Sau khi được các bác sĩ bệnh viện đa Khoa Đà Nẵng thông báo âm tính với Ebola sau 3 lần xét nghiệm, anh Chu Văn Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) lập tức gọi điện về cho mọi người trong gia đình báo tin vui.
Sáng 3/11, tại khoa Y học Nhiệt đới bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, anh Chung đã tỉnh táo hoàn toàn. Trò chuyện với phóng viên, anh kể cách đây 2 năm rời quê Thanh Hóa sang Guinea (thuộc châu Phi) làm việc với hy vọng khi về nước có ít vốn để xây dựng sự nghiệp.Ngày 27/10, khi hết hợp đồng lao động, anh Chung và nhiều công nhân về nước. Trong thời gian 5 ngày từ Guinea về Việt Nam, anh đã quá cảnh Maroc và Qatar, đến 31/10 mọi người đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Anh Chung cho biết bên cạnh sự lo lắng về sức khỏe thì cũng rất sợ bị mang tiếng là người mang mầm dịch Ebola về quê nhà. |
"Lúc xuống máy bay, sức khỏe tôi bình thường. Nhưng khi đến khách sạn nghỉ ngơi thì thấy trong người có dấu hiệu bị sốt. Sau khi uống thuốc hạ sốt, tôi tỉnh táo trở lại nên nghĩ chỉ bị mệt do di chuyển nhiều ngày. Do đó, sáng hôm sau tôi bay ra Đà Nẵng để thăm bạn", anh Chung kể.
Ngày đầu ra Đà Nẵng, anh Chung đi chơi nhiều nơi cùng bạn bè. Tuy nhiên, đến khoảng 10h ngày 1/10, thấy trong người có dấu hiệu bị sốt cao nên anh được đưa vào bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng kiểm tra sức khỏe.
"Đến 10h30 cùng ngày, tôi bất ngờ được các bác sĩ thông báo phải chuyển sang bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng để cách ly do nghi nhiễm virus Ebola. Lúc này, tôi như rã rời vì lo sợ. Bởi qua báo chí, tôi biết bệnh này rất nguy hiểm cho mình và cộng đồng", anh Chung nhớ lại lúc đón nhận hung dữ.
Từ 11h30 ngày 1/11 đến 6h ngày 2/10, anh liên tục bị sốt cao, người co giật mạnh. Trong đêm đầu tiên nằm tại bệnh viện Đà Nẵng, thanh niên này lên cơn sốt đến 5 lần, mỗi lần kéo dài 30 phút. Nhiệt độ đo được liên tục ở mức trên 40 độ C, toàn thân ướt đẫm mồ hôi.
"Trong suốt hơn 24 giờ bị cách ly trong bệnh viện, tôi rất hoang mang, lo sợ. Bên cạnh sự lo lắng cho tính mạng, tôi cũng sợ nếu bị nhiễm Ebola vô tình mình trở thành tội đồ vì mang dịch về quê nhà. Nếu điều đó xảy ra, tôi sẽ ân hận suốt đời”, anh Chung tâm sự.
Bác sĩ Phạm Ngọc Hàm - trưởng khoa Y học Nhiệt đới, bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng - cho biết trong suốt hơn 24 giờ từ khi nhập viện, bệnh nhân Chung được cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tại khoa Y học Nhiệt đới, ngoài đội ngũ y, bác sỹ, Chung không được phép tiếp xúc với bất cứ ai.Bệnh nhân Chung kể lại 24 giờ bị cách ly. |
Thậm chí, đến 9h ngày 2/11, sau 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả 99% âm tính với dịch Ebola, anh Chung vẫn bị cách ly, theo dõi và điều trị theo phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm lần cuối cùng, anh bớt lo hơn trước, nhưng vẫn thấy sợ và chỉ biết tự an ủi rằng "sống chết có số". "Đến 16h ngày 2/11, khi bác sĩ Hàm vào thông báo 'cháu bị sốt nặng chứ không nhiễm Ebola' thì tôi như chết đi sống lại", người bị nghi nhiễm Ebola nói.
Tại quê nhà Thanh Hóa, khi nhận thông tin con mình bị nghi nhiễm Ebola, ông Chu Văn Minh (61 tuổi, bố anh Chung) và tất cả thành viên trong gia đình như ngồi trên lửa.
"Tối 1/11, khi mọi người xem thời sự mới biết Chung bị nghi nhiễm Ebola. Suốt đêm đó, mọi người trong gia thức trắng, mong cho trời mau sáng để vào Đà Nẵng chăm con. Rất may, sáng hôm sau bệnh viện gọi điện về báo tin Chung âm tính với dịch bệnh, gia đình tôi vỡ òa trong hạnh phúc”, ông Minh nói với phóng viên qua điện thoại.
Chiều 2/11, Sở Y tế TP.Đà Nẵng chính thức khẳng định bệnh nhân Chung không bị nhiễm Ebola như nghi ngờ trước đó. Kết luận này dựa trên 3 kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương gồm Real-time PCR, PCR lần 1 và PCR lần 2.
Lệnh cách ly đối với bệnh nhân và nhân viên y tế theo dõi tại khoa Y học nhiệt đới bệnh viện Đà Nẵng được gỡ bỏ. Tuy nhiên, theo quy trình, bệnh nhân Chung vẫn tiếp tục được theo dõi trong vòng 21 ngày kể từ khi trở về từ vùng dịch.