Tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hàng dài người xếp hàng trước các cây ATM. Họ mang theo cả ghế, nước uống, bữa sáng, đồ ăn nhẹ và quạt cầm tay, theo Kyodo.
Người dân cũng xếp hàng trước các ngân hàng từ trước lúc bình minh, chờ đợi nhiều giờ đồng hồ để rút tiền mặt.
Sau giai đoạn đầu tê liệt vì chính biến, các tổ chức tài chính ở Myanmar dần dần nối lại hoạt động. Tuy nhiên, chính phủ quân sự vẫn ra lệnh hạn chế lượng tiền mặt mà người dân có thể rút, nhằm ngăn chặn hiện tượng đột biến rút tiền gửi.
Người dân xếp hàng trước các máy rút tiền tự động để rút tiền ở Yangon, Myanmar vào ngày 18/5. Ảnh: Kyodo. |
Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho biết những người dân rút được tiền đã qua chợ đen đổi sang đồng USD, hoặc cất dưới đệm ngủ.
Tình trạng thiếu tiền mặt cũng khiến một số doanh nghiệp gặp khó khăn. Nguồn tin tại một công ty may mặc của Nhật Bản cho biết họ không có đủ tiền mặt để trả lương cho nhân viên.
Giá xăng dầu và các loại nhiên liệu khác cũng như thuốc men - mặt hàng vốn phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu - đã tăng lên.
Hiromasa Matsuura, nhà kinh tế trưởng tại công ty công nghệ Nhật Bản Mizuho Research & Technologies Ltd., cho biết giá hàng hóa ở Myanmar có thể đã tăng hơn 10-15% nói chung.
Trong khi đó, đồng tiền của Myanmar (kyat) đã mất 20% giá trị so với đồng USD kể từ cuộc chính biến, chuyên gia này nhận định.
Cuộc chính biến ngày 1/2 đưa quân đội Myanmar lên nắm quyền. Quân đội bắt giữ cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử khác của nước này.
Quân đội cáo buộc có gian lận bầu cử vào tháng 11/2020, dù không đưa ra được bằng chứng.
Kể từ đó, Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn với các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố và thị trấn. Giao tranh giữa quân đội và một số nhóm phiến quân sắc tộc cũng bùng phát ở khu vực biên giới Myanmar.