Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Người Mỹ không mặn mà với 'Bidenomic'

Việc lạm phát tại Mỹ không ngừng tăng trong những tháng qua có nguy cơ làm lu mờ nghị trình kinh tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ đang đến gần.

chinh sach kinh te biden anh 1

“Vẫn còn khó khăn đối với nhiều gia đình, nhưng có những điểm sáng mà Mỹ đang tự khẳng định lại chính mình, như tại nơi này”, Tổng thống Biden nói trước cử tri tại một cây cầu vừa được tái xây dựng ở thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, kêu gọi sự ủng hộ cho đảng Dân chủ trong kỳ bầu cử vào tháng 11.

Dựa trên các thước đo của thị trường lao động, nghị trình kinh tế của ông Biden không gặp nhiều vấn đề. Nghị trình bao gồm việc giải quyết tình trạng chi tiêu công và gánh nặng thuế đang tăng, cùng các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với các công ty lớn và những người giàu có, theo Financial Times.

Kể từ khi đảng Dân chủ nắm quyền vào tháng 1/2021, nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, với việc tạo thêm 10 triệu việc làm, và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3,5%.

Tuy nhiên, khi lạm phát và giá tiêu dùng không ngừng tăng, chính sách kinh tế “Bidenomics” dường như không còn là ưu thế cho các cuộc vận động.

Tỷ lệ ủng hộ giảm

Theo khảo sát của RealClearPolitics, 57,9% người Mỹ phản đối cách điều hành kinh tế của ông Biden, trong khi chỉ có 38,9% người ủng hộ.

“Tôi cho rằng các chính sách có tầm bao quát rộng là rất tích cực cho nền kinh tế, cả trong ngắn hạn và dài hạn. Vì vậy, tôi nghĩ ông ấy xứng đáng được ghi công nhưng hiện ông ấy vẫn chưa nhận được điều đó", Mark Zandi, nhà kinh tế tại công ty tài chính Moody’s Analytics, nhận định.

Chính sách kinh tế của ông Biden được xem như sự giao thoa giữa chính sách của 2 cựu tổng thống Mỹ là Kinh tế Mới (New Deal) của ông Franklin Roosevelt và lưới an toàn (Safety net) của ông Lyndon Johnson, với giả định cho rằng người Mỹ đã sẵn sàng để chính phủ can thiệp sâu vào nền kinh tế sau tác động của Covid-19.

chinh sach kinh te biden anh 2

Lạm phát cao đặt thêm áp lực chi tiêu cho người dân tại Mỹ. Ảnh: Reuters.

Qua nhiều tháng thảo luận với Quốc hội Mỹ, ông Biden cũng đã gặt hái những thành công với việc ký thành luật được 4 chương trình kinh tế - bao gồm gói kích thích trực tiếp cho các hộ gia đình hàng nghìn tỷ USD, tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng, trợ cấp và ưu đãi cho đầu tư năng lượng sạch và sản xuất chip, cuối cùng là các biện pháp để giảm chi phí thuốc kê đơn.

Đây đều là những ưu tiên hàng đầu của đảng Dân chủ, song nó vẫn chưa được đổi lại bằng những con số tích cực tại các bảng kết quả thăm dò.

Một cuộc thăm dò toàn quốc kéo dài hai ngày 24-25/10 cho thấy 39% người Mỹ hài lòng với những gì ông Biden đã làm trên ghế tổng thống, thấp hơn một điểm phần trăm so với một tuần trước, theo Reuters.

Nhậm chức vào tháng 1/2021 giữa đại dịch Covid-19, nhiệm kỳ của ông Biden được đánh dấu bằng những vết sẹo kinh tế của cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu, bao gồm cả lạm phát tăng vọt. Năm nay, tỷ lệ ủng hộ của ông đã giảm xuống mức thấp nhất là 36% vào tháng 5 và tháng 6.

"Rất khó để tạo ra sự bùng nổ kinh tế với các vấn đề về chuỗi cung ứng và quan hệ kinh tế quốc tế phức tạp", Felicia Wong, Chủ tịch trung tâm nghiên cứu Roosevelt Forward, cho biết. "Điều ấy sẽ còn khó hơn khi cử tri không hiểu về nó, nhưng đáng tiếc là các chính trị gia cũng không nói hay giải thích gì cả".

Cuộc chạy nước rút

Trước thềm bầu cử giữa kỳ, một số chiến lược gia đảng Dân chủ cho rằng đảng này đang chật vật tìm cách giải thích rõ ràng về nền kinh tế cho cử tri.

Trong những tháng qua, đội ngũ kinh tế của ông Biden phải gấp rút truyền tải những thành tựu kinh tế của chính quyền tổng thống. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã có nhiều chuyến thăm đến khắp các bang để nói về mọi đề tài, từ xe điện đến ưu đãi thuế cho năng lượng sạch.

Brian Deese, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, đã đến Cleveland để nói về nỗ lực của chính phủ trong việc bảo vệ chuỗi cung ứng nội địa và hồi sinh ngành sản xuất ở Mỹ. Nỗ lực này dẫn đến một loạt kế hoạch từ các công ty hàng đầu như General Motors và Intel về việc xây dựng các nhà máy ở Ohio, một bang miền Trung Tây mà những năm qua đã nghiêng về đảng Cộng hòa.

“Đó là chiến lược kinh tế dành sự ưu tiên khá rõ ràng cho những khu vực thường xuyên bị xem nhẹ”, ông Deese nói. “Nếu điều này tiếp tục và có hiệu quả, nó sẽ tạo nên sự khác biệt”.

Ông cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế cũng có thể ngăn chặn suy thoái ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. “Nếu bạn nhìn vào các chỉ số cốt lõi về ổn định kinh tế, tình trạng nợ thẻ tín dụng, nợ thế chấp và phá sản cá nhân - chúng đều giảm 10-30%, mức thấp hơn so với trước đại dịch”.

chinh sach kinh te biden anh 3

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen (trái) cùng Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese (phải) đang tích cực truyền tải thông điệp kinh tế của chính quyền ông Biden tới cử tri trước thềm bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Financial Times.

Chính quyền Biden được cho là có những động thái để giảm giá trong thời gian tới, bao gồm thông qua việc xả dầu từ kho dự trữ chiến lược và tuyên bố sẽ làm nhiều hơn nếu cần để giảm giá xăng dầu, dù đây là mặt hàng mang nhiều nhạy cảm chính trị tại nước Mỹ.

Giá dầu đã giảm trong 3 tuần qua, song Chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain cho biết nó vẫn ở mức cao hơn so với một tháng hay một năm trước.

Tổng thống Biden gần đây cảnh báo nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, Mỹ sẽ có rủi ro xung đột về thuế, chi tiêu và có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ.

Reuters cho hay nhiều người không ấn tượng với hiệu suất công việc của ông Biden, trong khi lo ngại về lạm phát và nền kinh tế nhiều hơn là xả súng, phá thai hay chính sách đối ngoại.

Do đó, đảng Dân chủ đang cố gắng vẽ nên một bức tranh tương phản giữa cách 2 đảng quản lý nền kinh tế. Kế hoạch của đảng Cộng hòa tập trung vào cắt giảm thuế và bãi bỏ quy định, đồng thời cam kết giảm chi tiêu chính phủ.

Dù vậy, một số nhà phân tích chính trị cảnh báo rằng bất kỳ sự điều chỉnh thông điệp kinh tế nào vào lúc này cũng có thể đã quá muộn.

Reuters: Tỷ lệ ủng hộ ông Biden tiếp tục giảm

Một cuộc thăm dò của Reuters và Ipsos cho thấy mức độ ủng hộ mới nhất của công chúng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden là 39%, gần chạm mức thấp nhất trong nhiệm kỳ.

Ông Biden phá vỡ truyền thống bầu cử

Trái với những người tiền nhiệm, Tổng thống Mỹ Joe Biden hạn chế xuất hiện ở các cuộc mít tinh ngay trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ, một phần vì ông có tỷ lệ ủng hộ thấp.

Trần Hoàng

Bạn có thể quan tâm