"Chúng tôi phải nhờ đến mấy mươi lượt người cùng làm mới nối xong mớ cột đáy này. Đừng tưởng đây là công việc đơn giản. Đã có không ít trường hợp cột đáy to tướng nghiêng ngả, đè ngư dân gây thương tích nặng", anh Thanh chia sẻ.
Cột đáy cắm xong, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ Thị trấn Cái Đôi Vài, và một số ngư dân khác cất dựng lại chòi canh đáy hàng khơi. Căn chòi này được cất dạng “treo” trên cột đáy, diện tích chỉ khoảng 9 m2. Anh Hùng nhanh nhẹn đóng sàn, làm trụ vách, chằng buộc chòi vào cột đáy cho chắc chắn. Xong việc, anh lại cùng mấy người khác lợp lá chòi. Đây cũng là công đoạn cuối cùng để hoàn thành chòi canh đáy.
Công việc này dù không nặng nhọc như cắm cột đáy nhưng mất nhiều thời gian, đồng thời đòi hỏi phải có kinh nghiệm mới làm được một chòi đảm bảo chắc chắn. Đây cũng là nơi “che mưa che nắng” của anh và 2 bạn chòi khác trong những ngày lênh đênh trên biển.
Bán mặt cho biển, bán lưng cho trời
Anh Trần Văn Nhận, ngụ khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, là người chuyên lái tàu phục vụ nghề đáy hàng khơi. Hơn 15 năm gắn bó với những chuyến đi biển, anh hiểu và chia sẻ tường tận những sự cơ cực, nguy hiểm của nghề. Theo anh, họ rất siêng năng, luôn phải “bán mặt cho biển, bán lưng cho trời”.
Có 2 nhóm lao động: Nhóm 1 đi theo ghe vận chuyển ruốc, cá, tôm đánh bắt được từ biển vào đất liền, sau đó trở ra biển mang theo lương thực, nước uống cho nhóm lao động thứ 2, đó là những bạn chòi - những người canh giữ đáy và trông con nước để quyết định buông đáy hay kéo đáy. Nhóm thứ 2 thường ở ngoài biển khơi khoảng 10 ngày, sau đó được chủ đáy cho vào đất liền nghỉ ngơi 3-4 ngày rồi tiếp tục chuyến đi biển mới.
Anh Đoàn Hữu Vĩnh (khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm) đã có hơn 15 năm làm bạn chòi đáy hàng khơi cho rằng dù là bạn chòi hay bạn ghe, người làm nghề đều phải cật lực lao động, công việc thường nặng nhọc. Các hoạt động diễn ra chủ yếu ngoài biển khơi với sóng to, gió lớn, làm việc cả ngày lẫn đêm.
“Chỉ những người có sức khỏe, gan dạ, không bị say sóng biển thì mới làm được nghề”, anh Vĩnh khẳng định. Thông thường, từ tháng 9 năm này đến tháng 6 năm sau là thời điểm nghề đáy hàng khơi hoạt động nhộn nhịp và hiệu quả. Những tháng khác họ hầu như nghỉ.
Mấy ngày trên biển khơi, anh Vĩnh và những người bạn chòi làm việc cả ngày lẫn đêm. Tùy vào con nước, và thông thường nhất vào khoảng 5-6h chiều anh thả đáy, đến khoảng 2-3h sáng hôm sau là thời điểm kéo đáy. Vào lúc mặt trời mọc anh Vĩnh thả đáy, rồi kéo đáy vào lúc 2-3h chiều.
Công việc rất nặng nhọc, các anh đều phải gập người lên sườn dây thừng, dùng sức của đôi tay, đôi chân để kéo những miệng đáy, có khi khối lượng lên đến hàng trăm kg.
Còn đối với việc thả đáy, đây là công việc nhẹ nhàng hơn nhưng vẫn không đơn giản. Công việc này cần được thực hiện đúng thời điểm, đúng kỹ thuật mới có thể giăng bắt được nhiều hải sản.
Người bạn ghe kiểu như Trần Văn Nhận cũng làm việc hết công suất. Anh vất vả vượt biển sóng từ đất liền ra khơi, sau hơn 2 giờ đồng hồ tới điểm đóng đáy hàng khơi. Thời điểm bạn chòi kéo đáy cũng là lúc những người khác tất bật với việc đổ đáy, thu gom hải sản lên ghe. Công việc này nặng nhọc và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa người điều khiển dây ròng rọc, người thắt nút dây đáy, người dùng lực đẩy đục đáy để tuôn hải sản từ đáy ra boong ghe.
Khi đổ xong hết đáy, ghe được điều khiển trở lại đất liền và bán hải sản cho thương lái. Thời gian nghỉ ngơi rất ít, công việc cứ liên tục, họ tất bật ăn cơm ngay trên ghe, bữa ăn đạm bạc và chóng vánh.
Như người nhện trên biển
Những người bạn chòi như anh Vĩnh, anh Kiệt, anh Hùng (cùng ngụ thị trấn Cái Đôi Vàm) quá quen thuộc với cách di chuyển trên dây, từ cột đáy này sang cột đáy khác mà không chút e dè, dẫu bên dưới là biển, là sóng lớn. Ngẫu hứng, các anh còn trổ tài xoay người, đảo người trên dây thừng một cách điêu luyện.
Anh Hùng, một bạn chòi có thâm niên làm nghề, đã lão luyện trong những bước di chuyển của mình chia sẻ về những ngày đầu tiên làm nghề. Anh rất run để đi trên dây, nhất là khi biển sóng lớn.
"Tôi cũng từng ngã xuống biển khá nhiều lần khi đó, nhưng đều tự trèo lên được, hoặc mấy anh em bạn chòi khác quăng dây thừng cho bám vào. Vì mưu sinh, buộc tôi phải vững tâm lý và học cách đi cho thành thạo. Mới đó mà đã 21 năm trời, nhanh thật", người đàn ông dạn dày sóng nước trầm ngâm.
Cũng theo anh Hùng, để di chuyển được trên dây thừng thành thạo, vấn đề cần nhất là người đó phải vững tâm lý, có thời gian luyện tập di chuyển, có sức khỏe.
“Mắt luôn nhìn về hướng phía trước dây, nhưng vẫn phải cảm nhận chính xác vị trí để khỏi trượt chân. Tay cần nắm chính xác dây để giữ thăng bằng, rồi dùng chân di chuyển”, anh nói.
Ba người sống trên chòi 9 m2
Anh Vĩnh, anh Hùng, anh Kiệt là 3 bạn chòi được chủ đáy hàng khơi bố trí ở cùng nhau trên một chòi canh đáy ngoài biển khơi. Căn chòi của 3 anh ở có diện tích sàn khoảng 9 m2. Chòi lợp lá dừa nước, xung quanh được che kín cũng bằng loại lá này. Phía ngoài lớp lá, các anh dùng những tấm nhựa để che chắn, vừa giúp cố định lá, vừa làm cho bên trong căn chòi chật hẹp trở nên mát mẻ hơn.
Ngoài những lúc thả đáy và kéo đáy, các anh về chòi ăn uống, có chút thời gian thì ngủ hoặc chơi trò gì đó giải trí. Mất khoảng 20 phút và được sự trợ giúp của mấy anh em bạn chòi, tôi lên được trên “căn nhà” bé nhỏ của các anh.
Nó bé nhỏ, chỉ đủ chỗ cho 3 người ngồi ăn cơm. Khi nằm nghỉ, một vài người trong số mấy anh em bạn chòi phải gập người, gập chân vì không gian chật chội.
Trong căn nhà nhỏ này, có bếp gas nấu ăn, chăn mền, vài ba túi đồ nhỏ được buộc dây và treo vào những góc cao trên mái chòi để tiết kiệm diện tích. Anh Kiệt kể trước khi làm nghề này, lúc đó còn là thanh niên chưa vợ, anh không quen ngủ chung với bất kỳ ai, hễ đụng chân đụng tay là không ngủ được.
“Nhưng giờ thì mọi thứ đã rất dễ dàng, chân tay cứ gác, cứ đụng, vì không thể khác hơn được”, anh cười nói.
Câu chuyện thật thà của anh Kiệt trở thành trò vui cho anh Vĩnh và anh Hùng châm chọc. Đôi lúc, anh Kiệt lấy điện thoại (có sẵn pin dự phòng, vì trên chòi không có điện) gọi cho người thân. Anh Hùng và anh Vĩnh nằm gần bên lại đùa rằng anh Kiệt đang nói chuyện với “bồ nhí”. Các anh trêu nhau không hồi kết.
Không gian chòi chật hẹp thế này, các anh muốn riêng tư cũng không thể được. Việc gì một người biết là hai người còn lại sẽ biết. Ấy vậy mà hơn 10 năm nay, họ đã gắn bó cùng nhau trên chòi và trở thành những người tri kỷ từ lúc nào không hay.
Tranh thủ khoảng 30 phút nữa là đến giờ kéo đáy buổi trưa, 3 anh chơi đánh bài ăn quỳ trong căn chòi của mình. Những câu nói “sát phạt” nhau, những tiếng cười cứ vang vang và dĩ nhiên, tất cả đều rất thoải mái.