Tác phẩm viết về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: Minh Huy. |
Rất nhiều nhà văn đã tạo được mối liên kết giữa mình và các vùng đất. Nếu Nguyễn Bình Phương thường hướng về Thái Nguyên - quê hương ông, Nguyễn Ngọc Tư tìm cảm hứng ở miền Tây Nam Bộ, Đỗ Phấn và Nguyễn Trương Quý xoay quanh Hà Nội, thì ngòi bút Nguyễn Vĩnh Nguyên lại gắn bó với Đà Lạt.
Thành phố những lục địa bay tiếp nối Ký ức của ký ức là những phân mảnh rời rạc, nơi tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên tiếp tục xóa mờ ranh giới thể loại, xoay chuyển giữa nhiều góc nhìn và cho độc giả thấy sự chập choạng giữa mộng và thực, giữa hiện tại và quá khứ, giữa tự nhiên và nhân tạo, giữa hiện tồn và huyễn hoặc… trong một lịch sử dài của mảnh đất Đà Lạt.
Nghệ thuật viết độc đáo
Đọc tác phẩm, độc giả sẽ thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên đồng hiện ở nhiều nơi chốn, khi thì len lỏi giữa những sự kiện trích từ văn khố, khi lại lạc giữa những huyễn tích dân gian và hình ảnh…
Gồm nhiều chương nhỏ, Thành phố những lục địa bay có phần giống Những thành phố trôi dạt khi viết về những câu chuyện không đầu, không cuối. Tuy có chủ thể và có thể ghép lại thành tổng thể chung, Nguyễn Vĩnh Nguyên nói không với tính tuần tự.
Do đó, giữa những đoản văn bàn về quy hoạch với hồ, đồi hay hầm trú ẩn, không ngạc nhiên khi ta đọc được xen kẽ vào đó là những đoạn tâm linh nói về tộc người sống dưới suối ngầm, về mùi tử khí hay là nhà văn phiền muộn của năm 1964.
Có thể thấy thủ pháp giải cấu trúc cũng như phân mảnh cốt truyện cung cấp cho người đọc góc nhìn hướng về Đà Lạt một cách chính xác. Qua ngòi bút tác giả, Đà Lạt hiện lên như vùng đất muôn hình vạn trạng, liên tục biến đổi.
Song song đó là những cốt truyện có phần huyễn tưởng. Đó là nạn dịch “cuồng loạn đổi mới” phá hủy cảnh quan giống như bệnh dịch “mù trắng” của José Saramago. Đó còn là ngôi làng của người hít thở bằng mang, tương đồng với những tưởng tượng mà Gabriel García Márquez từng đặt ra trong Biển của thời đã mất.
Cùng đó là những điển tích dân gian về con hổ mang khuôn mặt người, về thác nước như những giọt lệ và những mối tình đôi lứa đậm màu huê tình hay những mảnh đời có phần bi kịch theo kiểu tiểu thuyết. Thông qua đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên cho thấy một khía cạnh khác của Đà Lạt, nơi bị nhấn chìm bởi sự biến đổi không ngừng, bởi sương, bởi nước và những thay đổi của ngày hiện tại.
Từ đó, một lục địa u buồn như trôi trên mây đã dần thành hình, nơi con người ta chỉ nhìn thấy được sự thiếu chính xác và nơi bản dạng không ngừng thất lạc.
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: P.B.Đ. |
Đà Lạt nhiều bản sắc
Với một nơi chốn có nhiều đặc trưng như là Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã rất cố gắng gom nhặt từ những màn sương để thấy rằng kết cấu của thành phố ấy là những viên gạch của lịch sử. Chúng trôi nổi, lửng lơ và vì phế truất hết mọi chủ thể, nên cách khả dĩ để nhìn nhận nó là từ cao điểm hay qua gián tiếp.
Với sự bất định của quá khứ và mai một của những ký ức, Đà Lạt hiện tồn ở trong hai thì: Quá khứ và hiện tại.
Nói về quá khứ, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã dựng lại một nền "di sản u buồn" của những “cafra” - nỗi buồn tha hương theo kiểu thuộc địa của những người Pháp. Ngoài ra, đó còn là một lịch sử đang bị tẩy xóa, bởi việc mất đi thứ bánh dauphinoise hay những kiến trúc Rococo đã bị đập phá để chỉ còn lại đường nét thô cứng, lai tạp tầm thường.
Nguyễn Vĩnh Nguyên như bỏ qua tương lai, duy chỉ một lần ông nói về hơn 6 thập kỷ sau với một thế giới dường như tận thế. Khi đó, con người rơi vào hung hãn với những kiến trúc trăm nơi như một, với một vườn hoa chen nhau sung mãn và tấm da hổ không hề thương xót. Du khách đến đây, coi mảnh đất này như chiếc tủ lạnh, không phải chữa lành mà là duy trì những thứ cắt xẻ không còn thống nhất, đã bị hư hoại, mất kết nối.
Nguyễn Vĩnh Nguyên thông qua Thành phố những lục địa bay đã khái quát được một Đà Lạt phân mảnh, không ngừng biến đổi và chỉ là những phân mảnh như lục địa bay khi cố nắm bắt.