Bước xuống nhà ga ở tây nam Tokyo, hai người đàn ông bắt đầu xô xát. Người lớn tuổi đẩy người thanh niên xuống đường ray. Họ xích mích vì một người nghe nhạc qua tai nghe quá to.
Cảm thấy chưa đủ, người đàn ông lớn tuổi tiến đến và đá tới tấp vào đầu người thanh niên đang cố bò ra khỏi đường ray. Người đàn ông lớn hơn đã bị cảnh sát bắt giữ ngày 8/6.
Cùng ngày, cảnh sát cũng bắt giữ Yutaka Arai, 71 tuổi, ở quận Adachi thuộc Tokyo, sau khi ông này để lá thư vào hòm thư của hàng xóm: “Đừng để lũ trẻ la hét nữa. Nếu không, có chuyện xảy ra cũng đừng trách”.
Ông Arai đã phủ nhận đó là một lời đe dọa, nhưng chính quyền muốn ngăn chặn mọi nguy cơ. Một hikikomori (người sống cô độc) đầu tháng này đã tấn công một nhóm trẻ em và phụ huynh đang đợi xe buýt ở thành phố Kawasaki, giết chết một bé gái và cha rồi dùng dao tự sát.
Với một đất nước nổi tiếng với sự nể nang, những tin hành hung nói trên trên báo chí Nhật dường như cho thấy người Nhật đang trở nên thiếu kiềm chế, dễ giận dữ hơn, theo South China Morning Post.
Một người đang cầu nguyện cạnh hiện trường vụ đâm dao ở Kawasaki ngày 4/6. Ảnh: Kyodo. |
Người Nhật sống gấp gáp hơn
Masakatsu Yamamoto, ở tuổi gần 50 và đang làm việc cho một công ty ở Tokyo, nhận xét những vụ gây gổ, hành hung trên báo chí là vấn đề mà nơi nào cũng có. Song chúng gây chú ý hơn, và có tính thời sự hơn ở Nhật Bản, vì chúng trái ngược với hình ảnh một xã hội Nhật yên bình và tôn trọng người khác.
“Tôi thấy xã hội ngày càng sống gấp gáp hơn do công nghệ, truyền thông, nhắn tin, điện thoại thông minh - và con người không có thời gian đợi người khác giải thích nữa”, ông nói với SCMP. “Chúng ta đòi hỏi ngay tức thì, và trở nên thiếu cảm thông hơn khi không được như ý”.
Ông Yamamoto cũng cảm nhận được việc người Nhật ngày càng ít cảm thấy họ “thuộc về” một xã hội, một cộng đồng nào đó, hay thậm chí một gia đình.
Khi còn nhỏ, ông sẽ đến công viên và gặp bạn bè. Đến tuổi này, ông gặp gỡ người mới ở quán bar và nhà hàng.
“Tôi nghĩ nhiều người không gặp gỡ trực tiếp người khác nhiều như trước”, ông Yamamoto nói. “Họ có thể liên lạc với nhau qua màn hình, và họ đang có xu hướng làm vậy, nhưng sẽ không có sự kết nối”.
Mỗi khi một vụ hành hung nhiều người xảy ra ở Nhật Bản, truyền thông quốc tế đều mô tả các vụ bạo lực như vậy ở Nhật là “hiếm hoi”. Ảnh: Getty Images. |
Xã hội cạnh tranh, gây nhiều mâu thuẫn
Mieko Nakabayashi, một cựu chính khách đang giảng dạy tại trường khoa học xã hội thuộc Đại học Waseda ở Tokyo, nói bà cảm thấy xã hội Nhật Bản đa phần vẫn có sự tôn trọng, nhưng điều đó đang dần thay đổi.
“Tôi thấy người ta giận dữ vì những chuyện rất nhỏ”, bà nói với SCMP. “Tôi cảm thấy mọi người có nhiều mâu thuẫn hơn và dù đó chưa phải là vấn đề quá lớn, tôi thấy nó đang tệ đi và khiến tôi lo lắng cho tương lai”.
“Tôi nghĩ xã hội ngày càng cạnh tranh, dẫn đến mâu thuẫn và căng thẳng, và kinh tế của chúng ta không mạnh như trong quá khứ”, bà chia sẻ.
Quan điểm này được thể hiện trong Khảo sát Quốc tế về Cuộc sống và Hy vọng năm 2015. Theo đó, tỷ lệ người cảm thấy “rất vui” ở Nhật chỉ là 18,5% so với 23,8% ở Anh và 33,2% ở Mỹ.
Về hy vọng cho tương lai, tỷ lệ ở Nhật chỉ là 54,5%, so với 86,7% ở Anh và 93% ở Mỹ. Thậm chí, số người cho biết không có chút hy vọng vào tương lai lên tới 45,5% ở Nhật so với 7% ở Mỹ.
“Nhiều người không thấy tương lai tươi sáng như thế hệ trước, và có thể họ thất vọng”, giáo sư Nakabayashi từ ĐH Waseda cho biết.
Theo giáo sư Nakabayashi, xã hội ngày càng gấp gáp khiến người Nhật căng thẳng và dễ mâu thuẫn hơn. Ảnh: Bloomberg. |
Tương lai ảm đạm, lương hưu không đủ
Ken Kato, một tiểu thương ở Tokyo, nói thế hệ trẻ Nhật lo lắng về thu nhập, đặc biệt những người làm việc bán thời gian, không có hợp đồng dài hạn. Trước mắt họ là tương lai ảm đạm của một nước Nhật ngày càng nhiều người già, mà người trẻ sau này khó lòng hỗ trợ đủ về mặt tài chính.
“Ngày trước, một công ty như một gia đình, và có thể đảm bảo cuộc sống cho nhân viên cho đến khi họ nghỉ hưu”, ông nói với SCMP. “Điều này không còn đúng, và ngày càng dễ mất việc, người trẻ bất an, trở nên căng thẳng”.
Theo số liệu của chính phủ, số trẻ mới sinh trong năm tài khóa 2018 ở Nhật, 918.397 bé, là thấp nhất kể từ năm 1899. Trong khi đó, 1,36 triệu người qua đời, lập kỷ lục mới từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Như vậy dân số Nhật mất đi hơn 444.085 người - lần đầu tiên vượt qua mức 400.000.
Chính phủ Nhật ngày 11/6 rút lại một báo cáo kết luận hệ thống lương hưu của nhà nước không thể hỗ trợ tất cả người già, càng khiến dư luận nước này lo ngại. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói bản báo cáo đã “gây lo ngại cực đoan và hiểu lầm, đi ngược lại chính sách của chính phủ".
“Hệ thống lương hưu của nhà nước sẽ không bao giờ sụp đổ”, ông Aso nói.
Song báo cáo này, của một cơ quan tài chính thuộc chính phủ Nhật, ước tính một trên bốn người Nhật sẽ sống đến 95 tuổi, và một cặp vợ chồng ở tuổi này sẽ cần thêm ít nhất 20 triệu yen (185.000 USD) tài sản để bù thêm vào lương hưu mà họ đáng được hưởng.
Báo cáo khuyên mọi người phải lên kế hoạch kỹ lưỡng cho việc nghỉ hưu và quản lý tài sản, đầu tư trước cho những năm xế chiều.