Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người nâng sức chiến đấu cho vũ khí

Quân chủng Phòng không - Không quân có trong biên chế nhiều loại vũ khí hiện đại. Làm thế nào để nâng cao sức chiến đấu cho vũ khí, khí tài?

“Đại Ca” sáng kiến

Đó là cách gọi thân mật mà đồng đội, đồng nghiệp dành cho một kỹ sư luôn say mê với các đề tài khoa học và các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nhằm nâng cao sức sống cho những “con chim sắt” An-26, đồng thời tiết kiệm kinh phí cho đơn vị. Anh là thượng tá quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Vũ Văn Ca, Trợ lý thiết bị hàng không, thuộc Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không (KTHK), Lữ đoàn 918 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Với nhiều lính thợ KTHK thì con đường đưa họ đến với nghề khá thẳng, song với Vũ Văn Ca, đó là con đường “hơi lòng vòng”. Năm 1980, khi sắp vào trường THPT thì anh có lệnh gọi nhập ngũ, về huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn Huấn luyện của Sư đoàn không quân 371, rồi học gấp dù 3 tháng, sau đó về làm nhân viên dù tại Trung đoàn không quân 931 (Sư đoàn không quân 371).

Sau khóa học văn hóa tại trường Văn hóa Không quân (TP.HCM), năm 1983, Vũ Văn Ca dự thi vào Trường Chỉ huy kỹ thuật Không quân. Đang chờ kết quả thi, anh nhận lệnh ra Hà Nội, chuẩn bị sang Liên Xô học.

“Từ TP.HCM ra Hà Nội, tôi bay trên chiếc máy bay An-26 của Lữ đoàn 918. Đó là chuyến bay đầu tiên trong đời. Và không ngờ sau khóa học KTHK, chuyên ngành Thiết bị hàng không (TBHK), tôi được điều về Lữ đoàn 918 và gắn bó với những chiếc An-26 từ đó đến nay”, thượng tá QNCN Vũ Văn Ca chia sẻ.

Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Ca (bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn 918.
Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Ca (bên trái) hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên kỹ thuật của Lữ đoàn 918.

Trong xưởng Bảo dưỡng KTHK của Lữ đoàn 918 (nơi Vũ Văn Ca công tác trước khi đảm nhiệm vị trí Trợ lý thiết bị hàng không), bên chiếc An-26 đồ sộ được đưa về làm công tác kỹ thuật, thượng tá Vũ Mạnh Hiền, Xưởng trưởng chia sẻ: “Những hỏng hóc phức tạp thuộc chuyên ngành TBHK của máy bay An-26 thường phải có Ca tham gia. Ca cũng là người luôn ấp ủ trong mình nhiều sáng kiến và luôn khát khao cải tiến kỹ thuật”.

Rồi thượng tá Hiền kể một lần “sửa chữa gián tiếp” gần đây nhất của thượng tá Ca, khi anh Ca ngồi tại Gia Lâm, hướng dẫn thợ kỹ thuật của Lữ đoàn 918 sửa chữa Hệ thống tự động xuôi lá động cơ máy bay An-26 mãi tận... sân bay Tân Sơn Nhất. Tỉ mỉ hướng dẫn anh em từ việc tháo từng con ốc, đến chỉnh chi tiết công tắc, nên hỏng hóc được khắc phục sau 2 tiếng đồng hồ, giúp máy bay chuyển sân ra sân bay Gia Lâm đúng theo kế hoạch.

Trong mấy năm gần đây, Lữ đoàn 918 có nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đưa vào sử dụng có hiệu quả, trong đó có 8 đề tài cấp Quân chủng. Thật ấn tượng khi Vũ Văn Ca là chủ nhân của 50% số đề tài ấy, và cả 4 đề tài đều đạt giải 3 cấp Quân chủng, đó là: Bàn kiểm tra OMT-29 và các van điện từ máy bay An-26; Thiết bị kiểm tra mô tơ van trộn MPK-2B của máy bay An-26; Máy kiểm tra hệ thống điều hòa không khí máy bay An-26; phục hồi các mô hình học cụ cũ của Liên Xô cho phi công, thành viên bay An-26 học tập…

Tác dụng mang lại của các đề tài trên rất lớn, góp phần tháo gỡ được nhiều khó khăn trong công tác sửa chữa hỏng hóc, tiết kiệm công sức của bộ đội và làm lợi hàng trăm triệu đồng cho quân đội.

Đơn cử, khi chưa có Máy kiểm tra hệ thống điều hòa không khí máy bay An-26 do Vũ Văn Ca nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, mỗi lần hệ thống điều hòa trên máy bay An-26 phát sinh hỏng hóc, phải nổ máy động cơ máy bay, và khi kiểm tra tối đa 8 khối trong hệ thống này sẽ tiêu hao số nhiên liệu trị giá hơn 97 triệu đồng (theo giá hiện hành). Nhưng khi có máy kiểm tra, thì không cần mở máy, và có thể kiểm tra ở xưởng bảo dưỡng hoặc ngoài sân bay, do máy gọn nhẹ, có thể cơ động dễ dàng.

Ngoài tiết kiệm nhiên liệu máy bay do không phải mở máy, khi sử dụng máy kiểm tra của “Đại Ca” sáng kiến, đơn vị còn tiết kiệm được một lượng lớn xăng ô tô, dầu diezen, các vật tư khác cho các xe trang bị mặt đất khác như xe điện, xe khí, xe cứu hỏa đi kèm, phục vụ cho mỗi lần mở máy động cơ máy bay...

Người đam mê “dẫn đường” cho phi công

Ở các đơn vị không quân, có những người làm nhiệm vụ dẫn đường trên không, có người làm công tác dẫn đường cho phi công, tổ bay từ mặt đất. Họ được “định danh” là sĩ quan dẫn đường. Ở Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ, có một người cũng đang thầm lặng làm công việc ấy, nhưng chuyên ngành của anh không phải là sĩ quan dẫn đường, mà là kỹ sư chuyên ngành Vô tuyến điện tử.

Sở dĩ gọi anh là người đam mê “dẫn đường” cho phi công, bởi sự say mê nghiên cứu khoa học của anh đã cho ra đời nhiều thiết bị dẫn đường, lắp đặt trên nhiều loại máy bay, mang lại tác dụng thiết thực khi ứng dụng vào thực tiễn. Người kỹ sư ấy là Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng Nghiên cứu Vô tuyến điện tử, Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng (thứ 2 từ phải qua) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Phòng Nghiên cứu Vô tuyến điện tử.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng (thứ 2 từ phải qua) trao đổi nghiệp vụ với các cán bộ Phòng Nghiên cứu Vô tuyến điện tử.

Nhập ngũ năm 1986 vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, đến năm 1987, Nguyễn Thanh Hùng được cử đi đào tạo tại Liên Xô, chuyên ngành Vô tuyến điện tử, và về Lữ đoàn 171 Hải quân công tác từ năm 1992-1996, rồi được điều động về Viện Kỹ thuật quân sự PK-KQ từ năm 1997 đến nay.

Trước thực tế các loại máy bay của ta qua nhiều năm sử dụng, trang thiết bị dần hỏng hóc, trong khi khí tài thay thế hiếm, nếu nhập ngoại sẽ rất tốn kém kinh phí và đơn vị luôn ở thế bị động; thêm nữa, một số loại máy bay không có thiết bị dẫn đường vệ tinh, gây khó khăn nhất định cho phi công... nên Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng quyết tâm đầu tư nghiên cứu sản xuất ra các thiết bị dẫn đường này.

Trong số các đề tài mà Nguyễn Thanh Hùng triển khai thành công, có thể kể đến Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy tính số A313-2A của máy tính dẫn đường A313 trên máy bay Su-27”. Anh đang tiếp tục triển khai Đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy tính dẫn đường A313V trên máy bay Su-27”, dự kiến tháng 10 tới đây sẽ thử nghiệm trên sản phẩm KTHK.

Với việc sản xuất thành công cả 2 loại máy tính cấu thành nên máy tính A313 của máy bay Su-27 nói trên, chúng ta sẽ chủ động về mặt vật tư, linh kiện và chủ động về bảo đảm KTHK cho máy tính dẫn đường A313, đồng thời tiết kiệm được hàng tỉ đồng cho mỗi máy tính khi không phải nhập vật tư, linh kiện của nước ngoài.

Ngoài những đề tài nói trên, thượng tá Nguyễn Thanh Hùng còn tham gia thiết kế, chế tạo Thiết bị dẫn đường vệ tinh VT05, ứng dụng trên các máy bay trực thăng và vận tải quân sự, có tác dụng hỗ trợ dẫn đường rất hiệu quả cho phi công, khi hiển thị được vị trí  máy bay và các tham số dẫn đường bay.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ: “Để có thể làm tốt công tác nghiên cứu, người làm khoa học cần xây dựng phương pháp nghiên cứu khoa học, phù hợp, từ đó có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề đúng hướng. Ngoài ra, mỗi người cần có nền tảng chuyên môn cần thiết; có khả năng làm việc nhóm; sẵn sàng hợp tác để kế thừa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học khác, nhằm tập trung thời gian, sức lực và trí tuệ để giải quyết những vấn đề mới hơn”.

“Anh Hùng luôn dành nhiều nhất thời gian có thể cho công việc. Cả ngày gắn bó với Viện, chiều tối chỉ kịp về ăn tối với vợ con, rồi lại chạy vào viện cặm cụi đến 23 giờ đêm. Chuyện anh Hùng mang việc cơ quan về nhà cũng là chuyện thường ngày”, thượng úy Trương Hữu Đông Hà chia sẻ.

http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/quan-su-quoc-phong/bai-3-nhung-nguoi-tang-luc-cho-vu-khi/322818.html

Theo Phạm Hoàng Hà/Quân Đội Nhân Dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm