Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người miền Tây lên Sài Gòn gặt lúa thuê kiếm tiền tiêu Tết

Cuối năm, nhiều người nghèo ở miền Tây, chủ yếu là người Khmer di chuyển lên TP HCM để gặt lúa thuê, đây là nguồn thu nhập chính mà họ cố kiếm để trang trải cho những ngày Tết.

Từ khoảng tháng 10, 11 âm lịch, những người lao động ở huyện Trà Ôn - tỉnh Vĩnh Long lại di chuyển lên thành phố để làm nghề gặt lúa thuê. Họ gồm cả thanh niên, phụ nữ và những người lớn tuổi.
Những người lao động di cư này là người Khmer ở các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long... do không có ruộng đất nên quanh năm di chuyển sang những vùng đất mới để làm thuê.
 Hiện tại, những ruộng lúa ở quận 2, TPHCM đang chín rộ thu hút nhiều người đến gặt thuê.
Chị Tô Thắm, một phụ nữ Khmer ở Sóc Trăng tâm sự: "Dưới quê không có việc làm nên mỗi năm cứ gần đến Tết, tôi cùng chồng con và anh em trong xóm lại lên thành phố để gặt thuê đế kiếm chút tiền về tiêu". Mỗi người sẽ được chia những phần việc khác nhau, buổi sáng chị Thắm cùng các chị em khác ra ruộng sớm để gặt lúa rồi gom thành từng đống. 
Sau đó cánh đàn ông gom bỏ vào máy tuốt lúa rồi vác từng bao tải đưa lên bờ cho xe chở về.
Những năm gần đây, máy móc đã phổ biến trong việc gặt hái nên các  chủ ruộng ít thuê nhân công gặt lúa. Chỉ có một số ruộng lúa bị ngập nước, máy móc không xuống được thì mới thuê người gặt.
Những tháng trong năm, họ đi làm thuê cho những vựa lúa lớn ở miền Tây, từ tỉnh này sang tỉnh khác suốt một rẻo đồng bằng trù phú Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang...Họ ăn uống, sinh hoạt tạm bợ trên những cánh đồng.
Không như miền Tây, đất đai ở thành phố kém màu mỡ nên lúa không đạt năng suất cao.
Anh Thiệp, ngụ ở Sóc Trăng cho biết: “Năm nay lúa không trúng mùa nên thu nhập của chúng tôi cũng thấp hơn. Nhưng dù ít hay nhiều thì nhờ gặt lúa thuê mà gia đình tôi cũng có một cái Tết ấm no.”
Ông Ba, 65 tuổi cho biết: "Đi làm thuê xa nhà trong thời gian dài nên chúng tôi thuê chung căn nhà nhỏ, rồi chia thành từng phòng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Nhiều gia đình mang theo con cái khiến việc học hành của chúng bê trễ, đứt đoạn."
Người Khmer có tính cộng đồng và giúp đỡ nhau nên khi nhóm nào làm xong trước thì sẽ phụ nhóm còn lại cho xong rồi về nghỉ sớm.
Mỗi ngày thu nhập của một thợ gặt khoảng 150.000 đồng đến 200.000 đồng. Mỗi chuyến đi kéo dài từ 1 đến 2 tháng và thường đến 27, 28 tháng chạp họ mới khăn gói về quê. 
Công việc tuy vất vả nhưng họ hài lòng với công sức mình bỏ ra: “Kiếm được chút thu nhập đến Tết mua sắm ít đồ đạc, trang trí nhà cửa những ngày xuân khiến chúng tôi vui ", chị Tô Thắm chia sẻ.

Cánh đồng lúa này thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. HCM (ngay sát chân cầu Phú Mỹ). Khu vực này hiện vẫn còn nhiều đất bỏ không, đầm lầy hoang hóa những người dân nghèo miền Tây di cư lên đây tận dụng trồng trọt để kiếm sống. Địa thế đất đai không thuận lợi nên mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, thời điểm gieo giống vào khoảng tháng 6 và thu hoạch vào cuối năm. Nguồn nước sản xuất từ sông Sài Gòn đổ về có lượng phù sa thấp, nên năng suất lúa cũng không cao.

Minh Thanh - Hải An

Bạn có thể quan tâm