“Hiện nay, nhiều công ty Nhật Bản đến Việt Nam đầu tư làm nông nghiệp ngày càng nhiều, để tận dụng các FTA, sau đó họ xuất khẩu trở lại chính quốc. Ví như Nhật trồng gừng, bưởi, chăn nuôi gà ở Nghệ An. Tại Lâm Đồng họ trồng rau quả sạch…”, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), thông tin tại hội thảo tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức chiều 26/11.
Người Nhật làm nông nghiệp ở Việt Nam
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), người đã trực tiếp tham gia nhiều đoàn đàm phán FTA (Hiệp định thương mại) của Việt Nam, cho biết các FTA đang tạo ra nhiều cơ hội cho hàng nông sản.
Điển hình như CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), hàng loạt nông sản xuất khẩu của các thành viên được giảm thuế về 0% sau một lộ trình nhất định. Ví dụ Canada sẽ xóa bỏ 100% các loại thuế đánh vào xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Nhật Bản cho phép 91% các mặt hàng thủy sản, 91% sản phẩm đồ gỗ, 78% nông sản của Việt Nam về 0% ngay lập tức.
Còn tại hiệp định EVFTA với châu Âu, các loại thuế thuế sẽ giảm trong khoảng 7-10 năm tới. Nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0-4%% ngay lập tức như hạt tiêu (hiện nay là 0-11%). Gạo tấm xuất khẩu, các sản phẩm từ hạt cũng được giảm về 0%. Với thủy sản, 50% dòng thuế sẽ bị xóa bỏ.
Người Nhật đến Lâm Đồng đầu tư nông nghiệp ngày càng nhiều. Ảnh: Báo Lâm Đồng. |
Ông Ngô Chung Khanh chỉ ra đây là cơ hội rất lớn cho hàng nông sản Việt Nam. Các sản phẩm nông sản sẽ có cơ hội mở thêm thị trường. Một số nước Việt Nam đã có FTA song phương như Nhật Bản, Australia, New Zealand… cũng sẽ cam kết ưu đãi hơn nữa.
Ông cũng chỉ ra cơ hội sâu xa hơn, bền vững hơn là các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thiết lập cơ sở sản xuất để xuất khẩu trở lại chính quốc. Các dự án sẽ giúp người nông dân Việt Nam nâng cao trình độ, được hưởng lợi.
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng các FTA thế hệ mới sẽ là cơ hội để ngành nông nghiệp cải cách thể chế, gỡ bỏ nhiều vướng mắc, giúp đầu tư hiệu quả hơn.
Cần xây dựng luật nông dân cho thuê lại đất
Trong khi đó tham luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lại chỉ ra những khó khăn, vướng mắc mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là việc tích tụ đất đai, sản xuất theo quy mô lớn. Ông Đinh Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Bộ KH&ĐT đề xuất cần sửa toàn diện các luật liên quan đến nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ông cũng cho rằng chính sách đất đai cũng cần thay đổi trong thời kỳ mới, đặc biệt là quan điểm về an ninh lương thực. Hiện tại chúng ta vẫn đang tranh cãi 3 triệu ha, 3,4 hay 3,8 triệu ha đất dành cho nông nghiệp có phù hợp hay không. Nếu không có thể giảm xuống để các địa phương cần đất cho mục đích khác có thể sử dụng, tránh kìm hãm sự phát triển.
Ngoài ra, ông Minh đề xuất cần xây dựng một đạo luật nông dân cho thuê lại đất, đảm bảo tích tụ đất đai, nhưng người dân vẫn đảm bảo quyền lợi.
“Nếu như chúng ta dùng dự án thu hồi đất của dân, một thời gian sau người dân có thể mất tư liệu sản xuất. Nếu không thu hồi thì lại không thể xây dựng hàng hóa quy mô lớn. Nhật Bản đã có kinh nghiệm người nông dân cho thuê lại quy mô lớn nhưng họ không mất đất. Cái này cần học hỏi”, ông nói.
Bộ KH&ĐT cho biết sẽ sớm có luật về việc nông dân cho thuê lại đất. Ảnh: Việt Hùng. |
Đại diện Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa hấp dẫn, còn chậm nghiên cứu sửa đổi, chưa theo kịp xu hướng thế giới. Ông đề nghị trong thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng nêu ra những khó khăn khi cho vay hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Theo đó ngành nông nghiệp có thị trường tiêu thụ chưa ổn định, đối mặt thiên tai, dịch bệnh, rủi ro lớn trong khi hiệu quả kinh tế không cao bằng các ngành khác.
Ông đề xuất cần phải có cơ chế hạn chế rủi ro, điển hình là phát triển bảo hiểm nông nghiệp. Từ đó, các ngân hàng sẽ mạnh dạn đẩy mạnh hơn nữa việc cho vay, hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực đẩy mạnh hỗ trợ các ngân hàng thương mại ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp.
Hội thảo "tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" là một trong 3 hội thảo được Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ tổ chức.
Các cuộc hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Sáng 25/11, Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.