Yarchagumba trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là đông trùng hạ thảo. Loại đông dược này chỉ xuất hiện trong vòng vài tuần ở độ cao trên 3.500 mét.
Thu hoạch đông trùng hạ thảo mang lại nguồn thu lớn cho người dân Nepal. Vào mỗi mùa xuân, trường học và nhà dân đều vắng tanh do dân làng đổ lên các dãy núi cheo leo để tìm hái đông trùng hạ thảo.
Tuy nhiên, các quan chức nước này cho biết lệnh phong tỏa vì Covid-19 đồng nghĩa với việc thu hoạch loại nấm này sẽ bị cấm trong năm nay. Nhiều quận đã cấm người dân đi hái đông trùng hạ thảo.
"Tất cả các địa phương đã được yêu cầu không cấp giấy phép cho việc thu hái đông trùng hạ thảo trong năm nay", Umesh Pandey, lãnh đạo quận Bajhang ở phía tây Nepal, nói với AFP.
Người dân Nepal lên núi tìm đông trùng hạ thảo vào mỗi mùa xuân. Ảnh: AFP. |
Nhiều khu dân cư ở dãy Himalaya sống dựa vào nguồn thu từ việc thu hái và bán đông trùng hạ thảo. Thu nhập cả năm của nhiều gia đình thậm chí chỉ có được trong một vài tuần hái loại đông dược này.
"Tôi hy vọng họ sẽ dỡ phong tỏa và chúng tôi vẫn có thể đi hái. Đây là công việc duy nhất của tôi, tôi chỉ có thể làm vậy để kiếm tiền", Harak Singh Dhami, 29 tuổi, sống ở quận Darchula, cho biết. Vào năm 2019, anh đã kiếm được 200.000 rupee (1.600 USD) với 300 cây đông trùng hạ thảo.
Chỉ riêng ở Nepal, khoảng 3 tấn đông trùng hạ thảo được thu hoạch mỗi năm, theo số liệu của ngân hàng trung ương Nepal năm 2016.
Dù không có bằng chứng khoa học, các thầy thuốc đông y Trung Quốc cho rằng đông trùng hạ thảo có khả năng bổ thận tráng dương, tăng cường sinh lực cho nam giới và chữa nhiều loại bệnh, thậm chí cả ung thư.
Tại Bắc Kinh, giá của loại đông dược này có thể cao gấp ba lần giá vàng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc khai thác quá mức và biến đổi khí hậu đã khiến việc thu hái đông trùng hạ thảo trở nên khó khăn hơn trong những năm qua.