Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người mẹ hy sinh đôi mắt để cho con sự sống

Tình mẫu tử thiêng liêng trỗi dậy, chị Yên không ngần ngại hy sinh đôi mắt để giữ lại đứa con, bất chấp lời khuyên của mọi người.

Trước tình trạng bệnh tình của chị, gia đình và các bác sĩ đã khuyên chị bỏ cái thai để chữa bệnh, nếu để lại tính mạng của chị không những bị đe dọa mà khả năng đôi mắt sẽ mù. 

Lúc đó, trong đầu chị chỉ có một ý nghĩ “mạng đổi mạng, cho dù mình có chết cũng để cuộc sống cho con” và niềm tin đó đã trở thành hiện thực.

    Thế gian không ai khổ bằng mẹ…

    Đó là câu chuyện của chị Hoàng Thị Yên (34 tuổi, trú tại Thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). Người phụ nữ đã quyết đánh đổi không những đôi mắt mà thậm chí là cả tính mạng để cứu lấy sự sống cho đứa con bé bỏng.

    Đã hơn một năm trôi qua kể từ ngày sinh bé Lê Hoàng Cẩm Tú, chị Yên đã trải qua nhiều lần xạ trị căn bệnh ung thư vòm họng, nhưng đôi mắt của chị vẫn chưa có dấu hiệu bình phục. 

    Chị đã chuyển về nhà chồng ở thôn Tri Chỉ (xã Trí Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) để tiến hành châm cứu với hy vọng đôi mắt có thể nhìn thấy sau nhiều ngày bị bệnh. 

    Nhớ lại những tháng ngày mang thai, bị bệnh của mình, chị Yên không cầm được nước mắt kể lại câu chuyện đầy kỳ tích của bản thân.

    Cách đây 2 năm, khi còn là công nhân may trong một nhà máy ở Hà Đông, chị Yên yêu và lấy anh Hợp - lái xe cho một hãng taxi. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ thêm đong đầy khi chị mang thai đứa con đầu lòng. 

    Sau 5 tháng mang bầu, chị có dấu hiệu mệt mỏi khác thường và hay chảy máu cam. Lo lắng cho sức khỏe của đứa bé, chị đến bệnh viện khám. Ban đầu, bác sĩ giấu tình trạng bệnh và gọi chồng chị đến.

    Thế nhưng, lúc nhìn thấy người cha tóc bạc từ quê lên thăm, chị đã nhận ra dấu hiệu chẳng lành. Gặng hỏi mãi chị mới được chồng cho biết, chị mắc căn bệnh ung thư vòm họng giai đoạn cuối.

    hị Yên - người mẹ chấp nhận đánh đổi mạng sống để con được ra đời.
    Chị Yên - người mẹ chấp nhận đánh đổi mạng sống để con được ra đời.

    Gia đình và các bác sĩ khuyên chị bỏ đứa bé đi để chữa bệnh, nếu để lại thì mạng sống của chị chỉ giữ được 2 - 3 tháng. Lúc đó, tình mẫu tử thiêng liêng trỗi dậy, chị đã không ngần ngại chọn giữ lại đứa con bất chấp lời khuyên của mọi người. 

    Với quyết định của mình, chị viết đơn xin ra viện và từ chối mọi đợt xạ trị, hóa chất, chấp nhận sống trong đau đớn, quằn quại để giữ đứa con. 

    Về quê được một tuần, mắt trái và một bên mặt của chị tê liệt, nhìn mọi vật đều lệch lạc, mờ dần. Gia đình tìm những bài thuốc dân gian cho chị uống nhưng chúng không chữa trị được cho người có thai.

    Chị chỉ ăn được lá lược vàng, mỗi ngày 2 - 3 lá nhưng cũng chẳng có tác dụng gì nhiều. Càng ngày, chị càng đau và hay bị nôn. 

    Đến bệnh viện khám, bác sĩ dự định để thai được 7 tháng sẽ mổ lấy đứa bé ra. Chị lại về nhà và cố gắng chờ đứa con sinh ra. Có người giới thiệu lên Thái Nguyên lấy thuốc, chồng chị lọ mọ đến tìm thuốc cho vợ, rồi lại về Phú Xuyên nhờ thầy bấm huyệt cho đỡ nôn ói và bớt đau. 

    Lúc được 6 tháng, cái thai chỉ nặng 1 kg, lên tháng thứ 7 cũng chỉ được gần 1,3 kg. Chị sống trong lo lắng vì con mình mãi chẳng tăng cân trong khi bản thân chị cứ ăn vào lại nôn. Hằng ngày, chị phải truyền nước và đường mới có sức để chờ đến ngày sinh.

    Khi thai nhi 36 tuần, chị được các bác sĩ tiến hành mổ. Lúc vào phòng mổ, đôi mắt chỉ thấy mờ mờ, khi bác sĩ tiêm thuốc tê thì ánh sáng còn lại của chị tắt hẳn, hai mắt của chị mù hoàn toàn. 

    Chị bảo, mọi người thường nói chị là “đẻ con ngày nào mẹ mù ngày đấy”. Hạnh phúc vỡ òa khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời. Chị sống trong niềm vui sướng khi con sinh ra khỏe mạnh, bé được 2,1 kg và khóc rất to. Đến giờ, bé Cẩm Tú đã được gần 18 tháng tuổi, đang học nói và chập chững những bước đi đầu tiên.

    Không chịu đầu hàng số phận

    Sau khi sinh con, chị vào viện để tiến hành xạ trị, những đau đớn cũng giảm dần và không còn di căn sau 9 tháng nằm viện. 

    Mới đây, chị Yên chuyển về quê chồng để tiến hành châm cứu với hy vọng ánh sáng có thể quay trở lại trên đôi mắt. Giờ đây, mong ước lớn nhất của chị là một lần được nhìn thấy con, được một lần tự tay đút cháo cho con ăn, được làm mẹ theo đúng nghĩa.

    Bé Bống (tên ở nhà của bé Cẩm Tú) khi mới sinh ra đã phải xa mẹ. Bé được đưa về nhà ngoại để ông ngoại và hai người chị gái của chị Yên chăm sóc. Còn chị Yên chưa một lần được nhìn mặt con.

    Chị Yên chia sẻ rằng, khi chị “ngoan cố” giữ bằng được đứa bé thì đã có không ít lời qua tiếng lại khiến chị phiền lòng. 

    Họ nói chị quá ngốc nghếch và dại dột. Thế nhưng, chị Yên vẫn giữ vững lập trường và trả lời họ bằng một câu nói khiến nhiều người không cầm được nước mắt: “Đứa con sẽ là đôi mắt của em”. 

    Bé Cẩm Tú đã được 18 tháng tuổi.
    Bé Cẩm Tú đã được 18 tháng tuổi.

    Và câu nói đó đã trở thành sự thật. Mỗi lần đưa bé Bống đi chơi trong xóm, chị Yên cảm thấy rất ngại vì không thể nhớ rõ nhà hàng xóm láng giềng. Chị phải lần mò đi bằng cách bám vào tường. 

    Mỗi lần như vậy, chị lại thả bé xuống, nếu bé chạy vào nhà nào thì chị sẽ theo bé vào. Khi mới về nhà, chị rất sợ mỗi khi phải tự đi trong chính ngôi nhà của mình. Mỗi lần như vậy, chị cần có người dìu dắt.

    Một lần, cả nhà đi vắng hết chỉ có bé Bống và chị ở nhà. Bé Bống không may bị ngã trong nhà vệ sinh và khóc toáng lên. Nghe thấy tiếng khóc thất thanh của con, chị dùng hết sức vượt qua nỗi sợ, tự lần mò ra “cứu” đứa con mà mình đã bất chấp cả sinh mạng để sinh ra.

    Có một điều may mắn là chị nhận được sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt từ gia đình, nhất là người chị gái. Chị này đã chăm sóc hai mẹ con chị Yên một cách chu đáo. 

    Chị Yên tâm sự: “Nhiều khi, tôi cảm giác chị như người mẹ thứ hai của mình. Tôi sinh con ra nhưng vì quá yếu lại mù lòa nên không thể chăm sóc cho con. Tôi trở thành gánh nặng của gia đình khi phải xạ trị và truyền hóa chất trong thời gian dài. 

    Chị ấy đã không quản ngại lo cho tôi và chăm bẵm bé Bống như thể đó là con đẻ của chị vậy. Tôi cảm ơn gia đình và chị gái nhiều lắm”.

    Bên cạnh những người thân ruột thịt, chị Yên còn nhận được sự giúp đỡ từ xã hội như thầy đông y thương tình bấm huyện miễn phí, những người nấu cháo từ thiện ở viện K hay thậm chí là cả những người chữa trị ung thư nằm cùng phòng với chị. 

    Đức hy sinh đáng quý của chị đã làm họ cảm động. Quả thực, không phải ai cũng can đảm dám đánh đổi cả tính mạng của bản thân để đem lại sự sống cho con. Tuy vậy, cuộc sống của mẹ con chị Yên vẫn rất khó khăn, vất vả bởi bệnh tật, đau yếu.

    Trước lúc chia tay, chị nói với chúng tôi: “Tình mẫu tử đã cho tôi một quyết định “dại dột” nhưng nếu như làm theo lời mọi người bỏ đi đứa con để lo chữa mắt thì làm gì có bé Bống hôm nay. 

    Nó là tài sản vô giá và lớn nhất của cuộc đời tôi. Ơn trời đã để cho mẹ con tôi được sống. Ước vọng lớn nhất của tôi là một lần được thấy mặt con, một lần được chăm sóc con đúng nghĩa và mẹ con tôi sẽ mãi được ở bên nhau”.

    http://laodong.com.vn/xa-hoi/cau-chuyen-tham-dam-tinh-mau-tu-cua-nguoi-me-hy-sinh-doi-mat-de-cho-con-su-song-319162.bld

    Theo Hà Nam/Lao động

    (Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

    Bạn có thể quan tâm