Nhiều người nói rằng họ không thể mua iPhone 14 mới vì quá đắt. Ảnh: Patently Apple. |
Trong nhiều năm qua, người Nhật luôn thích mua những thiết bị công nghệ đời mới nhất, đặc biệt là smartphone. Nhưng trong bối cảnh tình trạng đồng yen liên tục mất giá, iPhone 14 đã trở thành một xa xỉ phẩm với họ. Người dùng tại quốc gia này đang có xu hướng chuyển sang mua điện thoại đã qua sử dụng, Reuters cho biết.
Theo trang tin, đồng yen đã rớt giá xuống mức thấp nhất 32 năm so với USD, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Các chuyên gia trong ngành cho rằng người Nhật đang dần chọn mua những sản phẩm đã qua sử dụng thông qua các sàn thương mại trực tuyến.
Không mua iPhone 14 vì quá đắt
Tại Nhật Bản, Apple đã đột ngột tăng giá dòng iPhone 13 cơ bản vào tháng 7. Đến tháng 9, iPhone 14 lại được ra mắt với mức giá cao hơn 20% so với thế hệ trước ở Nhật, dù giá bán tại Mỹ vẫn giữ nguyên 799 USD cho phiên bản thấp nhất.
Kể từ đầu năm đến nay, đồng yen đã mất giá 22% so với USD. Những nhân tố này chính là lý do khiến iPhone 14 mới không còn là lựa chọn hàng đầu của người dân Nhật Bản.
Trong báo cáo được công bố vào tháng trước, Apple cho biết tính đến ngày 24/9, doanh số iPhone tại Nhật Bản đã sụt giảm 9%. Trong khi đó, lượng smartphone cũ bán ra lại tăng 15%, đạt mức 2,1 triệu thiết bị trong năm 2021 và dự tính chạm mốc 3,4 triệu chiếc vào năm 2026, theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường MM Research Institute.
Chia sẻ với Reuters, Kaoru Nagase cho biết anh muốn mua điện thoại mới nhưng không đủ tiền mua iPhone 14 có giá lên đến 119.800 yen (814 USD). Vì thế, anh đã quyết định mua một chiếc iPhone SE 2 trên phố chuyên bán đồ điện tử Akihabara với mức giá chỉ bằng 1/3.
iPhone cũ trở thành lựa chọn của nhiều người Nhật vì mức giá phải chăng và hiệu năng tốt. Ảnh: Reuters. |
“iPhone 14 bán với giá hơn 100.000 yen là quá đắt nên tôi không thể nào mua nổi. Nếu nó có thể trụ suốt 10 năm thì chừng đó tiền cũng tạm chấp nhận được”, người đàn ông chia sẻ. Với Nagase, mặc dù đã ra mắt từ 2 năm trước và không có camera kép như iPhone 14, iPhone SE 2 vẫn là một “món hời” xét về cả giá tiền và tính năng.
Một người dùng khác là Taishin Chonan (23 tuổi) đã mua một chiếc iPhone 13 cũ để làm điện thoại dự phòng sau khi chiếc iPhone 7 trước đó của anh bị vỡ màn hình. Anh cho biết chiếc smartphone mới này có màn hình độ phân giải cao hơn, viên pin tốt hơn và camera tân tiến hơn máy cũ của mình.
“Từ trước đến nay tôi toàn mua điện thoại mới. Đây là lần đầu tiên tôi mua hàng đã qua sử dụng vì iPhone mới quá đắt”, Chonan cho biết.
iPhone cũ lên ngôi
Theo Reuters, mặc dù tăng giá, Nhật Bản vẫn là quốc gia có giá bán iPhone 14 rẻ nhất khi tính cả thuế. Bên cạnh đó, iPhone cũng chiếm đến hơn 50% thị phần smartphone của quốc gia này, theo MM Research Institute.
Tuy nhiên, tình trạng đồng yen mất giá có thể sẽ khiến Apple tiếp tục tăng giá một lần nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị phần của Apple tại Nhật Bản, các nhà phân tích nhận định.
Mức giá hơn 100.000 yen là một “rào cản tâm lý” rất lớn, khiến các nhà bán lẻ ngại nhập iPhone 14, CEO Daisuke Inoue của Belong, cho biết. Nói với Reuters, ông cho biết công ty chuyên bán điện thoại, máy tính bảng cũ trực tuyến và trực thuộc Itochu, tập đoàn đầu tư thương mại tổng hợp bậc nhất tại Nhật Bản.
Theo ông Inoue, kể từ khi Apple tăng giá iPhone hồi tháng 7, giá bán trên sàn thương mại điện tử Nicosuma của Belong đã tăng gấp 3 lần so với giá bán trong vòng 3 tháng trước đó. Trong khi đó, tại trụ sở Belong ở Tokyo, các lô hàng thiết bị đã qua sử dụng liên tục được các nhân viên mở hộp, phân loại và tân trang như mới để bán lại cho khách hàng.
Những chiếc smartphone này sau khi tân trang sẽ được chụp lại dưới nhiều góc độ khác nhau và đăng tải lên các trang thương mại điện tử. Công ty Belong còn sử dụng mạng lưới toàn cầu của tập đoàn Itochu để nhập nguồn máy cũ từ trong nước hoặc nước ngoài miễn là mức giá phải chăng.
iPhone cũ sẽ được các cửa hàng nhập về, tân trang và rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Reuters. |
Đôi khi Belong cũng nhập hàng từ các doanh nghiệp như máy tính bảng đã qua sử dụng tại quầy thu ngân ở các quán cafe hoặc màn hình cũ lắp trên xe taxi, CEO Daisuke Inoue của Belong cho biết.
Trước đây, người Nhật thường rất nghi ngờ về những mặt hàng đã qua sử dụng, đặc biệt là các thiết bị điện tử nhưng gần đây, điều này đã thay đổi. Những trang thương mại điện tử như Mercari đã ghi nhận doanh số smartphone cũ tăng cao.
Bên cạnh đó, chính sách mở cửa du lịch của Nhật Bản cũng là một nhân tố thúc đẩy thị trường iPhone cũ. Nhà bán lẻ Iosys cho biết số du khách mua iPhone ở cửa hàng của họ đã tăng mạnh trong hai tháng trở lại đây. “Đồng yen ngày một mất giá, khiến trào lưu đến Nhật Bản để mua iPhone dần trở lại”, Giám đốc Takashi Okuno của Iosys chia sẻ.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.