Khi điện thoại đổ chuông lúc 2h15 sáng, chắc chắn cuộc gọi sẽ không mang đến tin tức tốt lành. Tiếng nói ở đầu bên kia là của con gái chúng tôi: “Tổng thống Mỹ Donald Trump cấm mọi dòng di chuyển từ châu Âu”.
Tôi và vợ mình chưa nghe về việc đó vì chúng tôi còn đang ngủ say trong căn hộ thuê ở Paris (Pháp). Tôi và vợ đã ở đây hơn một tuần và dự định quay trở lại New York vào thứ bảy.
Giờ đây kế hoạch của chúng tôi có thể sụp đổ. Tôi bật tivi và kiểm tra Twitter. Quả là vậy, lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump sẽ bắt đầu từ nửa đêm thứ sáu.
Ngày 11/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cấm toàn bộ dòng di chuyển từ các nước châu Âu tới Mỹ từ ngày 13/3 và kéo dài trong vòng 30 ngày. Ảnh: AP. |
Tôi vội vã lên mạng và điên cuồng tìm cách chuyển chuyến bay hôm thứ bảy về sớm hơn, nhưng mọi nỗ lực hủy chuyến hay đặt lại đều không thành công. Chúng tôi gọi bộ phận dịch vụ khách hàng và được thông báo rằng phải chờ 4 tiếng nữa để được giải quyết.
Lo lắng về việc không được trở về nhà, chúng tôi bắt đầu tìm mua vé mới dù chưa hủy được vé cũ. Chưa đầy một giờ sau tuyên bố của ông Trump, các nhóm du khách khác cũng rơi vào tình cảnh giống chúng tôi. Chúng tôi cố đặt mua vé nhưng luôn thấy dòng chữ “vé không còn nữa” hiện lên.
Những chuyến bay còn lại rất kỳ quái, chúng kéo dài 31 giờ, đến từ các hãng hàng không tôi chưa từng nghe tên, một số khác thì quá đắt đỏ.
Vé hạng phổ thông từ Paris đến New York có giá hàng nghìn USD/người. Vì lợi ích du lịch trên thẻ tín dụng của tôi có chính sách hủy chuyến trong vòng 24 giờ, tôi quyết định mua hai vé một chiều với giá 5.000 USD.
Nếu tìm được giá vé tốt hơn, chúng tôi sẽ hủy hai chiếc vé mới này.
Du khách tranh thủ đến Mỹ sau thông báo của Tổng thống Trump. Ảnh: New York Times. |
Ngay sau khi tôi ấn mua hàng, một bản cập nhật xuất hiện trên trang CNN: “Lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump không áp dụng đối với những người Mỹ ở châu Âu, chỉ dành cho người nước ngoài”.
Ngay lập tức, mọi người - bao gồm cả tôi - vội vàng hủy những chiếc vé vừa mua và nhận ra không thể làm việc đó. Các lệnh hủy trực tuyến không khả dụng, không hoạt động hoặc chúng tôi phải chờ đến 6 tiếng.
Sau đó, chúng tôi quyết định đến sân bay và cố gắng hủy trực tiếp thông qua một đại lý vé.
Sau 45 phút đi đến sân bay Charles de Gaulle bằng Uber, tôi ngỡ ngàng trước hàng dài hành khách đứng chờ giúp đỡ tại các đại lý bán vé. Rõ ràng, nếu chúng tôi đứng xếp hàng chờ trong vài tiếng nữa, chuyến bay sẽ rời đi.
Du khách vội vã rời khỏi châu Âu. Ảnh: Reuters. |
Tôi và vợ bắt đầu tranh luận. Nhìn đám đông hỗn loạn có vẻ không khá hơn trong vài ngày tới, chúng tôi nuốt nước bọt và rút ra chiếc vé hạng phổ thông được mạ vàng.
Nhân viên kiểm tra hành lý an ủi rằng chúng tôi không đơn độc. Anh ta kể mình vừa nghe tin một người đàn ông phải trả 20.000 USD cho vé phổ thông và giờ đang cố hủy chúng. Chúng tôi không biết liệu ông ta có thành công hay không.
Sau đó, chúng tôi lên chuyến bay đến New York cùng với những người Mỹ khác. Chúng tôi lau tay vịn bằng chất khử trùng và tự hỏi liệu về nhà có an toàn hơn hay không.