Theo CNN, hai ngày qua Jeetender Mahender - một công nhân vệ sinh tại Dalit - không thể rời khỏi nhà trong khu ổ chuột Valmiki tại phía bắc Mumbai trừ lúc đi vệ sinh.
Mahender gần như tuyệt vọng vì sống trong khu ổ chuột thiếu nước sinh hoạt và nhà vệ sinh, thiếu thức ăn cho các thành viên trong gia đình, và anh có tiền lương vì không thể đi làm.
Mahender không phải là người duy nhất gặp khó khăn với lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày của Thủ tướng Narendra Modi. Ấn Độ đã ghi nhận 1.024 trường hợp nhiễm bệnh và 27 trường hợp tử vong vì dịch viêm phổi cấp chủng mới. "Tất cả phải cách ly xã hội", ông Modi nhấn mạnh.
Cách ly là điều tương đối dễ dàng với tầng lớp trung và thượng lưu của Ấn Độ. Ở trong nhà, họ có thực phẩm dự trữ và dùng máy vi tính để làm việc từ xa. Nhưng với 74 triệu người (1/6 dân số Ấn Độ) sống chen chúc trong các khu ổ chuột, cách ly xã hội là nhiệm vụ bất khả thi, đặc biệt vì vấn đề kinh tế.
Tại các khu ổ chuột Ấn Độ, vài chục người phải dùng chung một toilet, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo virus Covid-19. Ảnh: CNN. |
1440 người dùng chung một toilet
"Lối đi trong khu ổ chuột rất hẹp, chúng tôi không thể không va chạm nhau. Chúng tôi sử dụng nhà vệ sinh chung và có 20 gia đình sống gần nhà tôi. Nếu một người nhiễm virus, tất cả đều mắc bệnh", Mahender than thở.
Đến nay, ít nhất một người ở khu ổ chuột Mumbai đã nhiễm virus corona chủng mới. Tâm lý sợ hãi lan rộng, hàng nghìn lao động nhập cư trốn chạy khỏi các khu ổ chuột để về quê bằng xe buýt hoặc phương tiện cá nhân, dẫn tới nguy cơ "xuất khẩu" virus về miền quê.
Nước sạch là lý do người nghèo Ấn Độ buộc phải ra khỏi nhà hàng ngày. Sia, công nhân xây dựng ở Gurugram, luôn thức dậy lúc 5h mỗi sáng để xách nước từ bể nước công cộng. Bể này phục vụ 70 công nhân xây dựng nhập cư.
Tương tự Sia, phần lớn phụ nữ sống trong các khu ổ chuột phải rời nhà hàng ngày để hứng nước sạch. Không có phòng tắm và vòi sen trong nhà, bể nước công cộng là nguồn nước sạch duy nhất của họ.
Khảo sát mới đây của CFS cho thấy tại khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai, trung bình 1.440 cư dân sử dụng chung một nhà vệ sinh. Có tới 78% nhà vệ sinh công cộng tại các khu ổ chuột Mumbai thiếu nước sạch.
Người lao động nghèo sống trong các khu ổ chuột ở Ấn Độ buộc phải đi làm mới có tiền để sống. Ảnh: CNN. |
Một số nghiên cứu cho thấy virus corona chủng mới tồn tại trong phân người. Do đó, việc rất đông người sử dụng chung một nhà vệ sinh khiến sẽ dẫn tới nguy cơ lây nhiễm tràn lan.
Ngoài nước sạch, lý do thứ hai buộc người nghèo Ấn Độ phải ra khỏi nhà là công ăn việc làm. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thu nhập của công nhân nhập Ấn Độ dao động ở mức 138-499 rupee (1,84-5,97 USD)/ngày, chỉ đủ để họ cầm cự qua ngày.
"Người lao động nhập cư không có thu nhập nếu không đi làm", CNN dẫn lời nhà kinh tế Arun Kumar cho biết. "Các chuỗi cung ứng tê liệt khiến nhiều người mất việc làm. Họ không có tiền mua tích trữ nhu yếu phẩm và thực phẩm".
Ở nhà sẽ đói
Giáo viên Sonia Manikraj sống ở khu ổ chuột Dharavi than thở: "Hàng ngày tôi buộc phải ra khỏi nhà để mua thức ăn. Các cửa hàng thực phẩm ở đây chỉ mở cửa từ 11h đến 15h, người xếp hàng rất đông".
Nhìn chung, người lao động nghèo Ấn Độ đối mặt với thế lưỡng nan: ra khỏi nhà làm việc, có nguy cơ nhiễm bệnh hoặc ở nhà và bị cái đói hành hạ. Một số không có sự lựa chọn nào khác. Ví dụ công nhân vệ sinh vẫn phải làm việc.
"Họ phải đi làm hàng ngày. Nhiều người dọn rác ở bệnh viện và quay trở về ngủ trong các khu ổ chuột. Họ không được trang bị đồ bảo hộ như khẩu trang và găng tay, cũng không được hướng dẫn cách phòng chống virus", ông Milind Ranade, người sáng lập một tổ chức lao động ở Mumbai, cho biết.
Chuyên gia Kumar cho rằng chính phủ Ấn Độ cần đẩy mạnh xét nghiệm virus. Tính đến ngày 29/3, chính quyền quốc gia 1,3 tỷ dân mới xét nghiệm cho 34.931 người. Chi phí xét nghiệm tại bệnh viện tư hoặc phòng thí nghiệm lên đến 60 USD/người, trong khi xét nghiệm miễn phí tại bệnh viện công rất hạn chế.
Mahender kể anh kiếm được 66 USD/tháng để nuôi gia đình 6 người. “Tôi không được phát khẩu trang hay găng tay khi làm việc, thậm chí không có xà bông để rửa tay. Nhưng nếu tôi không làm việc, ngay ngày mai họ sẽ đuổi tôi và thuê người khác”, Mahender nói.
Tuyến đường sắt tạm thời đóng cửa, nhiều người nghèo tại Ấn Độ đi bộ hàng trăm km để về quê trốn dịch. Ảnh: CNN. |
Ngoài khả năng lây lan virus ở các khu ổ chuột, Ấn Độ còn đối mặt nguy cơ dịch bệnh theo chân công nhân nhập cư từ Mumbai về các vùng nông thôn. Sau vụ một người ở khu ổ chuột Mumbai mắc bệnh, hàng nghìn công nhân nhập cư đã lên xe buýt, thậm chí cuốc bộ về quê.
Cuối tuần trước, chính quyền các bang Uttar Pradesh, Bihar và Haryana sắp xếp hàng trăm xe buýt chở công nhân về quê, gây cảnh hỗn loạn ở các bến xe. Tuy nhiên, Thủ tướng Modi ra lệnh chính quyền các bang chặn đứng dòng người về quê để ngăn dịch lây lan.
Sia không thể bắt xe buýt về quê. "Tôi đã mất việc và không có thu nhập suốt 20 ngày qua. Trước đó mỗi ngày tôi kiếm được 5 USD nên không có tiền tiết kiệm giúp gia đình cầm cự qua dịch bệnh", cô kể.
"Nếu tất cả mọi thứ bị đóng băng, gia đình tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sống lay lắt trong khu ổ chuột bẩn thỉu này", Sia buồn bã nói.