Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người Mỹ thích Trump vì cá tính?

Ngay tại thành phố quê hương New York, tỷ phú Donald Trump cũng là một người nổi tiếng khó ưa nhưng trong cuộc bầu cử Mỹ, cá tính luôn là yếu tố vô cùng quan trọng.

20h ngày 6/11, nhiệt độ New York giảm xuống chỉ còn khoảng 7 độ C. Những cơn gió mang cái rét buốt thấu xương tràn ngập khắp thành phố trung tâm tài chính của nước Mỹ. Nhưng ở trước cửa tòa nhà Trump Tower trên Đại lộ số 5 thuộc khu Manhattan, vẫn có nhiều người tập trung để bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa.

Họ hô vang: “Trump tiến lên”, “Trump làm tổng thống, Clinton vào tù”, “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”... Có người còn hùng hổ hét: “Donald Trump sẽ trở thành tổng thống, chế độ khủng bố của Barack Obama sẽ chấm dứt, Hillary Clinton sẽ bị truy tố”... Thỉnh thoảng có người đi qua hòa theo: “Donald Trump, Donald Trump”.

Bị New York ghét từ xưa

Không chỉ có gốc gác New York, ông Trump còn là một nhân vật nổi bật trên thương trường và xã hội của thành phố khổng lồ này trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, không nhiều người New York thích Trump.

Nữ sinh da màu Danielle Parker khẳng định với tôi rằng Trump hoàn toàn không xứng đáng đại diện cho New York. Bởi New York là một thành phố đa sắc tộc, là nơi hội nhập của các nền văn hóa, trong khi Trump luôn hô hào cấm cửa người nhập cư.

Các khảo sát trước đó cho thấy đa phần người New York có quan điểm giống Parker.

nguoi my bo phieu cho ong Trump anh 1
Không nhiều người New York thích Trump.Ảnh: H.Trung.

Nhưng ông Trump bị ghét không chỉ còn vì những lời lẽ ngông cuồng, mị dân, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính khi đi tranh cử tổng thống.

Khi lái xe chở tôi trên Phố 72 dọc bờ sông Hudson để đến trung tâm Manhattan, cựu phóng viên Richard Hughes, một người bạn thân thiết của đất nước Việt Nam, kể từ nhiều năm trước, cư dân sống ở các tòa nhà phố này đã rất “điên tiết” với ông Trump. Chẳng là trước đây những tòa nhà này có vị trí rất đẹp, hướng ra con sông Hudson thơ mộng.

Nhưng hồi đầu thập niên 2000, công ty của ông Trump xây ồ ạt gần chục tòa nhà cao tầng sát bờ sông Hudson. Chúng che hết tầm nhìn, thậm chí cả ánh sáng và không khí của các tòa nhà phía bên trong. Tất nhiên hồi đó ông Trump chẳng thèm để ý tới bất kỳ lời phàn nàn nào từ phía cư dân Phố 72, thậm chí có lần còn buông một câu: “New York là thế đấy”.

Bạn phù hợp với quan điểm của ứng viên tổng thống Mỹ nào?

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chỉ còn đếm bằng giờ, Zing.vn mời quý bạn đọc tham gia cuộc thăm dò giả định để xem bạn phù hợp với quan điểm của bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump.

Dù vậy, việc bị căm ghét không hẳn là một điểm yếu đối với Donald Trump, bằng chứng là ông vẫn đang bám sát bà Clinton trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Cho tới thời điểm này, sau bao nhiêu phân tích, nhận định, vẫn có không ít người lắc đầu tự hỏi tại sao một tay không biết gì về chính trị như Trump lại có cơ hội trở thành tổng thống.

“Thực ra nhiều cử tri Mỹ không quá chú trọng đến chuyện chính sách. Họ bỏ phiếu chọn một ứng cử viên cụ thể nhiều khi chỉ vì họ thích người đó thôi. Trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, cá tính là một yếu tố cực kỳ quan trọng”, ông Richard Hughes phân tích.

Cá tính đóng vai trò lớn

 

Cuộc bầu cử năm nay thực tế các đối thủ tranh cãi nhau không phải về vấn đề hay chính sách. Cuộc bầu cử này chủ yếu là về tính cách và các bê bối của ứng viên hơn là các vấn đề thực tế.

Giáo sư Franita Tolson, ĐH bang Florida 

 

Ông Hughes khẳng định thời năm 2000, lẽ ra cựu Phó tổng thống Al Gore phải dễ dàng đánh bại đối thủ George W. Bush với tỷ lệ phiếu cách biệt. Bởi 2 nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton khi đó rất thành công. Ông để lại một nền kinh tế vững mạnh, nước Mỹ không vướng vào chiến tranh. Còn George Bush không có ấn tượng gì đáng kể.

“Nhưng ông Gore tỏ ra quá khoa trương, còn George Bush dễ gần hơn, thân thiện hơn nên tạo dựng được hình ảnh tốt hơn. Nhiều cử tri Mỹ thích kiểu của Bush hơn nên bỏ phiếu ủng hộ ông ta”, ông Hughes nhấn mạnh.

Một số nhà phân tích cũng có đánh giá tương tự về cuộc bầu cử năm 2004, khi ông Bush đối đầu Thượng nghị sĩ John Kerry.

Lúc đó, ông Bush luôn xuất hiện và phát biểu với sự mạnh mẽ, còn ông Kerry tỏ ra khá nhợt nhạt. “Hồi đó, có lần Bush phát âm sai tên nhà tù Abu Ghraib và bị báo chí giễu cợt. Những tưởng uy tín của Bush bị ảnh hưởng, nhưng không. Đa số người Mỹ nói họ cũng có phát âm được cái tên đó đâu, nên thông cảm với Bush và bỏ phiếu cho ông ta nhiều hơn”, ông Hughes kể.

Cuộc bầu cử năm 2016 cũng không phải là ngoại lệ.

nguoi my bo phieu cho ong Trump anh 2
Nhiều người Mỹ tụ tập trước tòa nhà Trump Tower ở New York để bày tỏ quan điểm về hai ứng viên Trump và Clinton. 

 

Ảnh: H.Trung.

Bản thân ông Trump luôn được đánh giá là một cá tính nổi bật trong giới kinh doanh và giải trí. Và không ít cử tri ủng hộ Trump mà tôi có dịp tiếp xúc, từ người Mỹ trắng, người gốc Việt cho đến gốc Mexico, đều có chung quan điểm về vị tỷ phú ngông với các chính sách mù mờ, rối rắm, thậm chí rất mị dân. Đó là ông Trump “thể hiện sự mạnh mẽ, táo bạo, tính cách thẳng thắn, nghĩ gì nói thế, dám nói dám làm”.

Cử tri ủng hộ Trump hoàn toàn không hề quan tâm đến việc ông chẳng biết gì về chính trị, có lời nói và hành vi sàm sỡ phụ nữ hay rất nhiều lần nói dối trắng trợn, bất chấp hậu quả.

Đối với họ, chỉ cái “tính cách thẳng thắn”, “nghĩ gì nói thế” là đủ để họ bỏ phiếu ủng hộ ông ta.

Đa phần người New York mà tôi có dịp gặp và trò chuyện đều nghĩ rằng ông Trump sẽ thất bại trong cuộc bầu cử này. Nhưng bản thân việc Trump có cơ hội trở thành tổng thống đã là điều kinh thiên động địa rồi.

Nhưng ông Hughes lo ngại: “Biết đâu 4 năm tới sẽ lại có một kẻ cũng làm những trò tương tự như Trump và bước vào Nhà Trắng thì sao?”

8 quan điểm khác biệt của Clinton và Trump

Trump sẽ đảo ngược hoặc bãi bỏ nhiều chính sách dấu ấn của Tổng thống Obama. Còn Clinton tỏ ra quyết tâm với những chính sách gia tăng phúc lợi cho tầng lớp trung lưu.


Những bang tranh chấp nào quyết định sớm bầu cử?

Bạn đọc có thể theo dõi tình hình một số bang tranh chấp quan trọng nhất để biết là kết cục bầu cử sẽ kết thúc sớm hay muộn.



Hiếu Trung (Từ New York, Mỹ)

Bạn có thể quan tâm