Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

8 quan điểm khác biệt của Clinton và Trump

Trump sẽ đảo ngược hoặc bãi bỏ nhiều chính sách dấu ấn của Tổng thống Obama. Còn Clinton tỏ ra quyết tâm với những chính sách gia tăng phúc lợi cho tầng lớp trung lưu.

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Quan điểm của hai ứng viên về các vấn đề thời sự

Sau nhiều buổi vận động tranh cử và tranh luận trực tiếp, ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump khẳng định sẽ đảo ngược hoặc bãi bỏ nhiều chính sách dấu ấn của Tổng thống Obama; còn bà Hillary Clinton tỏ ra quyết tâm với những chính sách gia tăng phúc lợi cho tầng lớp trung lưu.

Chính sách thuế

Luật lệ về thuế là cuộc tranh cãi giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa kể từ khi thành lập. Quan điểm truyền thống của đảng Cộng hòa là giảm gánh nặng thuế cho mọi đối tượng. Khi các doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, họ sẽ đóng góp cho nền kinh tế, xã hội sẽ ngày càng thịnh vượng và mọi người cùng hưởng lợi. Trong khi đó, quan điểm chủ đạo của đảng Dân chủ là không ưu tiên tầng lớp giàu có. Họ cho rằng những người thu nhập cao nên đóng góp nhiều hơn vào các chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo.

  • Tôi sẽ không tăng thuế với những người có thu nhập ít hơn 250.000 USD hàng năm.

  • Tôi sẽ giảm thuế đáng kể từ 35% còn 15%.

Chính sách chăm sóc y tế

Chi phí y tế của Mỹ vào loại đắt đỏ nhất thế giới. Trung bình mỗi người dân phải chi 9.403 USD/năm cho việc chăm sóc sức khỏe. Obamacare, hay còn gọi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe hợp túi tiền, do ông Obama đề xướng nhằm nâng khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và giảm tỷ lệ không có bảo hiểm trong người dân. Tuy nhiên, Obamacare cũng bị chỉ trích là tốn kém và phi thực tế. Một thống kê hồi đầu năm 2016 cho thấy những người dùng bảo hiểm Obamacare có tỷ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo cao hơn người dùng các bảo hiểm khác.

  • Obamacare không chỉ là thành tựu vĩ đại của Tổng thống Obama mà là của cả đảng Dân chủ kể từ thời Harry Truman.

  • Obamacare chưa bao giờ hiệu quả. Tôi sẽ bãi bỏthay thế nó bằng một chương trình hiệu quả và ít đắt đỏ hơn.

Nạo phá thai

Quyền phá thai đã gây tranh cãi tại Mỹ hàng trăm năm qua, với nhiều lý do cả về triết học lẫn tôn giáo được đưa ra. Đảng Dân chủ thường đứng trên quan điểm tự do cá nhân để ủng hộ quyền phá thai của người phụ nữ. Trong khi đó, đảng Cộng hòa bảo vệ các nguyên tắc tôn giáo, quyền được sống của một đứa trẻ dù chưa ra đời, từ đó phản đối việc phá thai. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ có 34% người dân Mỹ được hỏi cho biết họ hài lòng với luật lệ về phá thai ở Mỹ.

  • Tôi ủng hộ chương trình sinh nở có kế hoạch, và tôi bảo vệ quyền của phụ nữ được ra quyết định về vấn đề này.

  • Cần phải có một số hình phạt đối với những phụ nữ muốn nạo phá thai.

Sở hữu súng

Mỗi năm nước Mỹ chứng kiến rất nhiều vụ thiệt mạng do tai nạn vì súng. Tổng thống Obama nỗ lực nhưng không thành công trong việc cải cách luật lệ kiểm soát súng. Trở ngại lớn nhất chính là luận điểm của các phe phái về Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ, vốn bảo vệ quyền sở hữu vũ khí hợp pháp của mọi công dân. Dù vậy, trong mọi trường hợp, các đảng luôn phải công nhận quyền sở hữu súng là quyền được hiến pháp bảo vệ và là một phần truyền thống nước Mỹ.

  • Tôi ủng hộ Tu Chính án thứ 2 sẽ không để yên cho những người không đáng có súng trở thành mối đe doạ với gia đình và xã hội.

  • Tôi sẽ bổ nhiệm những thẩm phán nhiệt thành ủng hộ Tu Chính án thứ 2. Họ sẽ không làm tổn hại đến điều này trong hiến pháp.

Chính sách nhập cư

Mỹ hiện có 42 triệu người nhập cư đang sinh sống và làm ăn. Lực lượng này đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Mỹ nhưng khoảng 1/4 trong số họ là nhập cư trái phép. Quốc hội Mỹ từ lâu đã bất đồng quan điểm về vấn đề này, xoay quanh câu chuyện nên hợp pháp hóa hay trục xuất những người nhập cư trái phép.

  • Kế hoạch nhập cư toàn diện của tôi bao gồm thắt chặt an ninh biên giới. Những đối tượng bạo lựcphạm pháp chắc chắn sẽ bị trục xuất.

  • Chúng ta sẽ xây một bức tường thật to và dài. Chúng ta vẫn chào đón mọi người nhưng họ phải đến hợp pháp. Mexico sẽ trả tiền để xây tường.

Chính sách đối ngoại

Là siêu cường hàng đầu thế giới, Mỹ giữ vai trò chi phối trong các vấn đề toàn cầu và có ảnh hưởng quan trọng đến quan hệ quốc tế. Chính sách của Mỹ tại châu Á, Trung Đông hay với Trung Quốc, Nga luôn là những vấn đề nóng bỏng của chính trị thế giới. Tuy nhiên, cuộc bầu cử năm 2016 khiến các đồng minh của Mỹ bất an vì những đề xuất chính sách của ứng viên đảng Cộng hoà.

  • NATO là một trong những kết quả đầu tư tốt nhất mà Mỹ từng thực hiện, các đồng minh đã chiến đấu sát cánh cùng Mỹ, cùng hy sinh và chia sẻ gánh nặng.

  • Nếu chúng ta không được bồi hoàn thích đáng về những chi phí to lớn của quân đội để bảo vệ quốc gia khác, thì tôi sẽ nói với NATO rằng các ông hãy tự lo cho mình

Thỏa thuận thương mại

Cuộc bầu cử năm 2016 khơi mào cho những tranh cãi gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ về các thỏa thuận thương mại và toàn cầu hóa. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang cho thấy những bất cập nghiêm trọng sau hơn 20 năm có hiệu lực. Trong khi đó Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), được xem là một biện pháp kiềm chế Trung Quốc tại châu Á, vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

  • Donald chỉ muốn phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tôi biết nhiều người Mỹ lo ngại về các thỏa thuận thương mại, nhưng chiến tranh là điều rất khác.

  • Các chính trị gia của chúng ta quyết liệt theo đuổi toàn cầu hóa. Hậu quả là họ đẩy hết công việc, tài sản và các nhà máy của chúng ta ra nước ngoài như Mexico và Trung Quốc.

Biến đổi khí hậu

Cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là mâu thuẫn tồn tại từ lâu và không dễ giải quyết giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Hồi tháng 9, Mỹ và Trung Quốc chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris, cam kết giảm lượng xả thải. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu toàn cầu.

  • Chúng ta có thể cứu hành tinh của mình bằng việc tạo ra hàng triệu công việc được trả lương hậu hĩnh trong lĩnh vực năng lượng sạch.

  • Tôi sẽ bãi bỏ Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mà Mỹ đã ký kết! Đây là một thỏa thuận tồi tệ với việc làm ăn của Mỹ.

Bạn phù hợp với ứng viên nào?
Tham gia trắc nghiệm

Zing.vn

Bạn có thể quan tâm