Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nghèo mất 'cần câu cơm' sau vụ cháy 300 xe ở Sài Gòn

Nhiều gia đình nghèo dựa vào chiếc xích lô, 3 gác máy để mưu sinh, nhưng nay phải lao đao vì "cần câu cơm" bị thiêu rụi trong vụ hỏa hoạn tại bãi giữ xe vào ngày 5/4.

Căn phòng trọ chưa đầy 10 m2 sâu hun hút trong một con hẻm nhỏ trên đường Cao Lỗ (quận 8, TP.HCM) là nơi trú ngụ của ông Nguyễn Thanh Hoàng (61 tuổi, làm nghề đạp xích lô) và mẹ già (cụ Phạm Thị Ba, 87 tuổi).

Gương mặt sạm đen, rắn rỏi vì sương gió nhưng ông Hoàng cũng không giấu được nỗi buồn từ ngày chiếc xích lô - cần câu cơm - duy nhất của mình bị cháy rụi trong vụ hỏa hoạn tại bãi xe trên đường Cao Lỗ.

Ông Hoàng cùng mẹ già tại căn phòng trọ của mình thuê. Những ngày sắp tới, hai mẹ con ông Hoàng vẫn chưa biết làm gì để mưu sinh.
Ông Hoàng cùng mẹ tại phòng trọ. Những ngày sắp tới, ông chưa biết làm gì để kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già.
Ông nhớ lại: “Trưa hôm đó, tui chở hàng cho khách về đường Phạm Thế Hiển, sau đó gửi xe vào bãi để về nhà xem mẹ ăn cơm, uống thuốc chưa và nghỉ ngơi chút, chiều chạy thêm vài "cuốc" nữa. Nhưng lúc mới thiu thiu ngủ thì có người trong xóm chạy đến báo tin bãi xe bị cháy, ra xem chiếc xích lô có làm sao không. Lúc tui chạy bộ đến nơi thì chiếc xe chỉ còn trơ khung”.

Thường ngày, ông Hoàng bắt đầu đạp xích lô từ bãi qua chợ An Đông (quận 5) chở hàng, ai kêu gì chở nấy. Mỗi ngày ông kiếm được 100.000 - 150.000 đồng. Với số tiền mồ hôi nước mắt này, ông trả nhà trọ khoảng 1,5 triệu, số còn lại chi tiêu vào việc ăn uống, thuốc men cho mẹ già.

Từ ngày xe bị cháy, cuộc sống của 2 mẹ con ông lâm vào cảnh khốn đốn. Không có xe chở hàng, tiền dành dụm cũng không có, mấy ngày nay ông dùng số gạo mua trước đó, vài ngày nữa sẽ hết.

Hình ảnh chiếc xích lô của ông Hoàng cháy trơ khung trong ngày bãi xe gặp hỏa hoạn.
Chiếc xích lô của ông Hoàng bị cháy trơ khung.

“Hôm thấy chiếc xe làm mồi cho lửa, mẹ tui cũng rất buồn và chỉ nói một câu là 'mẹ như mất một đứa con rồi'. Mẹ tui coi chiếc xích lô như con bởi nó nuôi sống cả gia đình nhiều năm nay”, ông Hoàng kể.

Người dân quanh khu vực cho biết ông có vợ con, nhưng không hiểu sao họ bỏ đi đến nay đã mười mấy năm. Hàng ngày, dù mưa hay nắng, ông vẫn đạp xích lô đi làm kiếm tiền phụng dưỡng mẹ già.

“Cụ Ba bị lãng tai, ông Hoàng phải nói thật to cụ mới nghe. Người mới đến nghe tiếng ông nói như quát với mẹ cứ tưởng đứa con bất hiếu, nhưng thật ra ông ấy phụng dưỡng mẹ già chu đáo lắm”, một hàng xóm ông Hoàng cho biết.

Hàng trăm chiếc xe máy ở Sài Gòn bị thiêu rụi

Bãi giữ hơn 500 xe máy và ôtô bất ngờ bốc cháy dữ dội lúc 14h ngày 5/4. Đường Cao Lỗ (quận 8, TP.HCM) bị phong tỏa hoàn toàn để cơ quan chức năng tiến hành chữa cháy.

Ông Hoàng kể: “Tui chạy xích lô được 20 năm rồi, chỉ mong kiếm đủ tiền trang trải cho 2 mẹ con. Mỗi chiều đi làm về tui gửi xe ở bãi với giá 90.000 đồng/tháng. Các đây 3 năm, tui đem xe về phòng trọ xích lại, nhưng bị kẻ gian cắt xích lấy mất. Bà con hàng xóm thương tình quyên góp cho tiền mua lại chiếc khác để mưu sinh. Không ngờ đã nghèo còn gặp cái eo. Trước đó mọi người đã giúp rồi nên giờ tui chẳng dám mở miệng nhờ vả ai nữa”.

“Chiếc xe trị giá khoảng 4 triệu đồng. Ngày bị cháy, tui có gặp chủ bãi để mong được đền bù nhưng anh ta nói cũng đang lâm vào cảnh khốn đốn, gia sản tiêu tan, nợ hàng tỷ đồng nên chưa có tiền. Họ khó khăn nhưng cuộc sống tui cũng khốn khổ, những ngày tới chẳng biết sống làm sao", người chạy xích lô nói.

Xe bán nước giải khát cùng nhiều bàn ghế của bà Bao gửi trong bãi xe bị cháy rụi, biến dạng.
Xe bán nước cùng nhiều bàn ghế của bà Bao bị cháy rụi.

Cũng bị thiệt hại nặng trong vụ cháy là bà Võ Thị Bao (60 tuổi). Bà có xe nước giải khát, xe bánh mì cùng nhiều bàn ghế gửi trong bãi bị cháy trơ khung.

Bà Bao cho biết mỗi ngày vợ chồng buôn bán gần cổng bệnh viện quận 8, đến chiều đẩy xe gửi vào bãi với giá 250.000 đồng/tháng. Sau ngày bị cháy, mất đi phương tiện mưu sinh, gia đình lâm vào cảnh điêu đứng. Không thể ngồi chờ đền bù, vợ chồng bà đi vay mượn khắp nơi mua lại đồ đạt để tiếp tục buôn bán.

"Tui hỏi chủ bãi, nhưng giờ họ chưa có tiền đền thì biết làm sao được. Chúng tôi phải đi vay mượn để tiếp tục kiếm sống chứ chờ đợi đến bao giờ. Vợ chồng tui phải vừa làm vừa trả nợ, chỉ mong sinh sống được qua ngày", bà Bao cho biết.

'Tôi bán mạng cũng không đủ tiền đền 300 xe bị cháy'

Của cải hơn 10 năm làm lụng, tích cóp của anh Võ Trung Nhân bỗng chốc tan thành mây khói sau vụ cháy gần 300 xe máy, chưa kể khoản đền bù hàng tỷ đồng.

Còn ông Lê Ngọc Dũng (thường gọi Tư Hồng, 49 tuổi, hành nghề xe 3 gác), cho biết xe ông tuy không cháy rụi nhưng bộ phận máy hỏng hoàn toàn. Ông mang xe về nhà, gom góp tiền và vay mượn để sửa hết 8 triệu đồng.

Về việc đền bù thiệt hại, ông Dũng nói: "Tui biết nó (anh Võ Trung Nhân - chủ bãi xe bị cháy) lâu rồi, tai họa ập đến không ai muốn. Giờ mình cực nhưng nó càng khổ, nên tôi mới quyết định mang xe về tự sửa để tiếp tục làm ăn. Khi nào nó gượng dậy, khấm khá hơn thì đền lại cũng được. Giờ nếu đòi thì nó cũng đâu có tiền mà đưa cho mình".

Chiếc xe ba gác của ông Dũng chỉ còn nguyên vẹn phần thùng hàng.
Thùng hàng của chiếc xe ông Dũng còn nguyên nhưng bộ phận máy thì cháy rụi.

Trường Nguyên

Bạn có thể quan tâm