Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nghi nhiễm Ebola bị cách ly có giấu bệnh?

Bệnh nhân Chung đã hoàn toàn âm tính với virus Ebola. Nhưng câu chuyện đặt ra là tại sao người này quá cảnh 4 sân bay quốc tế về đến Việt Nam mà không bị phát hiện?

Hành trình trở về từ Guinea của anh Chu Văn Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) bắt đầu từ 27/10. Sau 5 ngày, Chung về đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Tính tổng cộng, kể từ rời Guinea (thuộc châu Phi), anh Chung đã đi qua 4 sân bay quốc tế cả nước ngoài lẫn Việt Nam.

Cụ thể khi từ Guinea đến Maroco và quá cảnh ở sân bay Casablanca, anh Chung bị trễ chuyến bay nên phải ở lại đây hơn 2 ngày 2 đêm. Tiếp đó, anh di chuyển từ sân bay Casablanca đến sân bay quốc tế Doha của Qatar.

Cuộc chạy đua nghẹt thở với ca nghi nhiễm Ebola

Trong vài giờ, bệnh nhân Chung được khám, điều tra dịch tễ rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Ngành y tế thành phố ngay lập tức bị đặt trong tình trạng báo động.

Chung cho biết tại các sân bay ở Guinea, Morocco và Qatar đều được lực lượng an ninh theo dõi rất kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, hầu hết hành khách phải kiểm tra tình trạng sức khỏe bởi các camera và máy đo thân nhiệt. 

“Nếu máy đo thân nhiệt phát hiện nhiệt độ cơ thể vượt mức cho phép, an ninh hàng không sẽ không cho hành khách lên máy bay”, anh Chung nói.

Bệnh nhân Chung kể lại quá trình di chuyển từ Guinea về Việt Nam.

Cũng theo anh Chung khi quá cảnh ở các sân bay nói trên, sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có dấu hiệu nào cho thấy bị sốt. Về tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một lần nữa máy đo thân nhiệt vẫn không phát hiện vấn đề gì đối với hành khách này. 

"Khi đi qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, sức khỏe của tôi vẫn bình thường. Các máy đo thân nhiệt cũng thể hiện tôi không có dấu hiệu bị sốt", anh Chung nói và cho hay tại sân bay này anh cũng đã được kiểm tra thân nhiệt và làm tờ khai y tế.

24 giờ bị cách ly của người nghi nhiễm Ebola

"Trong 24 giờ bị cách ly, bên cạnh sự lo lắng về tính mạng, tôi cũng sợ bị mang tiếng là người mang virus Ebola từ vùng có dịch về nước", anh Chung tâm sự.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến - Phó Giám đốc Sở y tế Đà Nẵng - thông tin từ tờ khai y tế này chưa đến được Đà Nẵng kịp thời nên mới có chuyện anh Chung "lọt" qua vòng kiểm tra sức khỏe ở sân bay Đà Nẵng. 

"Nếu biết hành khách vừa trở về từ vùng dịch, tại sân bay, cán bộ y tế Đà Nẵng sẽ tiếp cận và đến tận chỗ ở của hành khách để tư vấn, có kế hoạch theo dõi và giám sát sức khỏe, chứ không để xảy ra tình huống như vừa qua", bà Yến khẳng định.

"Tôi không giấu bệnh"

Hai ngày qua, trên một số phương tiện thông tin nói anh Chung đã không thành thật khai báo Hải quan và che giấu bệnh để quá cảnh qua 4 sân bay quốc tế về Việt Nam. Là người đầu tiên khám cho bệnh nhân Chung, bác sĩ Lê Thành Quyền (Khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng) cho biết khi nhận bệnh, anh Chung sốt đến 40,5 độ.

Sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ Quyền phát hiện có nhiều bất thường đối với bệnh nhân này. Bác sĩ cho rằng, khi nhập viện bệnh nhân không khai báo thành thật về việc mới từ vùng có dịch Ebola về Việt Nam. 

"Lúc đầu bệnh nhân chỉ nói từ Qatar về TP.HCM rồi ra Đà Nẵng 2 ngày trước nên tôi đặt tình huống anh ta bị sốt rét hoặc sốt xuất huyết", bác sĩ nói.

Một lúc sau, bác sĩ Quyền gọi anh Trường (bạn của Chung) lên hỏi thì người này nói bệnh nhân vừa từ Guinea (cách vùng dịch Ebola bùng phát 300 km) về. Lập tức, bác sĩ Quyền báo cáo lên giám đốc bệnh viện và bệnh nhân được chuyển qua khu vực cách ly. 

Đón nhận thông tin này, anh Chung cho biết: "Tôi cũng như bao người khác, sợ chết lắm chứ. Làm gì có chuyện biết bệnh tình của mình rồi giấu để lọt qua các sân bay. Mà nếu có ý định giấu thì cũng không được vì sẽ bị hệ thống giám sát, camera đo thân nhiệt phát hiện".

Anh Chung cũng bác lại một số thông tin cho rằng trong thời gian quá cảnh ở một số sân bay nước ngoài, anh đã bị sốt và uống thuốc hạ nhiệt để được lên máy bay về Việt Nam. 

"Khi vào bệnh viện Hoàn Mỹ khám, bác sĩ có hỏi về các triệu chứng của tôi và hỏi ở đâu đến... Lúc đó, tôi nói là bị nóng, đau đầu và hơi chóng mặt. Tôi cũng trả lời bác sĩ là mới từ TP.HCM ra Đà Nẵng thăm bạn. Nghe vậy, bác sĩ không hỏi gì thêm", anh Chung thuật lại.

Cũng theo anh này, mọi thông tin về về lịch trình di chuyển từ Guinea về Việt Nam đều được ghi rất rõ trong các tờ khai y tế và nó cũng thể hiện trong hộ chiếu. "Do đó, không thể nói tôi không khai lịch trình để giấu bệnh", anh Chung nói và cho biết tại bệnh viện Hoàn Mỹ, anh không nói mình từ Guinea về vì bác sĩ không hỏi cụ thể. 

Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ thắt chặt giám sát sau “nghi vấn Ebola”.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tăng cường giám sát sau ca nghi vấn Ebola.

"Nếu giấu bệnh thì tôi sẽ gặp bất lợi trong quá trình khám, điều trị. Tôi có lợi lộc gì trong chuyện này đâu mà phải làm thế. Nói vậy là oan cho tôi", anh Chung nói.

Theo Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, hoạt động giám sát dịch Ebola được tăng cường từ 1/11, nhằm phát hiện những trường hợp bất thường, đặc biệt là những chuyến bay trở về từ vùng có dịch. Việc giám sát không chỉ được thực hiện chặt chẽ ngay tại sân bay, mà còn kiểm tra lịch trình của hành khách quốc tế trước khi đến Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng.

Hiện Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng đã trang bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn nhanh, lập đường dây nóng và tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Đà Nẵng tại cửa khẩu.

Bệnh nhân ở Đà Nẵng an toàn với virus Ebola

Ngành y tế Đà Nẵng thở phào khi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo bệnh nhân Chung âm tính với virus Ebola.

Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm