Con cái là điều kỳ diệu nhất mà tạo hoá ban tặng cho chúng ta. Mỗi một em bé đều là thiên thần, là viên ngọc sáng của cha mẹ mình. Dù viên ngọc có thô ráp hay sần sùi nhiều góc cạnh thì ẩn chứa bên trong nó vẫn là những ánh hào quang rực rỡ, sáng trong.
Vậy mài dũa viên ngọc ra sao, bằng cách nào, dùng công cụ gì để viên ngọc ấy trở thành một viên ngọc sáng của toàn xã hội, có thể lấp lánh dù ở bất cứ đâu trong bất cứ hoàn cảnh nào? Cũng như những người thợ chế tác cần phải học, các bậc phụ huynh cũng cần phải trau dồi kiến thức, chọn lựa cho mình một phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả nhất đối với con.
Tình yêu thương con cái thì ai cũng có, nhưng nếu không biết cách chăm sóc, dạy dỗ, thì cũng giống như việc lấy một cây cuốc đem đi mài ngọc.
Đây chính là triết lý mà chuyên gia giáo dục Doãn Kiến Lợi của Trung Quốc đã đề cập tới trong quyển “Người mẹ tốt hơn là người thầy” của mình.
Cuốn sách là hàng loạt những bài học giản dị, những nguyên tắc giáo dục gia đình tưởng chừng như mới mẻ, nhưng thực ra lại rất bình dị, giản đơn, có thể áp dụng trong bất cứ tình huống nào. Những bài học rất nhỏ như thay vì dạy trẻ học Toán với những con số khô khốc, hãy áp dụng nó vào các trò chơi mà trẻ yêu thích.
Tác giả Doãn Kiến Lợi kể chuyện lúc nhỏ, bé Viên Viên con gái của cô đã tỏ ra thích chơi trò bán hàng. Do đó cô đã thông qua trò chơi này, thông qua việc mua bán, định giá, thậm chí là mặc cả để con gái Viên Viên có những khái niệm ban đầu về tính toán con số, về cộng trừ, rồi dần dần là cả nhân chia nữa.
Việc làm này một mặt giúp con học các phép toán một cách tự nhiên nhất, nhưng đồng thời cũng giúp con cái hiểu được ý nghĩa của việc học môn Toán đối với đời sống thực tiễn, từ đó có mục tiêu phấn đấu một cách rõ ràng và hiệu quả hơn.
Tựa đề cuốn sách như một câu châm ngôn mà tác giả Doãn Kiến Lợi đưa ra. |
Một câu chuyện khác, khi tác giả đưa con gái Viên Viên đi tiêm vì con bị ốm sốt. Như bất cứ đứa trẻ nào khác, Viên Viên cũng lo lắng, cũng sợ đau. Nhưng khác với nhiều phụ huynh khác thường xoa dịu con rằng tiêm không đau đâu, hoặc hứa hẹn trao thưởng cho con rằng tiêm xong về bố mẹ sẽ cho đi chơi… thì mẹ của bé, tác giả Doãn Kiến Lợi đã kiên nhẫn giảng giải cho con hiểu, rằng tiêm cũng hơi đau một chút, nhưng sẽ giúp con khỏi ốm nhanh.
Nguyên tắc ở đây là không được nói dối con về tình trạng của bé, và cần giải thích cho con hiểu tại sao phải làm như vậy, thay vì hứa hẹn trao thưởng cho con hay doạ dẫm làm cho con sợ. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến việc cần khích lệ sự can đảm của con, nhưng đồng thời cũng tạo cho con “đường lùi”. Như tác giả đã nói với con gái Viên Viên của mình rằng: “Mẹ thấy Viên Viên rất dũng cảm, con thử xem mình có dũng cảm không nhé. Nếu chịu được thì đừng khóc, còn không chịu được, có khóc cũng không sao”.
Có thể nói mỗi câu chuyện tác giả Doãn Kiến Lợi kể ra là một bài học nhỏ mang ý nghĩa lớn lao dành cho người đọc cũng như các bậc phụ huynh. Từ những bài học làm sao để trẻ tự đứng lên sau khi bị ngã đau, biết chia sẻ, nhường nhịn với bạn bè, biết yêu thương những thứ xung quanh, tới những bài học khi trẻ lớn hơn như giáo dục giới tính cho con, thái độ đối với việc học tập, thi cử hay đọc sách ra sao…
Có những điều ta tưởng là rất nhỏ nhặt trong cuộc sống, nói một vài câu thì đâu có ảnh hưởng gì. Hơn nữa, trẻ con còn rất nhỏ, chưa chắc hiểu hết được những điều cha mẹ hay người lớn nói, cũng đâu chắc có thể nhớ mà làm theo.
Nhưng hoàn toàn không phải thế. Tác giả Doãn Kiến Lợi đã chỉ ra rằng, bất cứ chuyện gì liên quan đến trẻ em đều không phải chuyện nhỏ.Trong việc dạy con trẻ, một trong những điều quan trọng nhất là cần phải đặt mình vào vị trí của con, để có thể thông cảm và thấu hiểu con cái mình. Bởi có những chuyện là nhỏ với người lớn, nhưng lại là một chuyện rất quan trọng, lớn lao đối với trẻ. Nói cách khác, chúng ta cần phải học cách tôn trọng con trẻ, tôn trọng những mong muốn, sở thích và suy nghĩ của các con.
Quả thực hành trình chăm sóc và nuôi dạy con cái là một hành trình đầy gian nan nhưng cũng vô cùng kỳ diệu. Trong suốt hành trình này, cha mẹ vừa là người dẫn đường, nhưng đồng thời cũng là người đồng hành cùng con trẻ khám phá những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Mỗi ngày con trưởng thành hơn cũng là mỗi ngày những người làm cha làm mẹ như chúng ta hoàn thiện hơn. Trong hành trình hoàn thiện này, cuốn sách Người mẹ tốt hơn là người thầy có vai trò như một cuốn cẩm nang giúp con đường chúng ta đang đi trở nên bằng phẳng hơn, dễ dàng hơn và dẫn chúng ta tới một cái đích tươi sáng hơn.
Cuốn sách được phân chia rất khoa học, gồm 7 chương với các nội dung: Làm cách nào để nâng cao chất lượng cho tình yêu, Biến học tập thành chuyện nhẹ nhàng, Giáo dục phẩm chất đạo đức cần thiết cho cả cuộc đời, Tạo thói quen học tập tốt, Vốn trí tuệ cần phải có của những người làm bố làm mẹ, Chuyện nhỏ chính là chuyện lớn và Hãy thoát ra khỏi những ngộ nhận trong giáo dục.
Mỗi chương lại bao gồm các câu chuyện, bài học ý nghĩa, rất dễ theo dõi và nắm bắt. Sau mỗi câu chuyện, tác giả cũng đúc kết lại thành những nguyên tắc cơ bản, giúp người đọc có thể ghi nhớ kỹ hơn.
Thực ra khi cầm quyển sách trên tay, bất cứ ai cũng có thể nghĩ đây là một quyển sách nặng nề về nghiên cứu, lý luận, những nguyên tắc khô cứng. Nhưng bắt đầu đọc quyển sách này, người đọc sẽ chỉ cảm nhận được những câu chuyện nhỏ, những kinh nghiệm trong nuôi dạy con cái của một người mẹ chia sẻ lại cho những người làm cha làm mẹ khác. Những vấn đề xảy ra với Viên Viên, con gái của tác giả đều có thể xảy đến với con cái của chúng ta.
Những câu hỏi, những thắc mắc của Viên Viên đều là những thắc mắc mà những đứa trẻ muôn đời nay đều hỏi đến.Vậy nên, nếu bạn đã từng lúng túng trước những vấn đề của con trẻ, từ những thắc mắc nhỏ nhặt nhất, tới những vấn đề lớn lao khi con bước vào tuổi trưởng thành… thì cuốn sách Người mẹ tốt hơn là người thầy thực sự giúp ích được cho bạn.
Không chỉ giới thiệu tới bạn đọc những nguyên tắc giáo dục gia đình hoàn toàn mới mẻ và hiện đại, cuốn sách còn giúp các vị phụ huynh có một sự chuẩn bị tốt về tâm lý cho những chặng đường phát triển của con cái mình. Cuốn sách không những nói cho bạn biết làm thế nào để nâng cao thành tích cho con trẻ, mà còn cho bạn biết làm thế nào để dạy con trẻ làm người, dạy bạn bồi dưỡng một đứa con tự giác, tự cường, tự lập.
Thực ra tựa đề của cuốn sách không hề có ý so sánh giữa người mẹ và người thầy, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng cha mẹ có vai trò quan trọng thế nào đối với việc hình thành nên nhân cách và cá tính của con trẻ. Có sự giúp sức của cha mẹ, việc giảng dạy của thầy cô trên lớp cũng trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Nói như trong lời giới thiệu cuốn sách, thì phương pháp giáo dục mà tác giả Doãn Kiến Lợi muốn giới thiệu tới độc giả là phương pháp giáo dục tự nhiên nhưng không để lại dấu vết – đây mới là giáo dục chân chính, là cảnh giới tuyệt diệu của giáo dục.
Và chúng ta, những người đã hay sắp làm cha làm mẹ, hãy chuẩn bị cho mình một hành trang kiến thức vững vàng, để có thể đồng hành cùng con trẻ trong chặng đường trưởng thành dài phía trước, để viên ngọc sáng của gia đình chúng ta, có thể toả sáng cả ở ngoài xã hội.