Lili Mullane, một người dân địa phương ở cảng Hokianga tại Northland thuộc New Zealand, cho biết cô và nhóm của mình đang xuống vùng nước gần lối vào bến cảng phía bắc vào khoảng nửa đêm để bắt cá bơn, thì thấy nước bắt đầu dâng lên nhanh trong vòng vài phút.
Phút tiếp theo, nước bắt đầu rút về khoảng 50 m và xung quanh khô cạn, báo hiệu sóng thần sắp ập tới.
“Những gì tôi nhớ là bạn tôi hét lên ‘chạy đi’”.
“Trong vòng vài phút, nước đã ngập đến eo của chúng tôi. Trời tối, chúng tôi có đuốc và đèn pha nhưng tất cả những gì tôi có thể thấy là nước xung quanh và chúng tôi chỉ chạy”.
Một ngọn núi lửa dưới biển ở Tonga đã phun trào vào ngày 15/1, dẫn đến các con sóng thần cao đến 1,2 m. Lệnh sơ tán được ban hành trên bờ biển Tonga, một số hòn đảo Nam Thái Bình Dương, và tại nhiều quốc gia khác.
Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương ở Hawaii, Mỹ, xác nhận vụ phun trào đã tạo nên cột khói cao gần 20 km.
Trong khi một số vùng và quốc gia đã báo cáo thiệt hại từ sóng lớn do vụ phun trào núi lửa, các nước láng giềng vẫn chưa thể liên lạc với Tonga để xác định tình hình.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai phun trào ngày 15/1. Ảnh: AFP. |
Nhiều nước báo cáo thiệt hại hàng triệu USD
Mỹ kêu gọi người dân trên bờ biển Thái Bình Dương tránh xa các bờ biển. Trong khi đó, khu vực New South Wales của Australia đóng cửa các bãi biển.
Hàng trăm nghìn công dân Nhật Bản được khuyến cáo sơ tán khi những con sóng cao hơn 1 m ập vào các khu vực ven biển.
Vị trí vụ núi lửa ngầm phun gần Tonga. Đồ họa: AFP. |
Các đợt sóng thần đã gây ra thiệt hại cho các tàu thuyền ở xa như New Zealand và Santa Cruz, California.
Các khuyến cáo về sóng thần trước đó đã được đưa ra ở Nhật Bản, Hawaii, Alaska và bờ biển Thái Bình Dương của Mỹ. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính vụ phun trào tương đương với một trận động đất 5,8 độ richter.
Ở bến thuyền Tutukaka, Northland, New Zealand, sự kết hợp của sóng thần vào khoảng 21h30 ngày 15/1 và bão nhiệt đới Cody được ước tính đã gây ra thiệt hại hàng triệu USD, khiến nhiều người phải sơ tán trong đêm.
Một số thuyền bị chìm, các thuyền khác mắc cạn hoặc va vào nhau.
Xa hơn về phía bắc, một số khu cắm trại trũng thấp đã được sơ tán trong đêm do thủy triều dâng, bao gồm cả vịnh Spirits và vịnh Puriri về phía đông bắc của Whangārei.
New Zealand đã báo cáo thiệt hại hàng triệu USD do ảnh hưởng sóng thần từ vụ phun trào núi lửa ở Tonga. Ảnh: Stuff. |
Cảnh sát đã giúp sơ tán khoảng 50 người khỏi vịnh Mahinepua vào khoảng nửa đêm, một phát ngôn viên cảnh sát cho biết.
Ở Santa Cruz, California, các quan chức đang thống kê thiệt hại sau khi tàu thuyền bị hư hỏng nặng, nước ngập các đường phố và bãi đậu xe trũng thấp, khiến ôtô nổi lên.
Ở nam California, nước dâng đã đánh chìm ít nhất một chiếc thuyền tại cảng Ventura phía tây bắc Los Angeles.
Chưa thể liên lạc với Tonga
Tonga đã bị sóng thần tấn công và phần lớn vẫn không thể liên lạc được vào ngày 16/1, khi các đường dây điện thoại và Internet bị cắt đứt do vụ phun trào núi lửa. Các báo cáo thương vong vẫn chưa được công bố.
Ngay cả trang web của chính phủ và các nguồn chính thức khác vẫn không có cập nhật vào chiều 16/1.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết vẫn chưa có bất kỳ báo cáo chính thức nào về số người bị thương hoặc tử vong ở Tonga. Bà cũng cảnh báo rằng các nhà chức trách vẫn chưa liên hệ với một số khu vực ven biển và các đảo nhỏ hơn.
Tàu thuyền bị hư hại tại Tutukaka, New Zealand, ngày 16/1 sau khi các đợt sóng lớn ập vào do phun trào núi lửa ở Tonga gây ra. Ảnh: AP. |
Bà Ardern cho biết đã có thiệt hại đáng kể đối với tàu thuyền và cửa hàng dọc theo bờ biển Tonga. Thủ đô Nuku’alofa của Tonga bị bao phủ trong một lớp màng bụi núi lửa dày đặc, làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước.
New Zealand đã không thể gửi máy bay giám sát quân sự qua Tonga vì cột khói cao, nhưng bà Ardern hy vọng sẽ có thể gửi viện trợ đến vào ngày 17/1.
Dịch vụ Khí tượng Tonga trước đó cho biết họ đã cảnh báo sóng thần trên toàn bộ quần đảo, dữ liệu từ trung tâm sóng thần Thái Bình Dương cho biết đã phát hiện những con sóng cao 80 cm.