Sáng 2/11, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, sau 2 lần làm xét nghiệm Viện dịch tễ trung ương đều kết luận, 99% bệnh nhân Chung (26 tuổi, trú xã Quảng Cát, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) âm tính với dịch Ebola.
Tuy nhiên, hiện Viện này vẫn đang tiến hành làm xét nghiệm lần thứ 3 mới có kết luận cuối cùng là bệnh nhân Chung có hoàn toàn âm tính với virus Ebola hay không.
Theo vị Phó giám đốc, dù bệnh nhân này còn 1% nguy cơ nhiễm virus Ebola vẫn phải đề phòng. Hiện các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng đã được huy động để trực chiến 24/24 để theo dõi diễn biến tình trạng bệnh nhân.
Bệnh nhân Chung hiện đang được cách ly hoàn toàn ở Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng để theo dõi.
"Về điều trị, chúng tôi đang điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế theo hướng bệnh nhân này bị sốt rét. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẵn sàng thuốc men, trang thiết bị, vật tư để điều trị cho bệnh nhân theo hướng bị nhiễm virus Ebola”, bác sĩ Yến nói.
Hiện bệnh nhân Chung vẫn đang ở khu vực cách ly và được các bác sĩ theo dõi 24/24. |
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam (người trực tiếp theo dõi và điều trị cho bệnh nhân Chung từ tối 1/11) cho biết, bệnh nhân đã tỉnh táo trở lại, nhiệt độ sốt cũng đã giảm xuống còn khoảng 38-39 độ C.
“Với kết quả xét nghiệm của Viện dịch tễ trung ương cũng như quá trình theo dõi bệnh nhân, chúng tôi thấy bệnh nhân này có khả năng bị sốt rét cao hơn nguy cơ nhiễm virus Ebola”, bác sĩ Nam nhận định.
Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh, Giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, không giấu sựsự vui mừng khi nhận được tin từ Viện dịch tể Trung ương.
"Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ một số nước có dịch bệnh này hoành hành, chúng tôi vẫn phải cắt cử lực lượng theo dõi chặt và không cho phép bất cứ sự chủ quan nào. Bởi theo kết quả xét nghiệm thì bệnh nhân này vẫn đang còn 1% chưa xác định được âm tính hay dương tính”, bác sĩ Thạnh nói.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết sau hai lần xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Chu Văn Chung đều có kết quả 99% âm tính với dịch Ebola. |
Trước đó, lúc 10h30 cùng ngày, Bệnh viên Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Chung với những triệu chứng nghi nhiễm virus Ebola. Bệnh nhân này đã từng sống và làm việc 2 năm tại Guinea. Cách đây 5 ngày, bệnh nhân về Việt Nam nhập cảnh qua sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Sau khi từ TP.HCM về Đà Nẵng được 2 ngày thì bệnh nhân bị sốt.
Theo ghi nhận tại bệnh án của bệnh viện, bệnh nhân Chung có các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, khát nước nhiều, mạch 80 lần/phút, thân nhiệt lên tới 40,5 độ C, huyết áp 140 trên 80.
Bệnh nhân Chung khai báo từng đi về từ vùng có dịch Ebola và trên đường về Việt Nam đã quá cảnh qua Marốc và Qatar nên bệnh viện Hoàn Mỹ phải chuyển bệnh nhân này sang Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng theo quy định.
Tiếp nhận bệnh nhân Chung, Ban giám đốc bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng lập tức đưa vào phòng cách ly, đồng thời tiến hành chẩn đoán và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.